"Hoàng hôn nhiệm kỳ" của ông Obama
- Thứ ba - 08/11/2016 09:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đó là nhận định của Andrew Bowen, nhà nghiên cứu cấp cao và là Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Trung Đông của trang National Interest. Vị tiến sĩ gọi ông Obama là “Tổng thống thời chiến”, vào lúc xảy ra nhiều cuộc xung đột trên thế giới, an ninh nội địa Mỹ bất ổn. Sự tín nhiệm của dân Mỹ dành cho ông Obama không cao, rơi xuống mức thấp, trong lúc nỗi lo bị khủng bố lên cao nhất kể từ năm 2001.
Xa rời quần chúng
Thái độ của dân Mỹ ngược hẳn thời ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ da màu đầu tiên. Nắm quyền lực từ đầu năm 2009, ông tranh thủ sự mong muốn chấm dứt cuộc chiến tranh tốn kém ở Trung Đông và Afghanistan, để tái tập trung xử lý những thách thức nội địa và “xoay trục về châu Á”, nơi mà Mỹ đối mặt với sự cạnh tranh địa - chính trị và kinh tế của Trung Quốc.
Ông Obama trúng cử tổng thống, vì hiểu rõ lòng dân muốn có một tiến trình khác, sau những hành động phiêu lưu quân sự của vị tiền nhiệm George Bush. Ông tránh sử dụng sức mạnh quân sự, ưu tiên đường hướng ngoại giao và đối thoại đa phương để giải quyết những thách thức của thế giới.
Ông tập trung đánh Al-Qaeda, chọn các giải pháp quân sự nhẹ là máy bay không người lái (do CIA thực hiện) và quân đặc nhiệm hỗ trợ quân nổi dậy ở Libya, đánh Taliban ở Afghanistan và quân khủng bố IS. Ông kết luận tương lai của Mỹ sẽ được phục vụ tốt hơn, bằng cách đầu tư vào châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ La tinh, thay vì làm “cảnh sát gìn giữ trị an” ở Trung Đông.
Những thăm dò dư luận cho thấy đa số dân Mỹ mất niềm tin vào cách xử lý thách thức an ninh quốc gia của vị Tổng tư lệnh quân đội. Ông Obama không thuyết phục được người Mỹ từ thỏa thuận hạt nhân với Iran, thỏa thuận Paris về thay đổi thời tiết toàn cầu, Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và lập quan hệ ngoại giao với Cuba. Ông Obama chỉ theo đuổi chiến lược chống IS ít tốn kém, ngăn cản một cuộc tấn công lớn vào nước Mỹ.
Trong khi đó, đa số ứng viên tổng thống Mỹ kế tiếp đều là “diều hâu”, ưng một vị thế cứng rắn hơn để thúc đẩy quyền lợi Mỹ. Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nhất trí, rằng tổng thống Mỹ kế tiếp sẽ cần thay đổi hướng hành động hiện nay của ông Obama... khi dân Mỹ đang chú ý xem ai sẽ là lãnh đạo Mỹ từ năm 2017.
“Hoàng hôn nhiệm kỳ” đầy thách thức
Các thách thức buộc ông Obama phải có những hành động trong năm 2016:
Afghanistan. Đầu năm 2015, ông Obama thừa nhận ông phải lùi thời hạn rút quân, điều cho thấy vị thế yếu của Mỹ ở Afghanistan. Đầu năm 2016, Taliban trỗi dậy, Al-Qaeda đang tái lập ở nước này. Nếu lực lượng Mỹ và an ninh Afghanistan không thể ngăn chặn chúng, ông Obama có thể phải đầu tư thêm về quân sự trong cuộc chiến này.
Syria. Cuộc nội chiến tiếp tục xé toang sự ổn định của khu vực. Sự thách thức dòng người tỵ nạn Syria vào châu Âu tăng cũng thúc đẩy việc cần có một phản ứng mạnh hơn.
Iran. Những cuộc thử phóng tên lửa đạn đạo của Tehran khiến có những thắc mắc về tính bền vững của thỏa thuận hạt nhân. Các nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi giữ nguyên lệnh cấm vận Iran. Nếu thế, Iran sẽ phản ứng thế nào với lệnh trừng phạt mới?
Nga. Moscow là một thử thách lớn cho Mỹ, và việc Nga can thiệp quân sự vào Syria phần nào là hậu quả của việc Mỹ bị giảm vai trò ở khu vực này.
IS. Năm 2011, thành tích tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden, cùng việc máy bay không người lái của CIA diệt nhiều chỉ huy Al-Qaeda cấp cao cùng các nhánh của nó, đã khiến dân Mỹ tin tưởng mối đe dọa từ Hồi giáo cực đoan đã suy tàn.
Nhưng sự nổi lên của IS ở Syria và Iraq, cùng các nhánh của nó trên toàn thế giới, đã khiến ông Obama bị bất ngờ. Các vụ tấn công khủng bố ở San Bernardino (bang California) và ở Paris (Pháp) cho thấy: IS có thể gieo cảm hứng hoặc trực tiếp tấn công Mỹ và châu Âu.
Món cược của ông Obama - chỉ sử dụng biện pháp quân sự nhẹ để xử lý thách thức này - cho đến nay chưa đạt được nhiều kết quả “đẹp”. Chiến dịch không kích IS của liên quân do Mỹ dẫn đầu, chưa đạt được kết quả như Tổng thống Obama mong đợi. Việc tái chiếm Ramadi (Iraq) mất 7 tháng và thành phố này tan hoang. Đến cuối nhiệm kỳ, Mỹ và Iraq quyết tâm chiếm lại được Mosul và Raqqa, “thủ phủ” tự phong của IS.
Theo Trung Trực/ National Interest
Cảnh sát toàn cầu