Các mục tiêu của Trump trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Trump là cơ hội để ông trấn an các đồng minh ở Trung Đông và NATO.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP |
Tổng thống Mỹ Donald Trump từ cuối tuần trước thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên kéo dài 9 ngày với các chặng dừng chân ở Arab Saudi, Israel, Vatican, Bỉ (để gặp các lãnh đạo trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), và Italy (dự hội nghị cấp cao của khối cường quốc kinh tế G7).
Kể từ thời Ronald Reagan, các tổng thống Mỹ thường chọn Mexico hoặc Canada trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.
Theo giới phân tích, việc Trump chọn đến thăm những nước trên là điều gây ngạc nhiên sau khi ông tuyên bố theo đuổi chính sách "nước Mỹ trước tiên" trong cuộc vận động tranh cử, một động thái gợi ý ông sẽ rút dần vai trò của Mỹ trên thế giới.
Tuy nhiên, H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia của Trump, người sắp xếp chuyến thăm, nói rằng: "Chính sách 'nước Mỹ trước tiên' không có nghĩa là chỉ quan tâm đến riêng nước Mỹ. Chính sách này không có nghĩa là Mỹ thôi vai trò dẫn dắt thế giới. Đối với Mỹ, để bảo đảm thế giới ngày càng tiến bộ đòi hỏi vai trò lãnh đạo của Mỹ".
"Nhiều người cho rằng Mỹ đã thôi can dự vào Trung Đông. Nhưng giờ đây có sự ghi nhận rộng rãi giữa các đồng minh trong khu vực là vai trò lãnh đạo của Mỹ vẫn cần thiết", ông nói tiếp.
Tái lập hình ảnh trong mắt người Hồi giáo
Chặng dừng chân đầu tiên của Trump trong chuyến công du là Arab Saudi, nơi ông tiếp cận các lãnh đạo của thế giới Hồi giáo trong hai ngày 20 và 21/5.
Vợ chồng Tổng thống Mỹ Trump đến Arab Saudi Trump hy vọng quyết định lựa chọn Arab Saudi, thánh địa đạo Hồi, làm chặng dừng chân trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sẽ thuyết phục thế giới Hồi giáo tin rằng ông không phải là người chống Hồi giáo, theo Telegraph.
Trong quá trình tranh cử, Trump bị cáo buộc kích động làn sóng bài xích Hồi giáo. Giờ đây, các phụ tá cho biết ông muốn xây dựng lại hình ảnh của mình.
Trump cũng cần thổi luồng sinh khí mới cho quan hệ đồng minh với các cường quốc Trung Đông vốn bị người tiền nhiệm Barack Obama hững hờ. Mối quan hệ giữa Mỹ với Arab Saudi đang không tốt đẹp vì vương quốc này cảm thấy Obama quá nhân nhượng với Iran, nước kình địch của họ trong khu vực, khi ông ký kết thỏa thuận kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.
Cũng có quan điểm phản đối thỏa thuận hạt nhân này, ông Trump gọi nó là "thảm họa". Quan điểm này của Trump sẽ tạo ra nền tảng cho mối quan hệ hữu nghị mới với Arab Saudi.
Việc củng cố quan hệ với Arab Saudi và các nước Hồi giáo khác cũng rất quan trọng đối với tham vọng diệt trừ Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) và chống chủ nghĩa cực đoan của Trump.
Trump tham gia điệu nhảy với kiếm ở Arab Saudi Thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông
Sau Arab Saudi, ngày 22 và 23/5, Trump gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thủ tướng Palestine Mahmoud Abbas như một phần nỗ lực xây dựng hiệp định hòa bình giữa hai nước này.
Trump muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông và hy vọng sẽ mời được lãnh đạo Israel và Palestine ngồi lại với nhau ít nhất là để tạo ra một cuộc gặp mang tính biểu tượng.
Ông muốn chứng tỏ với người dân nước Mỹ rằng ông ủng hộ mạnh mẽ Israel nhưng đồng thời, ông cũng cần làm việc với người Palestine và tiếp tục hối thúc các bên tiến đến một thỏa thuận hòa bình mà các đời tổng thống Mỹ trước đây không vận động được.
Trump không mấy quan tâm đến các chi tiết phức tạp của tiến trình hòa bình Trung Đông, vậy nên, mục đích chuyến thăm của ông là tạo ra các hàng tít báo chí tích cực và cố gắng mang đến cho hai bên niềm tin rằng họ có thể tiến về phía trước dưới sự dẫn dắt của ông, Telegraph nhận xét.
Vượt qua trở ngại ở Vatican
Ngày 24/5, Trump sẽ bay đến Rome để gặp Giáo hoàng Francis tại tòa thánh Vatican. Cuộc gặp đầu tiên của họ được dự đoán sẽ căng thẳng.
Tổng thống Mỹ và Giáo hoàng bất đồng về hầu hết mọi vấn đề quan trọng, từ việc biến đổi khí hậu có phải do con người gây ra hay không cho đến quyền lợi của người tị nạn hay khoảng cách giàu nghèo gia tăng.
Năm ngoái, họ đã dùng những lời lẽ gay gắt xung quanh kế hoạch xây dựng bức tường biên giới Mexico - Mỹ của Trump.
Giáo hoàng Francis nói rằng bất kỳ người nào nghĩ đến "việc xây dựng các bức tường chứ không phải các cây cầu đều không phải là người Công giáo".
Ông Trump, lúc đó đang là ứng viên tổng thống Mỹ, đã nổi giận bác bỏ chỉ trích này. "Đối với một lãnh đạo tôn giáo thì việc nghi ngờ niềm tin của một con chiên như vậy thật đáng hổ thẹn", ông nói.
Về mặt tính cách, họ càng khác biệt hơn. Là một người giàu có, đề cao bản thân và quyết liệt, ôngTrump có ít điểm chung với Giáo hoàng Francis, người có lối sống giản dị và từng là linh mục cai quản giáo phận Buenos Aires, Argentina, nơi có nhiều người nghèo sống trong các khu ổ chuột.
Chỉ có một điểm chung duy nhất giữa họ đó là cả hai đều là những lãnh đạo theo đuổi chủ nghĩa dân túy. Một quan chức Nhà Trắng nói rằng hai ông nhiều khả năng thảo luận cách thức "để tập hợp tất cả tôn giáo khác nhau nhằm cùng chống lại chủ nghĩa hẹp hòi". Tuy nhiên, công chúng có thể sẽ không biết hai ông thảo luận điều gì vì Vatican thường chỉ mô tả sơ lược về cuộc gặp của Giáo hoàng và các lãnh đạo chính trị.
Bày tỏ lập trường với NATO và G7
Từ Rome, Trump sẽ đến Brussels ngày 25/5 để dự cuộc họp NATO. Trong tiến trình vận động tranh cử năm ngoái, Trump đã khiến các lãnh đạo NATO lo lắng khi ông mô tả khối đồng minh này đã lỗi thời. Tuy nhiên, tháng trước, ông đảo ngược lập trường này khi tuyên bố rằng NATO không còn lỗi thời nữa.
Ông Trump nói về NATO Những phát ngôn của ông gây bối rối cho các thành viên NATO. Các nghị sĩ đảng Dân chủ cáo buộc Trump đang áp dụng chính sách không nhất quán về NATO và "thay đổi chính sách ngoại giao theo từng tuần".
Cuộc họp NATO sẽ là cơ hội để Trump bày tỏ phàn nàn về việc các thành viên châu Âu không chi đủ cho quốc phòng.
Từ Brussels, ông Trump sẽ bay sang Italy để dự hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở thành phố du lịch Taormina trên đảo Sicily trong hai ngày 26 và 27/5.
Các lãnh đạo G7 hy vọng sẽ có cái nhìn rõ hơn đối với các lập trường của ông Trump trong hàng loạt vấn đề từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu cho đến khủng hoảng người tị nạn và cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu.
Ông Trump vẫn chưa quyết định liệu có thực hiện cam kết rút khỏi Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu mà ông đưa ra trong cuộc vận động tranh cử hay không.
Ông sẽ đối mặt với sức ép từ các lãnh đạo khác yêu cầu Mỹ không rút khỏi hiệp định này vì sự có mặt của Mỹ là điều quan trọng đối với nỗ lực hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính và kiểm soát hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Vẫn chưa rõ liệu Trump có sẵn sàng lắng nghe về vấn đề này hay ông chỉ đơn giản muốn trì hoãn thông báo về việc rút khỏi hiệp định để không bị chỉ trích tại hội nghị.
Thương mại toàn cầu cũng sẽ là vấn đề luôn được thảo luận tại hội nghị. "Mọi người đều lo lắng về thái độ của Mỹ trước chủ nghĩa bảo hộ", một quan chức của một nước trong khối G7, nói.
Một điểm nữa khiến hội nghị thượng đỉnh G7 lần này trở nên khó đoán là ông Trump, Thủ tướng Anh May, Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni đều lần đầu tiên dự hội nghị.
Stephen Hadley, từng là cố vấn an ninh của chính quyền Bush, nhận xét rằng đây là chuyến đi dài và bận rộn. "Tuy nhiên, ông Trump đã là người của công chúng trong 30 năm, ông hiểu rõ truyền thông và thích ở trong tâm điểm chú ý".