Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


“Cú sốc tháng 10” liệu có quật ngã bà Clinton?

“Cú sốc tháng 10” liệu có quật ngã bà Clinton?
Nhóm chuyên gia của ngân hàng Citigroup cho rằng, “cú sốc tháng 10” hay những bê bối mới đây nhằm vào ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cơ hội đắc cử của bà Clinton.

Giám đốc FBI James Comey (trái) và ứng viên tổng thống Dân chủ Hillary Clinton. (Ảnh: Getty)

Cơ hội đắc cử giảm xuống còn 75%

Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cuối tuần trước bất ngờ thông báo lật lại điều tra sau khi phát hiện loạt email của bà Clinton trong một cuộc điều tra bê bối của một cựu nghị sĩ. Quyết định bất ngờ này của FBI được ví là “cú sốc tháng 10” với bà Clinton. Đây là thuật ngữ vốn dùng để chỉ những bất ngờ vào thời điểm nước rút có thể tác động đến cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Nhóm chuyên gia của Citigroup do chuyên gia về chính trị thế giới Tina Fordham dẫn đầu cho rằng, thông tin này có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, và cơ hội đắc cử tổng thống của bà Clinton chỉ giảm từ 81% xuống 75%.

"Theo quan điểm của chúng tôi, diễn biến mới này thực sự là một “cú sốc tháng 10” và có thể tác động đến cuộc bầu cử”, nhóm chuyên gia Citigroup nhận định. Họ cho rằng, sự việc trên sẽ gây trở ngại cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton và làm giảm niềm tin của cử tri.

Mặc dù vậy, Citigroup cho rằng, hầu hết cử tri ủng hộ bà Clinton sẽ không thay đổi quyết định của mình bởi một phần do hoạt động bỏ phiếu sớm đã diễn ra ở nhiều bang. Hơn nữa, kết quả khảo sát từ ngày 25-28/10 của ABC News/Washington Post cho thấy chỉ 7% cử tri ủng hộ bà Clinton nói rằng, những thông tin về cuộc điều tra của FBI khiến họ ít ủng hộ bà hơn.

Theo các chuyên gia Citigroup, do phải mất ít nhất 1 tuần các diễn biến mới mới có thể phản ánh vào kết quả thăm dò dư luận, nên hiện tại chưa thể đánh giá hết được tác động của "cú sốc tháng 10" này thậm chí cho đến trước ngày bầu cử 8/11. Tuy nhiên, Citigroup cũng cho rằng, FBI sẽ chưa tiến hành điều tra bà Clinton trước cuộc bầu cử.

Truyền thông Mỹ cho biết, FBI đã tìm thấy những email khả nghi mới của ứng viên tổng thống Dân chủ Hillary Clinton từ cách đây vài tuần nhưng chỉ đến khi còn hơn 1 tuần nữa là tới ngày bầu cử chính thức, Giám đốc FBI James Comey đã đơn phương gửi thư thông báo về hoạt động điều tra đối với bà Clinton. Reuters cho biết, hiện FBI đã nhận được giấy phép để tiếp tục điều tra 650.000 email mới bị phát hiện của bà Clinton để xem liệu các email trao đổi bằng máy chủ cá nhân trong thời gian bà đương chức Ngoại trưởng có chứa thông tin mật hay không.

Ông Comey được cho là đối mặt với sức ép từ chức sau khi tuyên bố hồi tháng 7 rằng FBI sẽ không truy tố bà Clinton liên quan đến cáo buộc sử dụng máy chủ cá nhân để trao đổi email công vụ. Tuy nhiên, quyết định đơn phương thông báo hoạt động điều tra bà Clinton ngay trước thềm cuộc bầu cử của ông đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của giới chức tư pháp cũng như từ phía đảng Dân chủ.

“Cú sốc tháng 10” có thể quật ngã bà Clinton?

Ứng viên tổng thống Dân chủ Hillary Clinton. (Ảnh: Getty)

Đối thủ Cộng hòa Donald Trump đã chớp lấy cơ hội FBI thông báo điều tra bà Clinton để công kích. Trong cuộc vận động tranh cử ở Maine và New Hampshire cuối tuần qua, ông Trump nói: “Đây là bê bối chính trị lớn nhất kể từ vụ Watergate, tôi chắc chắn rằng cơ quan chức năng sẽ xử lý vụ việc một cách thỏa đáng. Chúng tôi hy vọng, công lý sẽ được thực thi. FBI đang mở lại điều tra những bê bối, những hành động bất hợp pháp của bà ấy đe dọa an ninh của nước Mỹ. FBI đang sửa chữa lại sai lầm kinh khủng mà họ mắc phải trước đó”.

Tuy nhiên, có thể ông Trump sẽ thất vọng nếu như nhìn lại lịch sử tác động của các “cú sốc tháng 10” đến ứng viên tổng thống.

Cụm từ “cú sốc tháng 10” trở nên phổ biến trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ từ năm 1972 để chỉ các diễn biến bất ngờ có thể làm thay đổi cục diện cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Tuy nhiên, theo nhiều học giả, “cú sốc tháng 10” thường không ảnh hưởng nhiều đến cuộc bầu cử. Ví dụ, năm 2000, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush bị phát hiện từng bị bắt do say xỉn khi lái xe. Thông tin này ngay lập tức đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Mỹ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, theo khảo sát, 83% cử tri Mỹ nói rằng họ đã nghe nói về chuyện đó và chỉ 17% nói rằng đó là những thông tin đáng quan tâm. Thực tế, cuối cùng ông Bush đã giành chiến thắng trước đối thủ Dân chủ Al Gore. Hay năm 2008, chỉ một tuần trước khi diễn ra bầu cử, ứng viên tổng thống Dân chủ Barack Obama đối mặt với thông tin rằng cô của ông định cư bất hợp pháp ở Boston. Song “cú sốc” này cũng không thể ngăn cản ông trở thành tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ.

Với cuộc bầu cử năm nay, điều đáng nói là cả hai ứng viên đều đã đối mặt với “cú sốc tháng 10”, với ông Trump đó là nghi án trốn thuế, và với bà Clinton là loạt rò rỉ email của WikiLeaks. Trong bối cảnh có quá nhiều “cú sốc” như vậy, thì cú sốc mới có thể sẽ khó ảnh hưởng lớn đến cục diện bầu cử.

Minh Phương

Tổng hợp

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây