Canh bạc liều lĩnh Trung Quốc bày ra trên Biển Đông
- Thứ sáu - 12/08/2016 20:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà chứa máy bay và các cấu trúc lạ Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
Với việc xây dựng các nhà chứa cho chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và máy bay trinh sát, cùng một loạt tháp và cấu trúc hình tổ ong kỳ lạ trên các đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp, Trung Quốc dường như đang bày ra một canh bạc trên Biển Đông để thách thức trật tự thế giới và khu vực, theo National Interest.
Những hình ảnh vệ tinh mới được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington công bố cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một loạt nhà chứa máy bay tại các đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp trên đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo tiến sĩ Jerry Hendrix, chuyên gia cấp cao và là giám đốc Chương trình Đánh giá và Chiến lược Quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), những cấu trúc lục lăng kỳ lạ mà Trung Quốc xây dựng cạnh các nhà chứa máy bay này chính là ụ tên lửa, chứng tỏ Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không và khu vực quân sự trên Biển Đông.
Chuyên gia này đánh giá rằng Trung Quốc đã lựa chọn thời điểm cẩn thận để xây dựng các công trình trên, và các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ sẽ phải chuẩn bị các phương án để bảo vệ hệ thống trật tự quốc tế đã được duy trì suốt 70 năm qua, nếu không sẽ phải chấp nhận sự sụp đổ của nó.
Theo quan sát của Hendrix, các nhà chứa máy bay trên đá Chữ Thập và Su Bi đã gần hoàn thành, trong khi công trình trên đá Vành Khăn vẫn còn đang trong giai đoạn xây dựng đầu tiên. Mỗi khu nhà chứa trên một đảo nhân tạo như vậy có thể chứa tới 24 chiến đấu cơ, giúp Trung Quốc có thể triển khai một phi đội tiền tiêu gồm 72 tiêm kích ở Biển Đông vào bất cứ lúc nào, gần gấp đôi phi đội tiêm kích chiến thuật trên tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ.
Với một phi đội máy bay hùng hậu như vậy, Trung Quốc có thể dễ dàng chiếm được ưu thế trên không ở Biển Đông trong một thời gian dài. Cấu trúc được gia cố của các nhà chứa máy bay trên đảo nhân tạo có thể bảo vệ chúng khỏi các cuộc tấn công khác nhau, trừ phi bị oanh tạc bằng vũ khí hạng nặng.
Ngoài các ụ tên lửa hình lục lăng vốn xuất hiện khá phổ biến trên đất liền Trung Quốc, trên các đảo nhân tạo còn mọc lên những cụm tháp được bố trí theo hình tam giác. Theo Hendrix, đây nhiều khả năng là một mạng lưới cảm biến đồng bộ có thể bao quát nhiều phổ radar khác nhau.
Trong trường hợp Trung Quốc quyết định đặt cược lớn vào ba đảo nhân tạo này, họ có thể bố trí, lắp đặt các loại vũ khí tối tân, và về cơ bản sẽ đảo ngược cán cân sức mạnh trong khu vực, Hendrix nhận định.
Chẳng hạn như nếu Trung Quốc bố trí các cụm tên lửa diệt hạm YJ-62 trên cả ba đảo nhân tạo này, họ sẽ gần như kiểm soát toàn bộ cửa ngõ phía nam của Biển Đông đối với các tàu quân sự và thương mại nước ngoài. Khi bổ sung thêm hệ thống tên lửa phòng không HQ-9A có tính năng tương tự S-300 của Nga, Bắc Kinh có thể hạn chế hoạt động của các máy bay chiến thuật trong khu vực, chỉ ngoại trừ máy bay tàng hình F-22 và F-35.
Các ụ tên lửa hình lục lăng Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo. Ảnh: CSIS |
Các chiến lược gia quân sự Mỹ sẽ không thể tự tin về khả năng sống sót của các chiến đấu cơ thế hệ 4 của mình như tiêm kích F-16 và tiêm kích hạm FA-18 Hornet trong trường hợp căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông leo thang. Nếu Trung Quốc đi xa tới mức bố trí "sát thủ diệt tàu sân bay" DF-21D trên ít nhất một đảo nhân tạo, hải quân Mỹ có thể sẽ không còn được tự do tiếp cận căn cứ ở Singapore, và buộc phải đi tới Australia, Trân Châu Cảng và Nhật Bản.
Thời cơ
Một khi các nhà chứa máy bay và ụ tên lửa hoàn thành, chiến đấu cơ và tên lửa Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được ồ ạt kéo đến và lắp đặt vào giữa đêm, khiến người Mỹ phải giật mình vào sáng hôm sau, Hendrix dự đoán.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng Trung Quốc sẽ không dại gì manh động ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra ở Mỹ, để tự phơi mình trên mặt báo trong một chiến dịch tranh cử vốn trở nên rất khó đoán định. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng sẽ không chờ đợi đến khi tổng thống mới của Mỹ tuyên thệ nhậm chức vào tháng một năm sau.
Bởi vậy, Trung Quốc rất có thể sẽ chờ thời cơ, ra tay đúng vào giai đoạn chuyển giao quyền lực của nước Mỹ, với niềm tin rằng Tổng thống Barack Obama trong những ngày cuối của nhiệm kỳ sẽ chấp nhận một hiện trạng mới trên Biển Đông mà không phản ứng quá quyết liệt.
Theo giới phân tích, chính quyền Mỹ hiện nay và trong tương lai phải có những động thái quyết liệt để ngăn chặn toan tính này của Trung Quốc, nhằm đảm bảo Biển Đông luôn là một vùng biển hòa bình, ổn định theo luật pháp quốc tế.
Chiến lược bành trướng, mở rộng quyền kiểm soát của Trung Quốc chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi các hành động của họ không thu hút được sự chú ý quá lớn của dư luận thế giới. Việc gia tăng những lời chỉ trích của thế giới đối hoạt động tăng cường quân sự hóa trên các đảo nhân tạo trên Biển Đông, nơi Tòa Trọng tài đã bác bỏ "quyền lịch sử" mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố, sẽ ngày càng đặt Bắc Kinh vào thế khó.
Tiêm kích J-11 của Trung Quốc. Ảnh: PLANF |
Cộng đồng quốc tế có thể tiếp tục gia tăng sức ép buộc Trung Quốc phải từ bỏ canh bạc liều lĩnh trên Biển Đông bằng cách khai thác một loạt biện pháp cấm vận về kinh tế và công nghệ với Trung Quốc vì cách hành xử bất chấp luật pháp quốc tế. Ngoài ra, quân đội Mỹ có thể kết hợp với các đối tác trong khu vực để tiến hành một loạt cuộc diễn tập quân sự trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông, để làm rõ với Trung Quốc rằng những động thái ngang ngược của họ không được chào đón ở khu vực.
Nếu Mỹ và các đối tác trong khu vực không thực hiện những bước này, Trung Quốc có thể coi đó là tín hiệu "bật đèn xanh" để họ lấn tới, tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không và khu vực quân sự ở Biển Đông. Đến lúc đó, Mỹ sẽ phải đứng trước hai lựa chọn, hoặc là gây chiến với Trung Quốc, hoặc cam chịu để có hòa bình bằng cách chấp nhận sự yếu thế của trật tự thế giới hiện nay, tiến sĩ Hendrix nhấn mạnh.
Xem thêm: Loạt nhà chứa máy bay chiến đấu Trung Quốc ở Trường Sa
Trí Dũng