Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ: Việt - Ấn có lợi ích song trùng
- Thứ năm - 25/01/2018 08:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã trao đổi với Dân Trí về quan hệ ASEAN- Ấn Độ và hợp tác song phương Việt - Ấn nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao Ấn Độ-ASEAN tại thủ đô New Delhi ngày 25/1.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí Ấn Độ (Ảnh: Express)
Ấn Độ rất coi trọng quan hệ với ASEAN
Thưa Đại sứ, việc Ấn Độ tổ chức hội nghị cấp cao với ASEAN vào ngày 25/1 và mời tất cả 10 lãnh đạo ASEAN tham dự ngày Cộng hòa vào ngày 26/1 có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ cũng như Ấn Độ - ASEAN?
Hội nghị Cấp cao lần này là sáng kiến của Ấn Độ, với sự hưởng ứng của ASEAN. Năm ngoái, hai bên đã kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác Đối thoại, một chặng đường đủ dài để kỷ niệm một cột mốc và vạch ra chặng đường tương lai.
Tôi cho rằng sự kiện này cho thấy Ấn Độ rất coi trọng ASEAN, không chỉ với tư cách từng nước mà còn với tư cách cả khối. Ấn Độ vẫn luôn công khai nói về mong muốn một ASEAN thống nhất, đóng vai trò trung tâm trong các hợp tác khu vực. Rõ ràng Ấn Độ rất cần ASEAN, coi trọng ASEAN.
Nhưng ngược lại, hội nghị cũng cho thấy ASEAN rất coi trọng quan hệ với Ấn Độ, thấy rõ vai trò ngày càng gia tăng của Ấn Độ trong khu vực. Ấn Độ không chỉ có vai trò chiến lược về chính trị mà còn về kinh tế. Các nước ASEAN nhìn thấy đây là một thị trường rất lớn, có thể giúp để đa dạng hóa thương mại của họ. Ấn Độ cũng rất có thể mạnh trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giữa hai bên có mối liên hệ về lịch sử, văn hóa, tôn giáo lâu đời. Hai bên không có va chạm, xung đột lợi ích hay tranh chấp lãnh thổ.
Ấn Độ và ASEAN còn là 2 khu vực láng giềng cùng chung biên giới trên đất liền cũng như trên biển. Việc di chuyển bằng đường bộ từ Đông Bắc Ấn Độ sang các quốc gia Đông Nam Á rất thuận tiện, vì vậy Ấn Độ đang phát triển đường cao tốc nối vùng này với Đông Nam Á, có thể kết nối với Việt Nam. Trên biển, Ấn Độ Dương và Biển Đông chỉ cách nhau eo biển Malacca.
Ngoài hội nghị cấp cao, Ấn Độ còn mời cả 10 nhà lãnh đạo ASEAN dự ngày Cộng hòa. Sự hiện diện của cùng lúc cả 10 nhà lãnh đạo là một điều rất đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử ngày Cộng hòa của Ấn Độ.
Như vậy, có thể nói sự kiện này là sự phát triển tự nhiên trong mối quan hệ giữa hai bên. Mối quan hệ này còn rất nhiều triển vọng để hai bên có thể thúc đẩy.
Với Việt Nam, ở vai trò là nước điều phối trong quan hệ ASEAN-Ấn Độ từ năm 2015 cho tới nay, chuyến đi lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có vai trò rất quan trọng trong quan hệ ASEAN-Ấn Độ. Ngoài ra, Thủ tướng cũng sẽ có các hoạt động song phương và dự kiến ký kết một số thỏa thuận.
Song trùng lợi ích
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ hiện nay ra sao và ông có thể cho biết những trọng tâm của mối quan hệ này?
Kể từ những năm 1990, quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ. Từ năm 2007, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Năm 2016, trong chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi, hai nước một lần nữa nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cấp độ quan hệ cao nhất của Việt Nam với các đối tác. Hiện Việt Nam mới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 3 nước, ngoài Ấn Độ còn có Nga và Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ có những sắc thái đặc biệt. Hai nước từ trước tới nay không có vướng mắc, không có xung đột về lợi ích mà trái lại có sự tin cậy. Giữa lãnh đạo hai nước cũng có sự tin cậy, bản thân người dân Ấn Độ cũng cảm tình với Việt Nam, và tôi tin người Việt Nam cũng rất cảm tình với Ấn Độ.
Hai nước có sự tin cậy và song trùng về lợi ích, trên nhiều mặt chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới mới. Chính những cái đó là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ giữa hai nước.
Trong 10 năm trở lại đây, kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đi vào chiều sâu và mở rộng sang nhiều lĩnh vực. Từ 2007, hai bên đã xác định có 5 trụ cột trong quan hệ song phương là: Chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, kinh tế-thương mại-đầu tư-du lịch, khoa học kỹ thuật, văn hóa-giáo dục.
Trong 10 năm qua, quan hệ chính trị ngoại giao được củng cố vững chắc, với sự tin cậy ngày càng cao. Hầu hết các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam ở nhiệm kỳ nào cũng đi thăm Ấn Độ, và các lãnh đạo cấp cao Ấn Độ cũng thăm Việt Nam. Năm 2017, hai nước đã thông qua chương trình hành động để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Quan hệ quốc phòng an ninh phát triển mạnh mẽ và là lĩnh vực hợp tác hiệu quả. Nó đang đi vào chiều sâu và phục vụ lợi ích của hai nước, đặc biệt phía Việt Nam.
Hợp tác về kinh tế cũng phát triển mạnh so với giai đoạn trước. Từ 2000 trở về trước thương mại hai chiều chỉ khoảng 200-300 triệu USD thì đến năm 2017 đã tăng lên 7,5 tỷ USD. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam cuối năm 2017 đạt 800 triệu USD..
Ấn Độ hiện là 1 trong 10 đối tác của Việt Nam. Lĩnh vực đầu tư này có tiềm năng rất lớn. 800 triệu USD chỉ tương đương 0,1% đầu tư của Ấn Độ ra nước ngoài. Khi thực hiện kế hoạch hành động để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, hai bên xác định lấy hợp tác kinh tế là mục tiêu chiến lược nhằm làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác này.
Về khoa học kỹ thuật, Ấn Độ có nhiều tiềm năng, có nền tảng phát triển khoa học công nghệ rất tốt, cơ bản, phù hợp với Việt Nam. Về lĩnh vực này, hai bên đã hợp tác, nhưng mức độ chưa cao, và tôi cho rằng Việt Nam cần nhất tranh thủ lợi thế này của bạn, nhất là trong thời đại Việt Nam đang thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ.
Ấn Độ cũng có nền văn hóa giàu bản sắc, phong phú. Những ai yêu văn hóa có lẽ không bao giờ chán khi khám phá đất nước này. Hợp tác văn hóa sẽ là cơ sở cho sự hiểu biết giữa hai bên, tạo điều kiện quan trọng cho sự hợp tác trong các lĩnh vực khác.
Đó là bức tranh bao quát về quan hệ hai nước. Giờ đây, hai bên đang hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong mọi lĩnh vực.
Tiềm năng lớn nhưng kết quả chưa tương xứng
Xin ông có thể nói rõ hơn về tiềm năng hợp tác đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam?
Như tôi đã nói, Ấn Độ có tiềm năng đầu tư lớn vào Việt Nam nhưng hiện mới dừng ở mức 800 triệu USD. Tập đoàn TATA đang cân nhắc đầu tư một dự án nhiệt điện trị giá 2,2 tỷ USD. Nhiều tập đoàn của Ấn Độ cũng đang tìm hiểu để đầu tư. Các tập đoàn của Ấn Độ mang tính quốc tế nên không bị giới hạn về địa lý. Vấn đề là làm thế nào để đón nhận sự đầu tư của họ. Nếu TATA đầu tư thành công vào Việt Nam thì điều đó sẽ tạo ra hiệu ứng rất mạnh cho các tập đoàn khác của Ấn Độ theo chân vào Việt Nam.
Tập đoàn Larsen&Toubro đang khởi động dự án đóng tàu tuần tra cho Việt Nam, sử dụng vốn tín dụng 100 triệu của Ấn Độ dành cho Việt Nam.
Hai nước cũng có các lĩnh vực hợp tác mới như hợp tác năng lượng hạt nhân vì hòa bình, nông nghiệp, công nghệ sinh học…
Những kết quả trên được đánh giá là vẫn chưa tương xứng với tiềm năng giữa hai nước? Vì sao vậy, thưa Đại sứ?
Từ góc độ sứ quán, tôi thấy người Ấn Độ rất hào hứng trong mối quan hệ với Việt Nam. Các công ty không e ngại, rất muốn đầu tư sang Việt Nam. Tuy nhiên, họ cũng gặp nhiều khó khăn như thông tin chưa đầy đủ, vào không biết bắt đầu từ đâu, và những điều đó khiến mong muốn đầu tư của họ chậm biến thành sự thật.
Tôi cho rằng, Việt Nam có thể cũng chưa đánh giá hết tiềm năng của Ấn Độ. Trong những năm gần đây, nền kinh tế của Ấn Độ phát triển rất nhanh, tăng trưởng trung bình 7%, thậm chí có năm 10%. Tầng lớp người giàu và trung lưu gia tăng. Có thể lấy những ví dụ tiêu biểu như Ấn Độ đã đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ trong lĩnh vực vũ trụ. Về công nghệ thông tin, Ấn Độ chiếm 1/3 xuất khẩu phần mềm của thế giới. Ấn Độ cũng có ngành công nghiệp ô tô rất phát triển.
Đây là một thị trường rất lớn, với 1,2 tỷ dân. Việt Nam cần nhìn vào đó để đa dạng hóa thị trường, tranh thủ mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước để khai thác.
125 học bổng mỗi năm
Đại sứ có thể nói rõ thêm về hợp tác giáo dục giữa hai nước?
Trong hợp tác giáo dục, Ấn Độ rất ưu tiên cho Việt Nam. Hàng năm, Ấn Độ dành cho Việt Nam khoảng 125 suất học bổng (cả ngắn hạn và dài hạn) - một con số tương đối nhiều so với các nước khác. Việt Nam cũng có các sinh viên đến Ấn Độ du học tự túc bởi học phí rẻ và học bằng tiếng Anh, chương trình học tốt.
Ấn Độ có hệ thống giáo dục cơ bản tốt, gần với học thuật của thế giới. Ấn Độ có những trung tâm đại học lớn, với những ngôi trường thậm chí có hàng trăm nghìn sinh viên. Ấn Độ cũng có nhiều trường đại học tư nhân hiện đại và chất lượng cao, mà đứng sau những tập đoàn lớn. Nhiều trường cho các tập đoàn mở các phòng nghiên cứu ngay trong trường đại học lớn. Thông qua đó, họ vừa phát triển nghiên cứu, vừa tìm kiếm các nhân tài. Tôi rất ấn tượng với các viện công nghệ và viện quản lý của Ấn Độ. Ngay khi giành độc lập, Ấn Độ đã lập các viện để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nòng cốt phục vụ cho bộ máy quản lý.
Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy Ấn Độ chưa quảng cáo nhiều về giáo dục để thu hút sinh viên nước ngoài tới du học. Nhiều bạn trẻ Việt Nam chưa biết tới giáo dục của Ấn Độ và tôi cho rằng môi trường nào mang lại học thuật tốt thì giới trẻ nên hướng tới.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ về cuộc trò chuyện này!
An Bình