Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Hải quân Mỹ tụt hậu về công nghệ chống tàu ngầm

Hải quân Mỹ tụt hậu về công nghệ chống tàu ngầm
Năng lực tác chiến chống ngầm của Hải quân Mỹ giảm mạnh từ sau Chiến tranh Lạnh, trong khi các tàu ngầm mới ngày càng hiện đại hơn đe dọa ưu thế của hải quân số một thế giới.

Theo Economist, trong một cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển Florida năm 2015, tàu ngầm tấn công hạt nhân Saphir, lớp Rubis của Pháp đã biến mất khỏi sự theo dõi của máy bay và tàu săn ngầm của Mỹ. Tàu ngầm của Pháp đã qua mặt đội tàu hộ tống tối tân để đưa hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt (CVN-71) vào tầm ngắm.

Phía Mỹ đã cố gắng để ngăn chặn việc rò rỉ thông tin “muối mặt” trên mạng nhưng dường như quá muộn. Chiến thắng của tàu ngầm Pháp cũng không phải là do may mắn. Trong năm 2006, một tàu ngầm điện-diesel của Trung Quốc đã nổi lên trong tầm bắn của ngư lôi gần tàu sân bay USS Kitty Hawk của Mỹ ngoài khơi quần đảo Okinawa, Nhật Bản.

Mối đe dọa từ tàu ngầm gia tăng

Những sự cố trên báo hiệu, mối đe dọa từ tàu ngầm đối với hoạt động của Hải quân Mỹ trên toàn cầu ngày càng gia tăng. Vấn đề đáng quan ngại hơn là lực lượng tác chiến chống ngầm Mỹ tỏ ra kém cỏi trong việc phát hiện, ngay cả với những tàu ngầm cũ.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân Saphir được đưa vào sử dụng từ năm 1981, chắc chắn không phải là tàu ngầm được trang bị công nghệ hiện đại nhất. Bên cạnh đó, ở thời điểm sự cố với tàu ngầm Trung Quốc xảy ra vào năm 2006, công nghệ tàu ngầm điện-diesel đã hiện đại và khó phát hiện hơn.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã bị tàu ngầm Pháp khóa mục tiêu thành công. Ảnh chụp màn hình Youtube

Jerry Hendrix, cựu sĩ quan tác chiến chống ngầm trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thừa nhận, các tàu ngầm điện-diesel thế hệ mới chạy rất êm, rất khó phát hiện.

Bên cạnh đó, tàu ngầm ngày một phổ biến trên toàn thế giới. Danh sách các quốc gia có tàu ngầm từ khoảng hơn 10 nước trong những năm Chiến tranh Lạnh đã tăng lên khoảng 40 nước. Nhiều quốc gia mới có tàu ngầm không phải là một phần của liên minh phương Tây, thậm chí còn là đối nghịch.

Điều tệ hại là lực lượng bảo vệ trước mối đe dọa của tàu ngầm ngày càng giảm. Các quốc gia phương Tây liên tục giảm ngân sách quốc phòng cho lực lượng tác chiến chống ngầm kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Hải quân Mỹ đã ngưng hoạt động của máy bay săn ngầm S-3 Viking trên tàu sân bay từ năm 2009. Năng lực chống ngầm từ tàu sân bay đổ dồn vào trực thăng SH-60 Seahawk với phạm vi hoạt động khá ngắn. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, đội tàu hộ tống cho tàu sân bay giảm từ trung bình 6 xuống còn 4 tàu.

Ngoài ra, tàu ngầm hiện đại không chỉ khó phát hiện hơn mà còn được vũ trang tốt hơn. Nhiều loại tàu ngầm có thể mang theo cả ngư lôi và tên lửa chống hạm. Trong tháng 4, Trung Quốc đã giới thiệu tên lửa chống hạm phóng từ tàu ngầm CM-708 UNB. Nó có thể mang theo đầu đạn nặng 155 kg với tầm bắn 290 km.

Tàu ngầm tấn công lớp Kilo của Nga thậm chí còn được trang bị loại tên lửa nguy hiểm hơn. Tên lửa Kalibr-PL có thể mang theo đầu đạn nặng 200 kg với tầm bắn 300 km. Trong tháng 12/2015, tàu ngầm Kilo của Nga đã tiêu diệt mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bằng 4 tên lửa như vậy.

Đô đốc Alain Coldefy, cựu phó tham mưu trưởng Hải quân Pháp thừa nhận, “tàu chiến mặt nước đang lâm nguy trước mối đe dọa từ tên lửa tấn công nhanh ở cự ly gần”.

Tự động hóa việc săn ngầm

Một cách tiếp cận mới trong việc săn lùng và tiêu diệt tàu ngầm đang được phát triển. Tàu ngầm rất khó phát hiện, do đó khi đã phát hiện, nguyên tắc là không để tàu ngầm trốn thoát. Hiện tại, nhiệm vụ săn tìm tàu ngầm đang được thực hiện bởi các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, máy bay. Chúng là những tài sản trị giá hàng tỷ USD để chế tạo cùng hàng chục triệu USD chi phí hoạt động mỗi năm.

Ý tưởng đang được phát triển là sử dụng các phương tiện không người lái làm nhiệm vụ tác chiến chống ngầm. Các tàu săn ngầm không người lái được trang bị gói cảm biến và trí tuệ nhân tạo để tự động hóa trong nhiệm vụ săn tìm tàu ngầm.

Tàu săn ngầm không người lái Sea Hunter. Ảnh: DARPA

Cơ quan Nghiên cứu các Dự án Quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ đang tiến hành thử nghiệm tàu săn ngầm không người lái Sea Hunter. Tàu có chiều dài 40 m, được thiết kế theo kiểu trimaran. Sea Hunter có thể làm nhiệm vụ theo dõi tàu ngầm đối phương trong nhiều tháng.

Sea Hunter có chi phí khoảng 20 triệu USD. Scott Littlefield, người đứng đầu chương trình Sea Hunter cho biết, nhà sản xuất đang phối hợp cùng với các chuyên gia để hoàn thiện tính năng của tàu phù hợp với khả năng phản ứng của thủy thủ đoàn tàu ngầm đối phương.

Các tàu săn ngầm không người lái đã mở ra kỷ nguyên mới trong nhiệm vụ tác chiến chống ngầm. Gunnar Wieslander, cựu chỉ huy hạm đội tàu ngầm Thụy Điển hiện đang làm việc cho tập đoàn Saab Kockums cho biết, công ty này đang phát triển một phương tiện tấn công dưới nước phóng từ tàu ngầm để tiêu diệt các tàu săn ngầm không người lái.

Tuy nhiên, những chiếc máy bay tác chiến chống ngầm vẫn rất hữu ích, tốc độ, khả năng cơ động cao, phạm vi hoạt động rộng. Ngoài nhiệm vụ săn ngầm, máy bay còn có thể theo dõi hoạt động của tàu chiến mặt nước đối phương.

Cuộc chạy đua vũ trang giữa các tàu mặt nước và tàu ngầm đã kéo dài gần một thế kỷ kể từ khi Đức sử dụng tàu ngầm U-boat tấn công tàu chiến mặt nước trong Thế chiến I. Đến cuối Thế chiến II, phe Đồng minh nắm ưu thế trong lịch vực tác chiến chống ngầm.

Nhưng sự cố với tàu sân bay Kitty Hawk và Theodore Roosevelt  gần đây cho thấy, ưu thế đang nghiêng về phía tàu ngầm. Câu hỏi lớn được đặt ra là bao giờ ưu thế về săn ngầm sẽ trở lại.

Seagull - sự khởi đầu kỷ nguyên sát thủ săn ngầm tự động

Tập đoàn Elbit, Israel đã phát triển và thử nghiệm thành công tàu săn ngầm không người lái đầu tiên trên thế giới mang theo ngư lôi cho phép diệt tàu ngầm đối phương.

Nguồn tin: news.zing.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây