Chuyện ít biết về vụ án mạng trở thành tham chiếu cho luật tử hình tại Nhật Bản
- Thứ bảy - 03/02/2018 16:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kẻ sát nhân Norio Nagayama (giữa) (Ảnh: Murderpedia)
Bản án "chết đi sống lại"
Tháng 8/1997, rất ít người Nhật Bản biết Norio Nagayama bị đưa lên giá treo cổ. Trong nhận thức của họ, Nagayama là một nhà văn của những cuốn sách nổi tiếng, lý giải về lý do vì sao hắn lại thực hiện các vụ giết người động trời và phải đón nhận án tử hình. Cùng với Nagayama, 3 phạm nhân khác cũng bị xử tử cùng ngày, 1 ở Tokyo, 2 ở Sapporo. Bốn người họ là những người đầu tiên bị xử tử trong năm 1997.
Khi 19 tuổi và vẫn ở độ tuổi vị thành niên (Nhật Bản quy định trên 20 tuổi mới hết tuổi vị thành niên), Nagayama đột nhập vào căn cứ quân sự Hải quân Mỹ ở phía nam Tokyo vào tháng 10/1968. Hắn đã ăn trộm 2 khẩu súng ngắn và 50 viên đạn. Trong vòng 1 tháng tiếp theo, Nagayama đã thực hiện 4 vụ giết người cướp của, với các nạn nhân ở 4 thành phố khác nhau. Hắn sa lưới năm 1969 khi đang cố đột nhập vào một trường học ở Tokyo.
Trong khi chờ phán quyết, Nagayama chắp bút viết cuốn sách “Tears of Ignorance” (tạm dịch: Nước mắt của sự thiếu hiểu biết). Cuốn sách này đã cháy hàng khi được phát hành vào năm 1971. Vào năm 1979, khi Nagayama đã qua tuổi vị thành niên, phía cơ quan kiểm sát đưa ra bằng chứng Nagayama đã phạm tội và kết án tử hình y. Năm 1980, hắn kết hôn và nộp đơn kháng cáo. Năm 1981, hắn đã được giảm án xuống chung thân.
Trong thời điểm đó, Nagayama viết cuốn sách thứ 2 có tên “Wooden Bridge” (tạm dịch: Cầu gỗ). Tiểu thuyết của hắn đã thắng giải thưởng văn học Nhật Bản năm 1983. Cùng năm đó, phía công tố lại tiếp tục nộp đơn yêu cầu tòa tối cao giải thích việc giảm án cho Nagayama năm 1981.
Kẻ sát nhân ly dị vợ năm 1986. Tới năm 1987, một lần nữa tòa án Nhật Bản lại phán quyết Nagayama án tử hình. Mười năm sau, Nhật Bản đã đưa kẻ sát nhân nổi tiếng lên giá treo cổ. Con trai của một nạn nhân, người bị hung thủ bắn chết khi đang làm lễ một ngôi đền ở Kyoto, cho biết ông cuối cùng cũng có thể yên lòng khi kẻ thủ ác phải đền tội.
Án lệ Nagayama
Vụ án xử Nagayama kéo dài tới 30 năm với nhiều lần nâng án rồi lại giảm án đã trở thành cơ sở cho Nhật Bản khi cân nhắc phán quyết và xét xử tử hình. Theo đó, pháp luật hình sự của Nhật Bản không có quy định về những điều kiện, hoàn cảnh, hay tiêu chí về mặt pháp lý như thế nào thì tòa án có thể/cần phải tuyên án tử hình.
Tuy nhiên, trong bản án của Nagayama được tuyên vào ngày 8/7/1983, tòa án tối cao đã đưa ra những yếu tố cơ sở để tòa án có thể tuyên tử hình. Và hiện nay những yếu tố mà đã được nêu trong bản án đó được coi là án lệ.
Các yếu tố được bản án đưa ra cân nhắc bao gồm: mức độ tàn ác, động cơ gây án, kế hoạch gây án bài bản, số nạn nhân bị giết hại, cảm xúc của gia đình nạn nhân, tác động của tội ác với dư luận xã hội, độ tuổi của bị cáo, tiền án tiền sự của bị cáo, mức độ ăn năn hối cải của bị cáo.
Các yếu tố này sẽ được đưa ra cân nhắc, với đầy đủ các giấy tờ hồ sơ, bằng chứng cụ thể, rõ ràng nhằm xử đúng người đúng tội. Án lệ Nagayama dường như đã trở thành tiêu chí khi Nhật Bản cân nhắc việc xử tử phạm nhân công bằng, tôn trọng quyền con người và không để tình trạng tử hình nhầm do phán quyết nóng vội xảy ra.
Thông thường, yếu tố số nạn nhân bị hại sẽ được cho là sẽ được đưa ra cân nhắc nhiều nhất. Vào năm 2012, một báo cáo thống kê về án tử hình ở Nhật Bản cho thấy các công tố viên nước này ít có xu hướng đề xuất án tử hình với những vụ giết người 1 nạn nhân, với tỉ lệ là 32% (100 vụ giết người 1 nạn nhân, có 32 vụ bị xét xử tử hình). Trong khi tỉ lệ với các vụ án 2 nạn nhân là 59% và trên 3 nạn nhân là 79%.
Tới tháng 12 năm ngoái, Bộ Tư pháp Nhật Bản mới tiếp tục thi hành án tử cho người phạm tội là trẻ vị thành niên, lần đầu sau vụ án của Nagayama. Hung thủ Teruhiko Seki phạm tội đột nhập và giết chết một gia đình năm 1992 khi 19 tuổi. Trải qua 25 năm ngồi tù và nhận xét xử, Seki mới bị đưa lên giá treo cổ để đền tội.
Trong những ngày qua, gia đình bé gái người Việt Nam Lê Thị Nhật Linh đã thu thập chữ ký nhằm kêu gọi giới chức Nhật Bản xét xử và tử hình nghi phạm Shibuya Yasumasa với cáo buộc cưỡng hiếp và sát hại bé Nhật Linh hồi tháng 3/2017.
Sau khi bị bắt hồi tháng 4 năm ngoái, nghi phạm Shibuya đã giữ im lặng, từ chối cho lời khai trong quá trình điều tra và bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào y.
Đức Hoàng
Tổng hợp