Chiến dịch táo bạo đánh cắp 5 tàu chiến Pháp của Israel
- Thứ sáu - 22/12/2017 12:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hai tàu chiến Sa'ar 3 neo tại cảng biển Pháp.
Trong giai đoạn những năm 1960, hải quân Israel nhận ra các tàu chiến của mình từ thời Thế chiến 2 đã lỗi thời, họ cần những tàu mới để tăng cường năng lực đảm bảo an ninh quốc gia, theo Jewish Agency.
Israel ban đầu chọn nhà máy đóng tàu Lurssen của Đức cho kế hoạch đóng mới hàng loạt tàu tên lửa, dựa trên mẫu tàu tấn công nhanh lớp Jaguar. Sự phản đối của Liên minh Ả Rập khiến Israel chuyển hướng sang đóng tàu ở Pháp.
Các thủy thủ Israel được gửi sang Pháp đào tạo và huấn luyện ngay từ năm 1965. Nhưng sau cuộc chiến 6 ngày chấn động Trung Đông năm 1967, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle ra lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Isreal.
Lệnh cấm vận này được áp dụng toàn diện một năm sau đó khi lính dù Israel đổ bộ trong chiến dịch tập kích sân bay Beirut, chống lại Tổ chức Giải phóng Palestine.
Ở thời điểm đó, Israel đã trả đủ tiền mua 12 tàu chiến, nhưng lệnh cấm vận ngăn nhà máy đóng tàu Pháp chuyển giao nốt 5 tàu còn lại.
Kế hoạch đánh lừa tinh vi
Để đánh lừa chính phủ Pháp, Chuẩn đô đốc Israel Mordechai "Mokka" Limon lập ra công ty Starboat, đăng ký ở Panama nhưng lấy vỏ bọc là một hãng khoan dầu Na Uy.
Nhân viên công ty đều là điệp viên Mossad, cơ quan tình báo quốc gia Israel. Đứng đầu Starboat là Benyamin Vered, một trong những chỉ huy cấp cao nhất của Mossad.
Tàu tên lửa Sa'ar 3 sau khi được trang bị vũ khí.
Biết được phía Pháp còn thừa 5 tàu lớp Sa’ar 3 mới nguyên. Công ty Starboat tỏ ý muốn mua các tàu này phục vụ mục đích khảo sát dầu. Để giành lòng tin từ phía Pháp, Chuẩn đô đốc Limon và đại diện Starboat giả vờ tranh cãi dữ dội trong các cuộc đàm phán.
Starboat cũng đạt thỏa thuận với phía Pháp về việc để các thủy thủ Israel lái tàu với lý do họ đã có kinh nghiệm từ trước. Một khi nắm trong tay 5 tàu chiến lớp Sa’ar 3, Starboat sẽ bán lại cho hải quân Israel theo hợp đồng ký với Bộ trưởng Quốc phòng nước này.
Bước tiếp theo của chiến dịch là tạo thói quen hằng ngày nhằm đánh lừa người dân Pháp ở cảng Cherbourg, nơi Pháp neo 5 tàu chiến lớp Sa’ar 3.
Thủy thủ đoàn Israel được bí mật tăng cường thêm 80 sĩ quan. Những người này phải cải trang thành dân thường, chia làm hai nhóm đóng giả du khách tới các điểm khác nhau trên khắp châu Âu trước khi đến Cherbourg. Hai nhóm phải liên tục đổi chỗ ở, không bao giờ nghỉ tại một khách sạn quá một đêm, cũng như mang theo hộ chiếu Israel để tránh bị kết tội mang giấy tờ giả.
Đúng theo kế hoạch, 80 sĩ quan Israel tập kết đến Cherbourg vào ngày 23.12 và phân tán quanh thành phố.
Giám đốc Mossad Meir Amit khi đó đánh giá chiến dịch có độ rủi ro rất cao. "Chỉ cần một cảnh sát Pháp nghi ngờ về sự xuất hiện của quá nhiều người Do Thái tại Cherbourg trong dịp Giáng sinh cũng đủ khiến chiến dịch đổ vỡ hoàn toàn", ông Amit nhớ lại.
Để có thể đào thoát thành công trong hành trình dài ngày, 5 tàu lớp Sa’ar 3 cần lượng lớn dầu diesel và lương thực. Thủy thủ đoàn phải tích trữ nhiên liệu và nhu yếu phẩm số lượng nhỏ mỗi ngày để tránh gây nghi ngờ. Đến ngày 24.12, cả 5 tàu đều có đủ nhiên liệu và lương thực cho hành trình về Israel.
Việc động cơ tàu chiến bất ngờ khởi động trong đêm sẽ đánh động nhà chức trách Pháp. Vì vậy, đại tá Hadar Kimhi, chỉ huy chiến dịch, ra lệnh cho thủy thủ Israel cho khởi động tàu hàng đêm để cư dân Cherbourg làm quen với âm thanh này.
Chiến dịch đánh cắp táo bạo
Tàu tên lửa Sa-ar 3 trong biên chế hải quân Israel.
Đúng vào đêm Giáng sinh năm 1969, 80 sĩ quan Israel lên tàu, sẵn sàng điều khiển tàu chiến rời cảng Pháp.
Đội tàu dự kiến khởi hành lúc 20 giờ 30 phút nhưng thời tiết xấu khiến thời điểm xuất phát liên tục bị trì hoãn. Đến nửa đêm, nghe tin cơn bão sắp suy yếu, đại tá Hadar Kimhi mới ra lệnh xuất phát.
Nhà chức trách Pháp không hề biết gì cho đến trưa ngày hôm sau, khi một phóng viên Anh thông báo rằng cả 5 tàu đã biến mất.
Nhóm tàu Israel băng qua vịnh Biscay trước khi đổi hướng sang phía nam vào Địa Trung Hải, hội quân với đội tàu tiếp liệu.
Khi các tàu đi qua eo biển Gilbraltar vào Địa Trung Hải, trạm giám sát của Anh phát hiện các tàu này không mang cờ hay số hiệu nhận dạng nhưng vẫn ra dấu hiệu cho đi qua.
Đội tàu tăng tốc khi di chuyển dọc bờ biển Bắc Phi để trở về nước. Khi tới ngoài khơi đảo Crete, các biên đội tiêm kích F-4 của Israel xuất hiện để hộ tống.
Tức giận trước thông tin Israel ung dung đánh cắp 5 tàu chiến, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Michel Debré ra lệnh cho các chiến đấu cơ nước này xuất kích đánh chìm đội tàu.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp khi đó từ chối thực thi mệnh lệnh, thậm chí còn dọa sẽ từ chức. Thủ tướng Jacques Chaban Delmas cũng phản đối quyết định tấn công do lo ngại căng thẳng leo thang.
Dù rất tức giận, chính phủ Pháp hiểu rằng họ không thể can thiệp do các tàu này đã ra vùng biển quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Maurice Schumann cảnh báo “hệ quả sẽ rất thảm khốc” nếu các tàu này xuất hiện ở Israel.
Bất chấp cảnh báo từ Pháp, nhóm tàu chiến cập cảng Israel vào ngày 31.12, hoàn tất hành trình dài 5.825 km.
Sau khi sở hữu đủ 12 tàu lớp Sa’ar 3 từ Pháp, Israel bắt đầu hoán cải chúng thành tàu tên lửa. Đội tàu này tham gia cuộc chiến năm 1973, đánh chìm nhiều tàu chiến Ai Cập và Syria mà không gặp bất kỳ tổn thất nào.
Nhà nước Israel chỉ mới được thành lập cách đây gần 70 năm nhưng quốc gia này đã trở thành cường quốc quân sự hàng...