Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Chuyện về các bác sĩ nhận “lì xì đặc biệt” trong những ngày đầu năm

Chuyện về các bác sĩ nhận “lì xì đặc biệt” trong những ngày đầu năm
Thay bằng những lời cảm ơn, câu chúc, không ít lần các bác sĩ nhận được những “món quà” lì xì đầu năm bằng câu chửi, thậm chí là bị đánh ngay khi cứu chữa bệnh nhân.

“Lì xì” đầu năm bằng những câu chửi

Lâu nay nhiều người vẫn cho rằng, trong những ngày Tết khổ nhất là các bác sĩ bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai khi họ phải chạy đua từng giờ, từng phút để cứu những bệnh nhân “thập tử, nhất sinh” vì tai nạn giao thông, ngộ độc....

Điều đó là đúng, nhưng vẫn chưa đủ bởi mỗi chuyên ngành có những nỗi khổ riêng. Điển hình như các bác sĩ đang điều trị, chăm sóc cho những bệnh nhân tâm thần. Tuy họ không phải đụng nhiều vào máu hay mổ xẻ nhưng những vất vả của họ cũng chẳng kém gì bác sĩ cấp cứu. Thậm chí họ luôn phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập.

Có mặt tại khoa Cai nghiện, khi gặp và chia sẻ về những khó khăn các bác sĩ tại đây, nhất là trong dịp Tết, bác sĩ Đỗ Thị Oanh – Phó khoa Cai nghiện (bệnh viện Tâm thần Trung ương) cho biết: “Nếu so với các bác sĩ cấp cứu thì vất vả của chúng tôi chẳng thấm vào đâu”.

 

Nhiều bệnh nhân nặng phải ở lại ăn Tết tại bệnh viện.

Vừa nói dứt câu, BS Oanh đã phải xin lỗi chúng tôi vì ngày bên ngoài có một bệnh nhân đang kêu gào, phá phách phải cần đến sự can thiệp của chị. Chứng kiến cảnh bệnh nhân hung hăng, dọa giết, mắng chửi thậm tệ các bác sĩ khi cấp cứu, chúng tôi nhận ra rằng hóa ra câu trả lời trên của bác sĩ chỉ là khiêm tốn.

Xong ca bệnh, vào tiếp chuyện chúng tôi, BS Oanh tiếp lời: “Nghề chúng tôi là thế đó, bị bệnh nhân mắng chửi quen rồi, chúng tôi cũng chẳng nghĩ gì cả. Lúc đó trong đầu chỉ có một ý nghĩ là làm sao cho bệnh nhân an thần, ổn định trở lại mà thôi”.

Ngồi ngoài song sắt khu cách ly các bệnh nhân, một nam bác sĩ chia sẻ với chúng tôi: “Mấy năm trực Tết liên tục, việc chúng em nhận được những câu chửi “lì xì” đầu năm là chuyện rất bình thường. Thậm chí có những bác sĩ còn được bệnh nhân đánh “lấy” may đầu năm nữa”.

Thắc mắc trước những chia sẻ của các bác sĩ, BS Oanh giải thích, đó là chuyện thường ngày ở khoa Cai nghiện, chứ không phải riêng ngày Tết.

“Bệnh nhân vào viện này có đặc thù riêng, chúng tôi có bị bệnh nhân chửi, đánh cũng đành cam chịu chứ chẳng ca thán một câu. Sau những lần đó thì tự dặn mình lần sau phải tế nhị, cẩn thận hơn khi tiếp xúc.

Nhưng cái khiến chúng tôi tổn thương hơn cả chính là những câu mắng, câu chửi của người nhà bệnh nhân. Nhiều người khi đưa bệnh nhân vào đây, họ khoán trắng cho chúng tôi ngay cả việc chăm sóc. Thậm chí có những trường hợp nghiện rượu nặng, ảnh hưởng đến các chức năng của nội tạng, chúng tôi yêu cầu chuyển viện thì họ lại bảo chúng tôi trốn tránh trách nhiệm, mắng xơi xơi như chưa bao giờ được mắng”, BS Oanh chia sẻ.

 

BS Oanh rất buồn khi bị người nhà bệnh nhân mắng, chửi, khoán trắng người bệnh cho các bác sĩ.

Một xã hội thu nhỏ

Rời khoa Cai nghiện, chúng tôi đến khoa Cấp tính Nam. Tại đây chỉ cần bước qua khung cửa sắt, tiếp xúc với các bác sĩ và cả những bệnh nhân đang điều trị, chúng tôi như thấy một xã hội thu nhỏ đang hiện hữu. Bởi ở đó có bệnh nhân trước đây đã từng là nhà kinh tế giỏi, là giới trí thức, sinh viên và cả giới giang hồ cộm cán.

Sau khi đi một vòng khu điều trị, chúng tôi đến phòng BS Bạch Khánh Hà (Trưởng khoa Cấp tính Nam) đề cập về vấn đề cấp cứu cũng như trực Tết của các bác sĩ trong khoa, cũng giống như bác sĩ Oanh, BS Hà nói: “Chúng tôi cũng giống như các bác sĩ ở các bệnh viện khác, tết đến thì phải phân công nhau trực thôi, cái này là công việc mà”.

 

Các bác sĩ đang cấp cứu một ca bệnh tại bệnh viện Tâm thần Trung ương.

"Vậy BS đã tham gia trực đêm giao thừa được bao nhiêu năm rồi?", chúng tôi đặt câu hỏi và BS Hà trả lời: “Năm nay tôi về hưu rồi và cũng không thể nhớ hết đã bao nhiêu năm mình trực đêm giao thừa nữa. Chỉ biết đây là buổi trực đêm giao thừa cuối cùng của tôi tại viện”.

BS Hà cho biết, do đặc thù của bệnh viện và của khoa nên trong những ngày Tết, số bệnh nhân trong khoa tăng lên rất cao. “Chỗ chúng tôi chỉ có 70 giường bệnh, nhưng trong dịp Tết tất cả những thành phần vạ vật ngoài xã hội, những người nghiện ma túy, nghiện rượu đều được đưa đến. Thậm chí cả những người trèo cột điện, đập chùa Bút Tháp hay bơi ở Hồ Gươm... chúng tôi đều đã tiếp nhận. Chính vì thế thành phần bệnh nhân ở đây rất phức tạp”, BS Hà chia sẻ.

Vị bác sĩ này cũng cho biết, những ngày Tết các bác sĩ tại đây “ngán” nhất là bệnh nhân bị loạn thần do rượu vì khi nhập viện đều đã ở trong tình trạng rất nặng. Ngoài việc nhanh chóng cấp cứu, các bác sĩ trực không ít lần phải dọn “sản phẩm” cho chính bệnh nhân.

“Nghĩ vừa giận, lại vừa thương. Thương vì họ vào viện khi chẳng còn biết gì, giận vì mình vừa phải cấp cứu vừa phải dọn sản phẩm nào là bánh chưng, thịt mỡ trộn lẫn rượu thành “món” hỗn độn. Không chỉ có vậy, trong khi vừa cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân, lại phải giữ cho họ không bị chất nôn lạc vào đường thở. Nhìn chung lúc đó mình chỉ ước có 3 đầu, 6 tay”, vị trưởng khoa chia sẻ.

Nguồn tin: eva.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây