Đông Nam Á lo ngại làn sóng chiến binh IS hồi hương từ Mosul
- Chủ nhật - 23/10/2016 17:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lực lượng người Kurd tập trung ở đông Mosul để tiến hành chiến dịch giải phóng thành phố này. Ảnh: Reuters |
Malaysia hồi đầu tuần kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á siết chặt các biện pháp chống khủng bố, do lo ngại việc Iraq đẩy mạnh truy quét IS tại thành trì Mosul có thể khiến nhiều chiến binh nước ngoài chạy khỏi chiến trường về quê nhà, theo SCMP.
Với sự hỗ trợ của các cố vấn Mỹ cùng lực lượng chiến binh người Kurd, Baghdad đã mở chiến dịch quân sự rất lớn nhằm giành lại thành phố với hơn một triệu dân này. Hai năm trước IS đã chiếm Mosul và tuyên bố chọn nơi này làm trung tâm của một "vương quốc Hồi giáo" mới. Tại đây IS có khoảng 8.000 chiến binh, bao gồm cả người địa phương và nước ngoài.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi hôm 18/10 cho biết đã tăng cường các biện pháp kiểm soát an ninh tại biên giới và sân bay. "Chúng tôi trao đổi thông tin với các cơ quan tình báo và có một danh sách các nghi phạm. Các cơ quan hành pháp luôn trong tình trạng sẵn sàng, không chỉ tại các sân bay mà cả ở những đường cống ngầm".
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein hôm 17/8 thì khẳng định đã lệnh cho quân đội "để mắt tới các diễn biến tại Iraq và Syria bởi chúng tôi e ngại rằng các tay súng IS có thể tới đây, và số lượng sẽ không hề nhỏ".
Phó thủ tướng Singapore Teo Chee Hean cũng nhận định trận chiến tại Mosul "có khả năng gia tăng đe dọa đối với khu vực".
Chiến binh IS từ Đông Nam Á
Từ năm 2013, theo số liệu chính thức, khoảng 90 người Malaysia đã gia nhập IS. Indonesia không có thống kê cụ thể nhưng các chuyên gia tại Jakarta nhận định con số này phải khoảng 500 người.
Các chuyên gia chống khủng bố nhận định cuộc tấn công vào Mosul sẽ làm gia tăng rủi ro an ninh tại Đông Nam Á, bởi dòng chiến binh quay về nước sẽ tăng mạnh.
Lần gần nhất hiện tượng này diễn ra là khi Mỹ tấn công vào khu vực do Taliban kiểm soát tại Afghanistan sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
"Tôi cho rằng đó là mối đe dọa cận kề. Khi các chiến binh quay về những nước như Indonesia, Malaysia hay Philippines, họ sẽ tạo thành một mạng lưới, giống như những gì các tay súng từng tham chiến tại Afghanistan gần hai thập kỷ trước đã làm", Ridlwan Habib, chuyên gia chống khủng bố tại Đại học Indonesia, nhận định. Ông cũng cảnh báo các tay súng trở về sẽ mang theo "những chiến lược và kỹ năng mới".
"Với những loại thuốc nổ mới và hành động tấn công kiểu con sói đơn độc, chúng ta không thể đoán trước khi nào chúng sẽ ra tay và ở đâu", ông Ridlwan cảnh báo.
Tại Đông Nam Á, IS đã thành lập một chi nhánh có tên Katibah Nusantara, bao gồm các chiến binh đến từ Malaysia, Indonesia và Philippines đang tham chiến tại Syria và Iraq. Tổ chức này được tin là do tên Muhammad Bahrun Naim, người Indonesia, cầm đầu. Naim là kẻ chủ mưu vụ tấn công liên hoàn tại Jakarta hồi tháng một, khiến 7 người chết.
Muhammad Bahrun Naim. Ảnh: Reuters |
Tại Malaysia, một vụ ném lựu đạn vào quán bar ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur khiến 8 người bị thương hồi tháng 6 là vụ tấn công thành công đầu tiên liên quan đến IS tại quốc gia này. Cảnh sát cho biết hai nam giới đã bị bắt giữ sau vụ tấn công. Các nghi phạm được tin là đã nhận chỉ thị từ Muhammad Wanndy Mohamed Jedi, một chiến binh IS người Malaysia.
Rohan Gunaratna, một chuyên gia khủng bố quốc tế tại Singapore, cho rằng việc những kẻ như Naim và Wandy trở về sẽ "tiềm ẩn nguy cơ an ninh lớn với Đông Nam Á, Nam Á và đông bắc Á".
"Với việc thành trì của IS tại Iraq và Syria bị các lực lượng liên quân không ngừng tấn công, các chiến binh nước ngoài phải chạy tứ tán là điều khó tránh", ông Gunaratna, đồng tác giả một cuốn sách về khủng bố tại châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.
Ông tin rằng chính phủ các quốc gia trong khu vực cần "theo dõi từng chiến binh nước ngoài xem họ có tham gia trực tiếp vào các hành động bạo lực hay hỗ trợ những hoạt động đó hay không".
Chuyên gia Ridlwan, đến từ Indonesia, thì tin rằng các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, đối diện với nhiều thách thức trong việc theo dõi các chiến binh IS trở về do biên giới lỏng lẻo. Indonesia là quốc đảo lớn nhất thế giới, với hơn 17.000 đảo.
"Có quá nhiều điểm xuất nhập cảnh trong khi không phải mọi địa điểm đều được giám sát. Chắc chắn sẽ có kẻ nào đó lén lút trở lại với cộng đồng mà chính phủ không biết", Ridlwan nói.
Xem thêm: Thủ lĩnh IS rời Mosul ngay trước khi thành phố bị không kích
Hoàng Nguyên