Bó tay với bài văn "bá đạo" dùng lời bài hát "Lạc trôi" để phân tích truyện Kiều
- Thứ ba - 09/05/2017 21:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Truyện Kiều là truyện thơ kinh điển trong nền Văn học Việt Nam. Lạc trôi là bài hát của ca sĩ Sơn Tùng M-TP có tới 123 triệu lượt xem sau khi phát hành trên Youtube và được bạn trẻ thuộc làu làu. Tưởng rằng đây là 2 tác phẩm ở hai lĩnh vực khác nhau, ở hai thời đại khác nhau... thế nhưng một học sinh "bá đạo" đã khiến mọi người hoang mang, ngơ ngác khi dùng lời bài hát để phân tích truyện.
Bài văn bá đạo của học sinh.
Lời bài hát được học sinh này biến hóa như sau: "Người đọc được Nguyễn Du dựng lên khung cảnh Kiều ngậm ngùi nhìn Kim Trọng ra đi theo hương hoa mù giăng lối, làn sương khói phôi phai đưa bước chàng xa dần, đơn côi mình Kiều ở lại vấn vương, hồi ức trong men say chiều mưa buồn. Dù nàng đã lỗi thề nhưng lòng nàng vẫn nguyện khắc ghi trong tim tình nồng mê say, tóc mây vương lên đôi môi cay, bâng khuâng nhìn Kiều lạc trôi giữa quá khứ và thực tại, nàng lạc trôi giữa đời".
Và "Đôi chân Kiều lang thang về nơi đâu, bao yêu thương giờ nơi đâu, còn hẹn ước khi xưa vội phai mờ theo làn sương tạm biệt trong cõi mơ vì chữ hiếu đã khiến Kiều lỗi thề với Kim Trọng, khiến câu hẹn ước kia rời xa chôn vùi theo làn mây…".
Khỏi phải nói, bài văn bá đạo này đã nhận được 2 dấu hỏi to đùng của giáo viên.
Bài văn này mới được chia sẻ trên trang Trần Phú Media. Được biết, đây là bài văn của một bạn học sinh lớp C12, trường THPT Trần Phú, TP.HCM. Sau khi đọc được bài văn có"1-0-2" này, nhiều người cũng bày tỏ sự "Lạc trôi" đối với tác giả.
Với sức nóng của bài hát này, trước đó, vào chiều 13/2, học sinh lớp 11 trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc thi khảo sát chất lượng THPT quốc gia lần 3 năm học 2016-2017 môn Ngữ văn với đề thi trích dẫn lời bài hát. Lời bài hát được trích dẫn khá dài trong phần đọc hiểu chiếm 3 điểm của đề thi. Đây cũng là đề thi gây không ít tranh cãi từ phía học sinh, phụ huynh lẫn các nhà giáo dục.
Bài hát Lạc trôi được đưa vào đề Văn lớp 11.