Cuộc đào thoát của phi công Liên Xô vén màn bí mật tên lửa Đức
- Thứ năm - 27/10/2016 13:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phi công Mikhail Petrovich Devyataev, người tổ chức cuộc đào thoát khỏi trại tập trung Đức Quốc xã. Ảnh: Soviethammer |
Khu vực thử nghiệm Peenemünde đặt trên hòn đảo Usedom, biển Baltic, được coi là nơi sản sinh ra các tên lửa V-1, V-2 cũng như một số loại máy bay hiện đại nhất của Đức Quốc xã trong Thế chiến II, theo Aircrewremembered.
Nhằm tận dụng sức lao động của tù binh cho việc sửa chữa phương tiện và sản xuất vật liệu thô, quân đội Đức cho lập một trại tập trung trong khu vực Peenemünde. Đây cũng là nơi giam giữ anh hùng phi công chiến đấu của Liên Xô Mikhail Petrovich Devyataev, người đã tổ chức một cuộc đào thoát được coi là bất khả thi lúc bấy giờ.
Giai đoạn đầu của chiến tranh, Devyataev đã là một phi công nổi tiếng. Ông là người đầu tiên bắn rơi chiếc máy bay bổ nhào lợi hại Junkers Ju 87, và bắn hạ tổng cộng 9 máy bay của Đức trước khi bị bắt làm tù binh vào tháng 7/1944.
Do những "thành tích" đó, Devyataev bị xếp vào danh sách tử tù và chuyển đến trại tập trung nổi tiếng Sachsenhausen. Tại đây, tất cả tù nhân đều được cấp quần áo đặc biệt với số hiệu tù binh riêng.
Tưởng như tất cả đã kết thúc đối với Devyataev, nhưng vận may đã đến với ông.
Một người thợ cắt tóc trong trại có cảm tình với Devyataev, đã đánh tráo số hiệu của một tù binh khác mới bị chết cho ông. Devyataev trở thành tù binh thông thường với tên mới là Grygory Nikitenko.
Sau đó, Devyataev được chuyển tới trại tập trung Peenemünde, bị bắt lao động phục vụ cho các chương trình dự án máy bay, tên lửa của Đức Quốc xã.
Với kinh nghiệm và năng khiếu thiên bẩm về nghề nghiệp, Devyataev bí mật nghiên cứu danh mục máy bay đang được sửa chữa tại các lán trại và nghe ngóng thông tin về những cuộc thử nghiệm vũ khí của quân Đức từ tù binh cũ. Nhờ đó, ông nắm được không ít thông tin, tài liệu liên quan đến chương trình tên lửa bí mật của Đức là V-1, V-2, vốn được coi là những tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới.
Đào thoát
Máy bay Heinkel He 111 của quân đội Đức Quốc xã. Ảnh: Wikipedia |
Bất chấp chế độ quản thúc trong trại rất nghiêm ngặt, Devyataev vẫn nung nấu ý định và lên kế hoạch chạy trốn bằng máy bay.
Devyataev lựa chọn 10 người tù tin cậy, đảm bảo các điều kiện phục vụ kế hoạch đào thoát như có quan hệ với lính canh, làm việc gần sân bay, có lòng căm thù đối với quân Đức.
Thời gian đào thoát được ấn định vào tháng 2/1945, phương tiện cụ thể là máy bay ném bom Heinkel He 111 vì có đủ chỗ cho 10 người. Thời điểm chính xác là khoảng thời gian diễn ra bữa tối, vì lúc đó hầu hết sĩ quan, lính gác Đức đều đến phòng ăn dùng bữa.
Trưa ngày 8/2/1945, những người trong nhóm đào tẩu làm việc dọn dẹp sân bay. Bình thường việc tiến lại gần máy bay bị cấm, nhưng đội của Devyataev thông báo rằng họ phải sửa sang lại các ụ đất cạnh đó.
Trong lúc làm việc, theo tín hiệu, một thành viên trong đội dùng xà beng giết chết lính canh. Một thành viên khác nhanh chóng giả dạng tên này và dẫn đội của Devyataev tiếp cận và chiếm máy bay Heinkel He 111.
Quá trình khởi động máy bay diễn ra rất khó khăn do gặp sự cố ở ắc-quy và bộ phận định hướng, nhưng nhờ Devyataev xử lý nhanh chóng, chiếc Heinkel He 111 cuối cùng cất cánh thành công.
Trên đường chạy trốn, nhóm Devyataev chạm trán với tiêm kích của Đức trên đường làm nhiệm vụ trở về, nhưng may mắn là chiếc máy bay này đã cạn nhiên liệu và hết đạn.
Đội của Devyataev thoát khỏi sự truy đuổi của quân đội Đức an toàn, nhưng lại bị trúng pháo của lực lượng phòng không Liên Xô và buộc phải hạ cánh xuống khu vực thuộc quyền kiểm soát của Hồng quân.
Ban đầu Cơ quan An ninh Liên Xô không tin việc nhóm Devyataev trốn thoát khỏi trại bằng máy bay, thậm chí ông còn bị nghi ngờ là gián điệp của Đức Quốc xã và bị đưa ra tòa án binh.
Devyataev chỉ được minh oan khi tổng công trình sư nổi tiếng của Liên Xô Sergei Korolev khẳng định những thông tin, tài liệu do ông cung cấp đóng vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất mẫu tên lửa đạn đạo đầu tiên và sau này là chương trình không gian của Liên Xô.
Năm 1957, Devyataev được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Ông mất năm 2002 ở tuổi 85 tại Kazan, Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga.
Xem thêm: Cuộc đào thoát của phi hành đoàn Nga 378 ngày trong tay Taliban
Nguyễn Hoàng