Điều tàu sân bay ra biển lớn, Trung Quốc muốn phá vòng kiềm tỏa của Mỹ
- Thứ ba - 27/12/2016 17:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Hải quân Trung Quốc ngày 24/12 thông báo tàu sân Liêu Ninh cùng hạm đội hộ tống sẽ tiến ra tây Thái Bình Dương để thực hiện cuộc "diễn tập xa bờ" đầu tiên, nhưng không tiết lộ địa điểm và lộ trình chi tiết, theo Reuters.
Bình luận viên Henri Kenhmann của East Pendulum nhận định, với việc đưa tàu sân bay duy nhất qua eo biển Miyako, nằm giữa quần đảo Miyako và Okinawa của Nhật, Bắc Kinh muốn gửi đi thông điệp chính thức rằng nước này đã phá vỡ Chuỗi đảo thứ nhất nằm trong thế trận bao vây Trung Quốc mà Washington và các đồng minh đã thiết lập trong hàng thập kỷ qua.
Khái niệm "Chuỗi đảo thứ nhất" được Mỹ đưa ra trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh với 4 điểm quan trọng: đầu chuỗi đảo là Hàn Quốc, kéo dài dọc theo Nhật Bản, sang đến đảo Đài Loan và kết thúc ở Philippines, giống như một bức tường ngăn cản các hướng tiếp cận Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc.
Gần đây, khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động xây dựng căn cứ quân sự trên những đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp trên Biển Đông, Chuỗi đảo thứ nhất dường như trở thành ranh giới phân chia ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực, theo Kenhmann.
Trước khi điều tàu sân bay Liêu Ninh ra Thái Bình Dương, không quân Trung Quốc từng nhiều lần đưa tiêm kích và oanh tạc cơ ra tập trận tại vùng biển này. Tuy nhiên hoạt động của các chiến đấu cơ cất cánh từ những sân bay trên đất liền chưa mang tính biểu tượng rằng Bắc Kinh đã thật sự đột phá được chuỗi đảo này.
Trung Quốc luôn muốn đột phá "Chuỗi đảo thứ nhất" (đường đỏ), để tăng cường hoạt động quân sự ra đại dương. Đồ họa: Pentagon |
Ngoài ra, thành phần đội tàu chiến tham gia hộ tống Liêu Ninh ra Thái Bình Dương lần này được đánh giá mang tính hiệp đồng chiến đấu cao, khẳng định quyết tâm phô trương sức mạnh của Bắc Kinh.
Tham gia hạm đội hộ tống có ba tàu khu trục và hai tàu hộ vệ tên lửa, một tàu chống ngầm và một tàu hậu cần đến từ ba hạm đội của hải quân Trung Quốc, vốn không có truyền thống phối hợp tác chiến trong quá khứ.
Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang hướng tới việc cải tiến cơ chế ba hạm đội Đông Hải, Bắc Hải và Nam Hải hiện nay thành các hạm đội Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Nam Dương, nhằm xây dựng lực lượng hải quân viễn dương mạnh.
Mặc dù giới chức quân sự Trung Quốc không xác nhận, nhưng nhiều khả năng các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Type 09III (lớp Han) của nước này cũng có mặt trong đội hình phối hợp tác chiến cùng tàu sân bay Liêu Ninh.
Như vậy, với 13 tiêm kích hạm J-15 triển khai trên tàu sân bay Liêu Ninh, Bắc Kinh đã phá vỡ Chuỗi đảo thứ nhất trên ba phương diện: trên không, trên biển và dưới mặt nước, Kenhmann nhận định
Nhiều nhà phân tích chính trị cũng cho rằng động thái này có thể là một thông điệp cứng rắn của Trung Quốc gửi tới Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, trong bối cảnh hai nước đang có những tranh cãi ngoại giao sau khi ông Trump điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
"Sau 4 năm cải tiến và huấn luyện, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hiện đã đủ khả năng tự bảo vệ cũng như tác chiến ở những vùng biển xa, thách thức phương tiện và khí tài Mỹ và đồng minh triển khai ở Thái Bình Dương", Kenhmann nói.
Xem thêm: Hai lý do Trung Quốc quyết đóng thêm tàu sân bay
Nguyễn Hoàng