Cuộc trốn chạy nghẹt thở của phi công Nga khỏi Taliban
- Thứ tư - 17/08/2016 11:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo những thông tin mới được RIA tiết lộ, vào ngày 3/8/1995, chiếc máy bay vận tải Il-76 (mang số hiệu RA-76842) thuộc Kazan Airlines, Nga đang bay từ Tirana (Albania) đến Bagram (Bắc Afghanistan) với phi hành đoàn 7 người, cơ trưởng là Vladimir Sharpatov.
Trong chuyến bay này, máy bay chở 1.304 thùng đạn 7,62 mm cung cấp cho quân chính phủ Afghanistan. Khi vào không phận Afghanistan, bất ngờ 1 tiêm kích MiG-21 của quân Taliban xuất hiện, khống chế và bắt buộc chiếc Il-76 đáp xuống sân bay Kandahar và lực lượng này kiểm tra máy bay, tịch thu số đạn.
Ngay sau đó, lực lượng Taliban đã cáo buộc phi hành đoàn chở vũ khí tiếp tế cho quân của Liên minh Phương Bắc là đối thủ của Taliban, và giam giữ họ trong suốt 378 ngày đêm với điều kiện thiếu thốn đủ thứ.
Ngay khi vụ việc xảy ra, chính quyền cộng hoà tự trị Tatarstan (Liên bang Nga), Liên Hiệp Quốc, và cả chính phủ Mỹ tổ chức nhiều cuộc thương lượng đề xuất Taliban thả con tin nhưng bất thành.
Thất bại trong nỗ lực ngoại giao đã khiến các phi công Nga tự lên kế hoạch trốn thoát khỏi Kandahar bằng chính máy bay của họ. Đầu tiên, phi hành đoàn thuyết phục quân Taliban rằng máy bay phải bảo dưỡng chăm sóc định kỳ kẻo bị hư hỏng. Taliban cho phép họ kiểm tra máy bay mỗi tháng 1 lần, có lính canh giữ chặt.
Và cuộc đào thoát được thực hiện vào ngày thứ sáu 16/8/1996 khi phi hành đoàn kiểm tra máy bay theo định kỳ. Lợi dụng hôm đó là ngày lễ của Hồi giáo và đúng vào thời điểm tín đồ Hồi giáo cầu nguyện, phi hành đoàn Nga lên máy bay và nhanh chóng quật ngã 3 lính canh Taliban. Lập tức khởi động máy bay và thực hiện cuộc đào thoát.
Tuy nhiên, mọi việc không dừng lại ở đó. Ngay khi phát hiện ra sự việc, đài không lưu sân bay Kandahar hốt hoảng ra lệnh phi công chiến đấu Taliban đuổi theo, rất may cho chiếc Il-76 là lúc đó viên phi công duy nhất của Taliban lại không có mặt ở sân bay.
Để tránh bị rươt đuổi, phi hành đoàn Nga quyết định không lái máy bay bay về Nga mà bay sang biên giới Iran rồi băng qua vịnh Persia đến Tiểu vương quốc Ả - rập Thống nhất (UAE).
Đặc biệt, máy bay đã bay trên khu vực Afghanistan và Iran chỉ với độ cao 50 - 100 m mà không mở tín hiệu liên lạc để tránh bị hệ thống phòng không phát hiện. Nhờ kỹ thuật hoàn hảo của các phi công, chiếc Il-76 đã đáp được xuống sân bay của UAE vào chiều 16/8/1996, và sau đó máy bay cùng phi hành đoàn về nước an toàn.
Đến năm 2004, chiếc máy bay Il-76 (số hiệu RA-76842) đã được chuyển cho hãng hàng không Aviacon Tzitotrans ở Yekaterinburg. Từ đó máy bay này thường bay phục vụ các sứ mạng nhân đạo của Liên Hiệp Quốc.
Clip máy bay Il-76 (số hiệu RA-76842) sau khi đào thoát:
Theo Tuấn Vũ
Đất Việt