Bí mật dự án radar bay đầu tiên của Mỹ
- Thứ ba - 25/10/2016 05:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Công nghệ radar trở nên phổ biến những năm Thế chiến II. Radar trở thành phương tiện cực kỳ hữu ích để phát hiện các đối tượng di chuyển từ xa. Tuy nhiên, một radar lắp trên cột buồm cao 15 m chỉ có thể phát hiện máy bay ở cự ly khoảng 31 km. Nếu máy bay di chuyển với tốc độ 482 km/h, thời gian phản ứng chỉ khoảng 4 phút.
Đặt radar lên một máy bay để nâng phạm vi phát hiện mục tiêu trở thành nhu cầu cấp thiết đối với quân đội Mỹ trong Thế chiến II. Theo National Interest dự án phát triển radar bay đó mang tên Cadillac (trùng tên với thương hiệu xe ô tô hạng sang Cadillac của tập đoàn General Motors).
Chương trình phát triển máy bay cảnh báo sớm trên không (AEW) được bắt đầu vào năm 1942 tại Phòng thí nghiệm bức xạ MIT. Các nhà hoạch định quân sự kỳ vọng, máy bay AEW sẽ được triển khai với số lượng lớn trên tàu sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương trong cuộc tấn công vào Nhật Bản.
Dự án Cadillac dự định phát triển máy bay mang radar AN/APS-20, thiết bị nhận dạng bạn thù IFF, hệ thống liên lạc vệ tinh. Radar bay sẽ hỗ trợ nhận dạng mục tiêu cho các radar lắp trên tàu chiến. Dữ liệu thu được từ radar bay sẽ chuyển tiếp đến tàu thông qua liên kết dữ liệu.
Máy bay cảnh báo sớm TBM-3W cất cánh từ tàu sân bay USS Roosevelt năm 1946. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Do yêu cầu thời gian cấp bách, các nhà thiết kế sử dụng khung máy bay ném bom TBF Avenger, một trong những máy bay lớn nhất hoạt động trên tàu sân bay để chuyển đổi cho nhiệm vụ mới. TBF Avenger có khoang chứa bom và ngư lôi khá lớn dưới bụng phù hợp để lắp ăng ten radar có kích thước 2,4x0,9 m.
Radar AN/APS-20 được lắp giữa 2 bánh đáp máy bay, ăng ten được bảo vệ bởi mái che làm bằng sợi thủy tinh. Phần ăng ten tạo thành cái “bướu” lớn dưới bụng kiến hình dạng máy bay trở nên kỳ dị. 2 sĩ quan vận hành radar ngồi ở khoang phía sau.
Tháp pháo được tháo bỏ để lắp các thiết bị điện tử phục vụ cho nhiệm vụ mới. Phần đuôi được bổ sung thêm cánh phụ để tăng khả năng ổn định của máy bay.
Nguyên mẫu XTBM-3W thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 5/8/1944 đưa nó trở thành radar bay đầu tiên của thế giới. Các thử nghiệm cho thấy, radar lắp trên máy bay có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly 160 km, gấp nhiều lần phạm vi của radar trên tàu chiến.
Từ thành công ban đầu này, hải quân Mỹ quyết định đặt hàng 40 máy bay TBM-3W. Quá trình huấn luyện phi công lái máy bay mới được tiến hành vào đầu năm 1945. Tuy nhiên, quá trình đào tạo kéo dài so với dự kiến. Radar bay được đưa vào hoạt động khi Thế chiến II đã kết thúc.
TBM-3W được đưa vào biên chế hải quân Mỹ từ tháng 5/1946. Nó nhanh chóng kết hợp với máy bay chống ngầm TBM-3S để hình thành phi đội “săn lùng – tiêu diệt” tàu ngầm đối phương. Radar mạnh mẽ trên TBM-3W sẽ tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu cho TBM-3S tiêu diệt.
Radar bay TBM-3W phục vụ trong hải quân Mỹ đến giữa những năm 1950 trước khi được thay thế bằng phiên bản cảnh báo sớm Grumman AF-2W có thiết kế tương tự.
TBM-3W so với tiêu chuẩn của máy bay AEW hiện đại còn kém xa nhưng dự án đã tạo tiền đề cho sự phát triển của máy bay cảnh báo sớm tối tân như E-2C Hawkeye. Máy bay mới sử dụng radar công suất lớn hơn có thiết kế ăngten hình cây nấm phía trên lưng và có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly tới 450 km.
Những công nghệ quân sự Anh trợ giúp MỹRadar, động cơ phản lực hay bom hạt nhân là những công nghệ điển hình mà Mỹ nhận sự hỗ trợ của các nhà khoa học Anh để hoàn thiện. |