Câu lạc bộ tỷ phú trong nội các tương lai của Donald Trump
- Thứ tư - 30/11/2016 10:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Giáo dục tương lai, tỷ phú Betsy DeVos. Ảnh: SIPA |
Chưa đầy một tháng sau khi đắc cử, đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gần như đã định hình được bộ máy nhân sự dự kiến cho chính quyền tương lai.
Bên cạnh những cái tên được đánh giá theo trường phái bảo thủ và cứng rắn trong bộ máy an ninh đối ngoại, ông Trump đã lựa chọn không ít những doanh nhân giàu có, với tài sản lên đến hàng tỷ USD vào vị trí đứng đầu các bộ trong chính phủ Mỹ sắp tới, theo Les Echos.
Đầu tuần trước, Tổng thống đắc cử Mỹ bổ nhiệm bà Betsy DeVos, người đồng thừa kế cùng chồng khối tài sản lên đến 5,4 tỷ USD, làm Bộ trưởng Giáo dục. Gia đình Betsy DeVos đứng thứ 88 trong danh sách xếp hạng những tài sản lớn nhất nước Mỹ năm 2016 của tạp chí danh tiếng Forbes.
"Bà ấy sẽ điều hành Bộ Giáo dục để cải cách triệt để hệ thống trường học tại Mỹ", ông Trump khẳng định với báo giới.
Ông Trump cũng mới chỉ định doanh nhân được mệnh danh "vua phá sản" của phố Wall là Wilbur Ross, như ứng viên hàng đầu cho chức Bộ trưởng Thương mại.
Ở tuổi 78, Ross đang nắm trong tay số tài sản trị giá 2,9 tỷ USD.
Xếp sau Ross cho vị trí này là nhà đầu tư ngân hàng Todd Ricketts, một nhà tài trợ hào phóng của đảng Cộng hòa trong nhiều năm qua, đang sở hữu câu lạc bộ bóng chày nổi tiếng Cubs Chicago với tài sản ước tính khoảng 1 tỷ USD.
"Phong cách lựa chọn nhân sự cho nội các mới của Tổng thống đắc cử Mỹ dường như được lấy cảm hứng từ bảng danh sách xếp hạng những người giàu nhất nước Mỹ của tạp chí Forbes", bình luận viên Elsa Conesa nhận định.
Nội các 35 tỷ USD
Ngoài ba gương mặt trên, danh sách những ứng viên giàu có được ông Trump nhắm cho các vị trí quan trọng trong chính quyền Mỹ sắp tới còn khá dài, khiến một số tờ báo nước này đưa ra nhận định rằng Tổng thống đắc cử Mỹ đang xây dựng một câu lạc bộ tỷ phú tại Nhà Trắng.
Ở vị trí Bộ trưởng Năng lượng, giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ Continental, Harold Hamm, sở hữu khối tài sản khoảng 15 tỷ USD đang là ứng viên sáng giá nhất.
Đối với Bộ Ngoại giao, cả hai chính trị gia nhiều kinh nghiệm là Mitt Romney và cựu thị trưởng thành phố New York, Rudy Giuliani cũng đều có tài sản riêng trị giá lên đến hàng trăm triệu USD.
Cựu giám đốc điều hành tập đoàn Goldman Sachs, Steven Mnuchin, người được ông Trump mời làm Bộ trưởng Tài chính có khoảng 46 triệu USD, nằm rải rác ở một số công ty tài chính và bất động sản
Ngay cả bác sĩ giải phẫu thần kinh nghỉ hưu Ben Carson, người mới chấp nhận đề cử của ông Trump vào cương vị Bộ trưởng Nhà ở Phát triển đô thị, cũng có 26 triệu USD trong tài khoản ngân hàng.
Tạp chí Politico làm một phép tính rất thú vị, nếu tất cả cái tên này đều được lựa chọn vào nội các mới, tổng giá trị tài sản của họ và chính Tổng thống đắc cử Mỹ gộp lại sẽ rơi vào khoảng 35 tỷ USD.
Theo bình luận viên Conesa, tuy sự xuất hiện của các quan chức giàu có trong chính quyền không phải là trào lưu mới (Bộ trưởng Thương mại đương nhiệm Penny Pritzker cũng là người thừa kế của tập đoàn khách sạn Hyat với khối tài sản khoảng 2 tỷ USD), nhưng số lượng tỷ phú trong chính quyền mới của ông Trump sắp tới nhiều chưa từng có trong lịch sử chính trị Mỹ.
"Bất chấp đường lối tranh cử hướng tới tầng lớp trung lưu da trắng và chống lại giới tinh hoa Mỹ, ông Trump vẫn muốn lựa chọn nhiều người giàu có vào nội các sắp tới. Bởi một tỷ phú luôn có xu hướng thích cộng tác với những tỷ phú", giáo sư chính trị học Larry Sabato thuộc Đại học Virginia nhận định.
Xem thêm: Tình thế khó xử của Putin khi xích lại gần Trump
Nguyễn Hoàng