Chuyên gia Philippines: Phán quyết "đường lưỡi bò" không phải viên thuốc thần kỳ
- Chủ nhật - 21/08/2016 13:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos, trái, là người nhận trách nhiệm đàm phán với Trung Quốc sau phán quyết của Tòa trọng tài. Ảnh: Inquirer |
Tòa trọng tài Phụ lục VII Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) giữa tháng trước bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".
Ông Bertrand Theodor Santos, chuyên gia tại Viện các vấn đề Biển và Luật biển, Đại học Philippines, cho rằng đây là tín hiệu "nhắc nhở" với Bắc Kinh về uy tín của nước này.
Tuy nhiên "chiến thắng pháp lý không phải là một viên thuốc thần kỳ để chữa trị tất cả các căn bệnh", ông Santos đánh giá khi trao đổi với VnExpress
Theo ông Santos, Philippines thời điểm này đang thể hiện cách "tiếp cận kiên nhẫn" hơn với Trung Quốc và kể cả trong quan hệ với các nước thuộc ASEAN.
"Chúng tôi hy vọng tất cả các bên cùng nhận thấy việc tuân theo luật pháp quốc tế là cách tốt nhất để thúc đẩy thảo luận đến một giải pháp có thể chấp nhận được", ông nói.
Trước lo ngại rằng Philippines và Trung Quốc có thể "đi đêm" để đạt những thỏa thuận song phương gây tác động xấu đến Việt Nam, chuyên gia Philippines khẳng định điều này khó có thể xảy ra.
"Tôi cho rằng Việt Nam vẫn là một đối tác của Philippines trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông", ông nói.
Ông Santos dự đoán Manila sẽ thảo luận các vấn đề ít gây tranh cãi với Trung Quốc với mục đích làm giảm căng thẳng hiện nay trên thực địa. Các chủ đề đó là hợp tác nghề cá, tăng thương mại đầu tư và bảo tồn biển.
Dưới góc nhìn của một quốc gia không liên quan đến tranh chấp, ông Gerhard Will, chuyên gia của Viện Chính trị và An ninh quốc tế Đức, phản bác thiện chí hợp tác của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Gần hai thập kỷ qua, Trung Quốc tuyên bố các vấn đề ở khu vực này có thể giải quyết song phương. Tuy nhiên đến nay vẫn không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh có thể thiết lập hay thực hiện dự án chung nào. Ngược lại tình hình chỉ xấu thêm", ông nói.
Đánh giá về phán quyết của Tòa trọng tài, chuyên gia người Đức nói ông không rõ việc này có được Bắc Kinh coi là "hạn chót" để thể hiện mong muốn giải quyết ổn thỏa tranh chấp hay không, từ đó đưa ra những cam kết thực chất. Các nước cần lạc quan nhưng cũng phải thực tế.
Theo ông Will, Việt nam cần thảo luận chặt chẽ với Philippines về những chi tiết thảo luận song phương của mình với Trung Quốc, cảnh giác về ý đồ "chia để trị" của Bắc Kinh.
"Các thảo luận song phương cần được thực hiện với sự tham gia của các nước liên quan đến tranh chấp theo cách phối hợp chặt chẽ là điều rất cần thiết", ông nói.
Ông Santos bày tỏ lo ngại về diễn biến trên thực địa, khó có khả năng Trung Quốc sẽ giảm tốc các hoạt động quân sự hóa.
"Xây dựng các cơ sở hạ tầng cho mục đích quân sự là điều rất cám dỗ với Trung Quốc để nước này hoàn thành các mục tiêu của mình ở Biển Đông", ông nhấn mạnh.
Việt Anh