Đức ra luật bảo vệ đàn ông: Tránh nuôi "con người ta"
- Thứ năm - 01/09/2016 02:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dự luật mới này có nội dung bắt buộc những người phụ nữ phải khai thật với chồng của mình về cha ruột đứa con của họ khi người đàn ông đề cập đến.
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đạo luật này được đề ra dựa trên việc những người đàn ông phải nuôi con mà không hề hay biết đứa con mình nuôi là con của người khác, hoặc không biết cha đẻ của đứa con là người nào.
Cụ thể, có hai trường hợp, trường hợp thứ nhất, hai người kết hôn với nhau rồi có con. Trong trường hợp này, khi cặp vợ chồng có con, người đàn ông không thể biết chắc chắn đứa con mà anh ta đang nuôi nấng có phải là con đẻ của mình không, hay là cốt nhục của một người đàn ông nào khác nếu như không làm xét nghiệm ADN.
Tuy nhiên, không phải bất cứ đứa bé nào sinh ra cũng đều làm kiểm tra gen để xác minh nó là con chung của cặp vợ chồng. Đồng thời việc làm này tốn kém, có thể gây ra tổn thương cho con nhỏ khi biết chuyện và lãng phí khi đứa bé thực sự là con chung.
Trong khi đó, bà mẹ luôn là người nắm rõ nhất đứa con mình sinh ra là máu mủ của người đàn ông nào. Vì vậy, với luật mới này, chỉ cần bất kể khi nào người chồng nói tới chuyện cha ruột đứa con của họ thực sự là ai, thì người vợ có trách nhiệm phải công khai điều đó.
Dĩ nhiên, không phải người đàn ông nào cũng sẽ hỏi vợ điều này. Đạo luật này dành cho những người đàn ông không cảm thấy tin tưởng vào vợ mình, không biết người phụ nữ của họ có đi ra ngoài ngoại tình hay không.
Ngoài ra, khá nhiều trường hợp đứa con của họ khi sinh ra và lớn lên có những đặc điểm trên khuôn mặt, cơ thể... khác biệt khá nhiều so với người cha. Với những trường hợp này, người đàn ông dễ dàng nảy sinh nghi ngờ vào đứa con mà vợ anh ta sinh ra không phải con đẻ của mình.
Theo các nhà lập pháp Đức, người đàn ông có thể sẵn sàng chấp nhận việc nuôi con người ta, hay có thể tha thứ cho vợ nếu cô ấy lỡ lầm. Hoặc cũng có thể sẽ xảy ra một kết thúc khác, không được viên mãn như vậy. Tuy nhiên, không có lý do gì để bắt người đàn ông sống mà phải nuôi con hộ người khác, cũng không thể để họ suốt đời không được biết sự thật.
Người phụ nữ nào cố giấu giếm cha ruột đứa trẻ là đang có hành vi gian dối, lừa đảo trong hôn nhân, chưa kể đến việc có thể họ đã từng không giữ trọn đạo làm vợ. Điều này là một sự bất công đối với đàn ông.
Trong trường hợp thứ hai, người phụ nữ đã có con riêng trước khi kết hôn với người đàn ông đến sau. Trong trường hợp này, người chồng hiện tại có quyền được biết thông tin về người cha đẻ của đứa con mà anh ta đang chấp nhận nuôi nấng thay.
Tuy nhiên, với trường hợp này, đạo luật trên sẽ cho phép người phụ nữ được giữ bí mật về đứa con nếu họ có những lý do không thể hoặc không muốn tiết lộ ra.
Được biết, trong hôm nay (31/8), dự luật này sẽ được Quốc hội nước này xem xét thông qua.
Theo Trà My
Đất Việt