Chính sách "xoay trục" sang châu Á sẽ ra sao dưới thời ông Trump?
- Thứ sáu - 11/11/2016 14:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
SCMP dẫn nguồn tin từ các cố vấn quân sự hàng đầu trong đội ngũ tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ không hủy bỏ chính sách xoay trục sang khu vực châu Á mà ông Barack Obama từng dày công xây dựng và Washington có thể sẽ tăng cường năng lực cũng như hiện diện quân sự tại mọi khu vực trên thế giới.
Tuy nhiên, sau khi phân tích những quan điểm về quốc phòng và đối ngoại của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, một số chuyên gia cho rằng chính quyền mới của Mỹ, dưới sự lãnh đạo của tỷ phú New York, có thể sẽ tạo cơ hội chiến lược cho Trung Quốc mở rộng sự diện diện của nước này ở châu Á.
Theo SCMP, James Woolsey, cố vấn cấp cao về chính sách an ninh quốc gia của ông Trump, từng nói rằng chính quyền mới của Mỹ cần thay đổi chính sách cắt giảm ngân sách quốc phòng hiện tại và đảm bảo rằng Mỹ vãn là lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới.
“Mỹ luôn coi mình là người nắm cán cân thăng bằng quyền lực ở châu Á và có thể vẫn duy trì quyết tâm bảo vệ các đồng minh của Mỹ trước sự bành trướng của Trung Quốc”, cố vấn Woolsey, người từng giữ chức giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dưới thời Tổng thống Bill Clinton, cho biết.
Hai cố vấn quốc phòng khác trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, thượng nghị sĩ Jeff Sessions - thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ và nghị sĩ Randy Forbes - chủ tịch một tiểu ban về sức mạnh hàng hải của Mỹ, đã nói với Defense News rằng chính sách xoay trục sang châu Á vẫn nằm trong kế hoạch của Tổng thống đắc cử Donald Trump, tuy nhiên, “Mỹ sẽ không thể bỏ trứng vào một giỏ”.
Thượng nghị sĩ Sessions, người được đồn đoán sẽ giữ chức bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền của ông Trump, tiết lộ rằng tân tổng thống đắc cử muốn nâng cấp sức mạnh quân đội Mỹ bằng cách bổ sung thêm 60.000 quân và đóng thêm nhiều tàu chiến hiện đại, trong đó có tàu khu trục, tàu tuần dương và tàu ngầm.
Để kế hoạch an ninh mang tính khả thi hơn, nghị sĩ Forbes cho biết ông Trump và các cố vấn quốc phòng của mình sẽ xây dựng “một chiến lược quốc phòng mang tầm cỡ quốc tế do Lầu Năm Góc xúc tiến chứ không phải do Hội đồng an ninh quốc gia chịu trách nhiệm”. Điều này có nghĩa chính sách quốc phòng của ông Trump có thể sẽ “diều hâu” hơn chính sách của tổng thống tiền nhiệm, nghị sĩ Forbes nhận định.
Tàu chiến Mỹ hoạt động ở khu vực biển Philippines (Ảnh: US Navy)
Châu Á nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump từng nhiều lần tuyên bố các đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải tự trả tiền cho các khoản chi về an ninh quốc gia của họ, thay vì trông cậy hoàn toàn vào Washington. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Sessions trấn an rằng chính quyền của ông Trump sẽ không từ bỏ mối quan hệ đối tác chiến lược với các đồng minh.
Trong khi đó, giới quan sát nước ngoài tin rằng ông Trump sẽ không đảo chiều chính sách hiện tại của Mỹ với châu Á, vì mọi quyết định của tổng thống mới đắc cử này rốt cục vẫn phải chịu sự tác động của lợi ích quốc gia, mà khu vực châu Á hiển nhiên vẫn nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ.
“Tổng thống Trump có thể sẽ không hủy bỏ chính sách xoay trục sang châu Á, nhưng ông ấy cũng không quá chú trọng đến chính sách đó. Cách tiếp cận của ông Trump sẽ không đi theo chủ nghĩa biệt lập, mà sẽ là cách tiếp cận kiềm chế và thiên về chủ nghĩa dân tộc hơn”, Ted Galen Carpenter, nhà nghiên cứu cấp cao về quốc phòng và chính sách đối ngoại tại Viện nghiên cứu Cato, nhận định.
Tiến sĩ Rajeev Ranjan Chaturvedy, nghiên cứu viện tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học quốc gia Singapore cho rằng mặc dù ông Trump thường có những phát ngôn không nhất quán nhưng ông sẽ đưa những cá nhân giàu kinh nghiệm và tài giỏi vào nội các của mình để phụ trách các vấn đề về quốc phòng. Tuy nhiên, những nhà hoạch định chính sách cũng chỉ là một yếu tố vì lợi ích quốc gia của Mỹ mới là điều quan trọng nhất đối với ông Trump. Trong bài diễn văn chiến thắng hôm 9/11, ông Trump đã nói về lập trường chung và quan hệ đối tác, do vậy tiến sĩ Chaturvedy vẫn cảm thấy lạc quan về chính sách của tân tổng thống đắc cử với châu Á.
Thành Đạt
Theo SCMP