Cuộc khẩu chiến Trung Quốc - Singapore vì bài báo về Biển Đông
- Thứ bảy - 01/10/2016 07:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến (trái) và Đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Loh. Ảnh: SCMP |
Tranh cãi nổ ra sau khi Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc, tuần trước đăng bản tin nói Singapore đòi gộp nội dung tán thành lập trường của Philippines về phán quyết từ Tòa Trọng tài quốc tế trong vụ kiện "đường lưỡi bò" ở Biển Đông vào tuyên bố cuối cùng của hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết (NAM) lần thứ 17 diễn ra tại Venezuela ngày 17 và 18/9.
Bản tin đăng trên ấn phẩm tiếng Anh thuộc Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của People Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, khiến đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Loh phản ứng bằng hai lá thư ngỏ gửi đến tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến, theo South China Morning Post.
Trong thư, ông Loh nhấn mạnh việc quy kết Singapore tìm cách nêu vấn đề Biển Đông trong các diễn đàn quốc tế là "dối trá và vô căn cứ", đồng thời khẳng định động thái đưa vấn đề biển Đông tại NAM là nỗ lực chung của các thành viên ASEAN.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhảy vào cuộc tranh cãi với tuyên bố chỉ trích "một quốc gia đơn lẻ" đã khuấy động căng thẳng xung quanh tranh chấp ở Biển Đông bằng cách yêu cầu đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố cuối cùng của hội nghị cấp cao NAM lần thứ 17.
Học giả Hu Bo từ Viện nghiên cứu Đại dương thuộc Đại học Bắc Kinh, nhận định dù có những bất đồng lớn về chính sách và lập trường quốc gia, cả hai chính phủ Trung Quốc lẫn Singapore đều đã rất chú trọng đến việc giữ thể diện cho nhau và hiếm khi tranh cãi công khai.
"Cuộc đấu khẩu giữa ông Stanley Loh và ông Hồ Tích Tiến chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến uy tín của Singapore trong lòng người dân Trung Quốc", ông Hu Bo đánh giá.
Zhang Mingliang, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, cho biết ông cũng ngạc nhiên trước cách phản ứng công khai của đại sứ Singapore đối với một bản tin trên tờ báo vốn nổi tiếng với lập trường diều hâu như Thời báo Hoàn cầu.
Theo Xu Liping, học giả cấp cao về các vấn đề Đông Nam Á ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh kỳ vọng Singapore sẽ giữ vai trò nước hòa giải trung lập giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, đồng thời không muốn vấn đề Biển Đông được nêu ra tại một diễn đàn đa phương như hội nghị cấp cao của NAM. Đó là lý do tại sao Trung Quốc nổi giận trước việc Singapore chủ động nêu ra một chủ đế nhạy cảm như vậy.
"Nếu Singapore không điều chỉnh các chính sách của nước này, tôi e rằng quan hệ song phương với Trung Quốc sẽ xấu đi. Singapore nên suy nghĩ kỹ về các mối quan hệ hợp tác an ninh đặc biệt với Mỹ và đưa ra lập trường cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ", Liping nói.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc báo chung ở Tokyo hôm 28/9. Ảnh: AP |
Hôm 29/9, báo điện tử tiếng Anh của tờ People Daily cũng đăng một bài bình luận nói Singapore "rõ ràng đã có lập trường ngả về một bên đối với vấn đề Biển Đông trong khi nước này luôn nhấn mạnh không có chuyện đó".
Bài bình luận được đăng sau khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp báo chung ở Tokyo hôm 28/9 tiết lộ họ đã cùng thảo luận vấn đề Biển Đông.
Thủ tướng Lý Hiển Long nói Singapore không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng nước này "có những lợi ích quan trọng để bảo vệ" ở vùng biển này. Những lợi ích kể trên bao gồm quyền tự do hàng hải, tự do bay qua cũng như "trật tự quốc tế và khu vực dựa trên các quy tắc".
Hãng tin Kyodo cho biết cả hai thủ tướng nhất trí tầm quan trọng của pháp quyền và hợp tác của cộng đồng quốc tế để ứng phó với tình hình ở Biển Đông.
Hồng Vân