Dội bom hủy diệt Aleppo, Nga một mũi tên trúng nhiều đích
- Thứ năm - 29/09/2016 21:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thành phố Aleppo sau một trận không kích. Ảnh: AFP |
Không quân Nga và quân đội chính phủ Syria đang thực hiện chiến dịch không kích dữ dội nhất từ trước tới nay ở thành phố Aleppo. Giới phân tích cho rằng với hành động mang tính hủy diệt này, Moscow đang nhắm tới mục tiêu hủy hoại hình ảnh của phe nổi dậy, củng cố vị thế của Nga trong các cuộc đàm phán cấp cao, và ngăn chặn người dân Syria ủng hộ phe đối lập, theo NYTimes.
Mỹ và Anh đã lên án Nga vì đã hậu thuẫn quân đội Syria thực hiện những vụ không kích "man rợ" và "phạm tội ác chiến tranh" nhắm vào dân thường và các cơ sở dân sự tại Aleppo. Các cuộc không kích này đã phá hủy nhiều trường học và bệnh viện, cắt đứt các tuyến tiếp tế nhu yếu phẩm, sát hại nhân viên cứu trợ và hàng trăm thường dân chỉ trong vài ngày.
Làm hoen ố hình ảnh phe nổi dậy
Chiến dịch không kích được nối lại với cường độ khốc liệt hơn sau khi lệnh ngừng bắn do Mỹ và Nga bảo trợ sụp đổ ở thành phố Aleppo hôm 19/9, theo Washington Post.
Những cuộc ném bom vào ban đêm là khủng khiếp nhất. Cả khu vực miền đông Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát tối om vì bị cắt điện, và những chiếc chiến đấu cơ quần thảo trên bầu trời, sẵn sàng dội bom vào bất cứ ánh sáng nào phát ra trong đêm đen bên dưới.
Thành phố miền bắc Aleppo là một trong vài thành trì ít ỏi còn lại của các nhóm nổi dậy Syria được Mỹ và phương Tây coi là ôn hòa. Sau nhiều tháng bị vây hãm, dội bom liên tục, quân nổi dậy gần như kiệt quệ và đứng trước hai lựa chọn, hoặc bị đánh bại, hoặc phải cầu viện các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan bên ngoài.
Họ đã lựa chọn phương án thứ hai, và hồi tháng 8, nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Ahrar al-Sham đã mở đợt tấn công vào quân đội chính phủ Syria ở ngoại ô Aleppo, phá vỡ vòng vây, và hội quân với lực lượng nổi dậy trong thành phố.
Genevieve Casagrande, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, cho rằng đây là một thắng lợi của Nga, và nhiều khả năng là mục tiêu mà họ muốn đạt được. Việc gây sức ép buộc quân nổi dậy ở Aleppo cộng tác với phiến quân sẽ làm hoen ố hình ảnh của họ, khiến phương Tây gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cung cấp vũ khí hay đưa họ vào các cuộc đàm phán hòa bình.
"Nga và quân đội chính phủ Syria đang cố tình đẩy phe nổi dậy vào con đường cực đoan hóa", bà Casagrande nói. Với sự hậu thuẫn của phiến quân Hồi giáo, phe nổi dậy có thể mạnh lên trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, ranh giới giữa quân nổi dậy ôn hòa và phiến quân cực đoan gần như đã bị xóa bỏ.
Với việc đánh đồng phe nổi dậy với phiến quân cực đoan, Nga và chính phủ Syria còn đạt được một mục tiêu lớn hơn nữa, đó là ngăn chặn bất cứ nỗ lực nào của phương Tây nhằm xây dựng một lực lượng lãnh đạo ôn hòa có thể thay thế cho Tổng thống Basha al-Assad thời hậu chiến.
Theo bà Casagrande, người Nga hiểu rõ rằng nếu chính phủ tiếp theo của Syria toàn là người Arab dòng Sunni, Moscow sẽ đánh mất ảnh hưởng và vị thế của mình tại quốc gia đồng minh cuối cùng ở Trung Đông. Nhưng nếu họ thành công trong việc khiến phe nổi dậy tự làm hoen ố hình ảnh của mình, cộng đồng quốc tế sẽ không còn lựa chọn nào để thay thế cho chính phủ hợp pháp hiện nay tại Damascus.
Quân đội chính phủ Syria kiểm soát phía tây Aleppo, bao vây quân nổi dậy ở phía đông thành phố. Đồ họa: WP |
Mỹ dường như đã lường trước được khả năng này và tìm cách ngăn chặn bằng cách thuyết phục các lãnh đạo phe nổi dậy khước từ đề nghị giúp đỡ của phiến quân, hứa hẹn sẽ tăng cường hậu thuẫn cho họ, đồng thời gia tăng không kích vào các nhóm phiến quân. Thế nhưng "nước xa không cứu được lửa gần", các nhóm nổi dậy cần được chi viện khẩn cấp trên mặt đất để tránh bị tiêu diệt, và chỉ có các tổ chức phiến quân cực đoan gần đó mới giúp được họ.
Củng cố vị thế
Sau một năm không kích và vây hãm Aleppo, Nga biết rằng quân đội Syria không đủ mạnh để có thể nghiền nát quân nổi dậy bằng vũ lực, và sẽ phải tính tới giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc chiến. Để chuẩn bị cho khả năng đó, Moscow phải tạo cho mình một vị thế vững chắc trong bất cứ thỏa thuận ngừng bắn hay hòa bình nào tại Syria, bình luận viên Liz Sly của Washington Post nhận định.
Chiến dịch vây hãm Aleppo là cơ hội để Nga củng cố vị thế đó. Moscow đã chứng tỏ rằng chỉ có các cuộc không kích của họ mới đè bẹp được khả năng phản kháng của phe nổi dậy. Khi số phận của phe nổi dậy ở Aleppo trở thành tâm điểm trong các cuộc đàm phán, Nga trở thành thế lực không thể thiếu được trong tiến trình ngoại giao tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria.
Điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hình ảnh mạnh mẽ, quyết đoán của chính phủ Nga, cũng như đảm bảo những lợi ích của họ ở Syria trong bất cứ thỏa thuận ngoại giao nào.
Để đạt được mục đích này, Nga phải tìm cách dập tắt ý chí phản kháng và khả năng chiến đấu của quân nổi dậy ở Aleppo. Lực lượng nổi dậy được coi là ôn hòa này được Mỹ và phương Tây hỗ trợ về vũ khí, trang bị, nhưng họ cũng phải dựa rất lớn vào sự hậu thuẫn của người dân địa phương, những người cung cấp tiền bạc, thực phẩm, chỗ ẩn náu, nhân lực và tin tức tình báo cho họ.
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát sau một trận không kích. Ảnh: AP |
Với việc thực hiện chiến dịch không kích dữ dội chưa từng có, Nga muốn dập tắt mong muốn và khả năng ủng hộ của dân chúng đối với quân nổi dậy, bằng cách buộc họ phải rời khỏi Aleppo để tránh thiệt mạng trong các vụ ném bom. Điều đó làm suy yếu đáng kể phe nổi dậy, đủ để họ không thể mở rộng phạm vi hoạt động của mình ở Aleppo ngay cả khi cuộc vây hãm chấm dứt.
Thông qua chiến dịch ném bom này, Nga muốn gửi thông điệp đến người dân Syria ở các thành phố khác, rằng phe nổi dậy không thể đảm bảo được an toàn cho họ, và việc ủng hộ phe nổi dậy có thể khiến họ gặp nguy hiểm về tính mạng.
Trong một báo cáo gửi Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, chuyên gia phân tích người Syria Aron Lund cho rằng chiến thuật này đã được Nga và quân đội chính phủ Syria áp dụng thành công tại các thành phố khác do phe nổi dậy kiểm soát, và Aleppo sẽ là nạn nhân tiếp theo, bởi "nó rất hiệu quả".
Xem thêm: Quân nổi dậy Syria tuyên bố phá vòng vây ở Aleppo
Trí Dũng