Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Chuyên gia Mỹ: "Trump không coi TPP liên quan đến an ninh châu Á"

Chuyên gia Mỹ: "Trump không coi TPP liên quan đến an ninh châu Á"
Giới nghiên cứu Mỹ đánh giá có thể tân Tổng thống Donald Trump chưa tính đến các vấn đề chiến lược và an ninh châu Á sau khi ký lệnh rút khỏi TPP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể chưa định rõ chiến lược ở châu Á. Ảnh: AFP

"Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ông Trump thực hiện hành động chống lại Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay khi trở thành tổng thống. Ông đã coi thương mại là vấn đề chính trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, đặc biệt là phản đối TPP", Paul Pillar, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Brookings, trả lời câu hỏi của VnExpress về động thái mới của ông Trump.

Tân tổng thống Mỹ ngay khi lên nắm quyền đã ký sắc lệnh hành pháp rút khỏi TPP, hiệp định từng được kỳ vọng là một đảm bảo cho sự hiện diện mạnh mẽ của Washington ở châu Á, điều Tổng thống vừa mãn nhiệm Barack Obama nỗ lực thúc đẩy trong nhiều năm.

Theo luật Mỹ, sắc lệnh hành pháp của ông Trump sẽ có hiệu lực mà không cần chờ Quốc hội. Trên thực tế Hiệp định TPP cũng chưa được Quốc hội Mỹ xem xét để thông qua chính thức.

"Chính quyền của Tổng thống Trump chưa định rõ một chính sách liên quan đến các vấn đề chiến lược ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Các vấn đề quân sự và chiến lược có thể chưa có trong ý nghĩ của ông Trump khi loại bỏ hiệp định TPP. Ông có thể chỉ đang tính đến khía cạnh thương mại", ông Pillar nói.

Suy đoán này của ông Pillar nhận được sự đồng tình của nhiều nhà nghiên cứu khác. Phó giáo sư Victor Shih, Trường chính sách và chiến lược quốc tế, Đại học California, Mỹ, cho biết với chính quyền của Trump, dường như các vấn đề kinh tế và an ninh có phần chia tách, là "điều không nên". 

Về khía cạnh an ninh, ông Shih lưu ý những tuyên bố của các quan chức thuộc chính quyền mới của Trump cho thấy dường như Mỹ sẽ đóng vai trò tích cực ở Biển Đông, bảo vệ tự do hàng hải ở đó. Tuy nhiên trên phương diện kinh tế, Trung Quốc rõ ràng là một cường quốc ở châu Á. 

"Các nước châu Á nên nghĩ kỹ trước khi tham gia bất cứ nỗ lực nào thúc đẩy thương mại đa phương mà Trung Quốc đưa ra", ông Shil cảnh báo.

Ông Shil cũng cho hay ông không bất ngờ khi ông Trump rút khỏi TPP, Trump hoàn tất những lời hứa đã nêu ra trong chiến dịch tranh cử.

Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đồng tình rằng Trung Quốc có thể sẽ trở thành lãnh đạo trong quá trình hội nhập kinh tế của khu vực thời gian tới. Bà Glaser cho rằng sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ được thúc đẩy, Mỹ sẽ mất nhiều năm để đàm phán rất nhiều thỏa thuận song phương với các đối tác.

Dự báo định hướng chính sách của Mỹ ở Biển Đông, chuyên gia Pillar nhắc đến việc ứng viên Ngoại trưởng Rex Tillerson, người ông Trump lựa chọn, đã gây nên tranh cãi sau khi gợi ý sẵn sàng ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc ở đây. Tuy nhiên bình luận đó không được coi là dấu hiệu chính sách thực tế sẽ như vậy.

"Có thể Trump sẽ cứng rắn hơn về vấn đề Biển Đông, nhưng các mục tiêu của chính sách vẫn chưa rõ. Ông ấy sẽ không nhường Biển Đông cho Trung Quốc. Nhưng liệu Trump có ngăn Bắc Kinh quân sự hóa không? Tôi nghi ngờ về điều đó", bà Glaser nói.

Việt Anh

Nguồn tin: vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây