Bầu cử Mỹ tác động lớn đến tình hình thế giới
- Thứ bảy - 15/10/2016 01:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nguyên nhân là do sự khác biệt sâu sắc giữa cách tiếp cận của cả hai ứng cử viên. Cả hai đều nhất trí cho rằng, Mỹ nên giữ vị trí bá quyền, song họ không nhất trí về cách thức phát huy vị trí đó. Một bên, phía ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton lập luận rằng, nước Mỹ nên đóng vai trò mà họ được thừa hưởng sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, mà trong vai trò đó sức mạnh của Mỹ bao trùm lên các liên minh, các mối quan hệ mậu dịch của thế giới và một số chiến dịch can thiệp.
Bên kia, phía ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump lập luận về việc "mặc kệ" chủ nghĩa toàn cầu hóa, nghĩa là Mỹ và các đồng minh nên tự bảo vệ những lợi ích của mình thay vì tự trói buộc mình một cách không cần thiết vào những chiếc ô an ninh và những hiệp định mậu dịch toàn cầu.
Cả hai ứng cử viên tổng thống đều nhất trí cho rằng, Mỹ nên giữ vị trí bá quyền, song họ không nhất trí về cách thức phát huy vị trí đó. (Nguồn: AP)
Tạo ra khoảng trống chính sách
Đối với những nước lâu nay phải sống trong vòng vây an ninh của Mỹ, sự xao nhãng chính trị tại Washington do cuộc bầu cử có thể tạo ra những cơ hội. Chẳng hạn như Triều Tiên đã đẩy nhanh những nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân và hệ thống tên lửa, và trong 3 tháng tới nước này có thể sẽ hoàn tất những giai đoạn cuối cùng của chu kỳ thử nghiệm mà không có nguy cơ phải hứng chịu một hành động quân sự phủ đầu.
Trong khi đó, những quan ngại về an ninh của khu vực xung quanh Triều Tiên sẽ đưa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc xích lại gần nhau trong khuôn khổ những cuộc đối thoại tích cực hơn, bất luận những căng thẳng leo thang...
Đối với những quốc gia khác, như Nga, 3 tháng còn lại của năm sẽ được dành để chuẩn bị nền tảng cho những cuộc đàm phán với Tổng thống Mỹ sắp tới. Trong bối cảnh nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama sắp kết thúc, các nhà lãnh đạo ở Nga hiểu rằng, hầu như không còn cơ hội giành được thỏa thuận có lợi vào phút chót đối với vấn đề Ukraine hay Syria.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc mà Nga có thể làm tại cả hai đấu trường. Ở Ukraine, Nga sẽ tìm cách hạ nhiệt xung đột tại miền Đông trong khi vận động châu Âu giảm bớt các lệnh trừng phạt. Đổi lại, Moscow sẽ hy vọng nhận được sự nhân nhượng chính trị, song do áp lực lên Kiev vẫn chưa đủ mạnh nên các cuộc đàm phán sẽ lại bế tắc.
Mặt khác, tại Syria, Nga sẽ dựa nhiều vào những chiến thuật quân sự hơn là tranh cãi ngoại giao để củng cố vị thế của mình bên bàn đàm phán. Kể từ đầu năm nay, Nga đã tìm cách chứng tỏ rằng họ có thể là một lực lượng vừa "gây rối" vừa hợp tác trên chiến trường này.
Song, những hạn chế trong việc thực thi lệnh ngừng bắn đã bị phơi bày. Mỹ sẽ không có tâm trạng nào để đàm phán một cách có sáng tạo trong những tháng cuối cùng tại nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Mỹ sẽ xúc tiến những cuộc tấn công lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Mosul và Raqqa, tập trung nỗ lực vào quản lý những phe phái mâu thuẫn nhau trong hàng ngũ quân nổi dậy, đồng thời duy trì mức độ hợp tác chí ít là tối thiểu với Nga nhằm tháo ngòi nổ xung đột trên chiến trường Syria.
Trong khi đó, Nga sẽ tập trung nỗ lực để hỗ trợ quân chính phủ tấn công Aleppo nhằm cải thiện đòn bẩy của mình trên chiến trường này, từ đó tạo vị thế đàm phán với Tổng thống Mỹ sắp tới. Trong khi Mỹ tiếp viện cho các lực lượng nổi dậy người Sunni ở Syria và không đặt ưu tiên cho đối thoại với Moscow, khả năng xung đột sẽ tăng lên trong quý những tháng cuối cùng của năm 2016.
Làm phức tạp thêm tình hình là nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này hiện đã đưa bộ binh vào Syria. Do nước này tiến quân sâu vào phía Nam, Ankara sẽ phải dựa vào vỏ bọc bảo vệ của Mỹ để tránh xung đột với Nga. Tuy nhiên, rắc rối giữa Mỹ và Nga đồng nghĩa với việc chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có nhiều rủi ro hơn.
Nga, Mỹ vẫn tiếp tục có những bước đi đối lập tại Syria. (Nguồn: AP)
Bất ổn kinh tế
Những đồng minh của Mỹ cũng đang lo lắng, họ đang theo dõi và chờ xem liệu họ có thể tiếp tục trông cậy vào những cam kết của Mỹ, rằng sẽ bảo vệ họ trước những nước láng giềng mạnh hơn. Với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bị đóng băng và độ tin cậy của Mỹ nói chung đang bị hoài nghi, các đối tác Đông Nam Á như Philippines sẽ giữ thái độ nước đôi bằng cách hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế.
Cũng trong thời gian này, các đồng minh vùng Vịnh của Mỹ sẽ lợi dụng mâu thuẫn giữa Mỹ và Nga để củng cố những lực lượng Sunni mà họ ủy nhiệm trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Iran. Đối với phần còn lại của thế giới, những điều kiện kinh tế yếu kém sẽ kéo theo những hỗn loạn chính trị trong quý này.
Nền kinh tế thế giới sẽ vẫn kẹt trong bãi lầy đã tồn tại suốt 9 tháng qua trong khi các thị trường chờ đợi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, dù có thể chỉ rất khiêm tốn. Những bấp bênh xung quanh cuộc bầu cử Mỹ sẽ làm trì hoãn các cuộc đàm phán mậu dịch và có thể dẫn đến những biến động tiền tệ đối với những quốc gia có quan hệ mậu dịch chặt chẽ với Mỹ, như Mexico là ví dụ điển hình.
Tâm lý ngại rủi ro có thể dẫn đến những đợt bán tháo những cổ phiếu nguy hiểm, khiến nhiều ngân hàng gặp khó khăn hơn nữa trong bối cảnh trên thế giới phổ biến những mức lãi suất thấp, và thậm chí còn dưới 0. Trong khi các giới chức tiền tệ của Nhật Bản tìm cách cứu vãn các bản quyết toán ngân hàng thông qua những biện pháp mới, chưa từng được thử nghiệm, thì châu Âu sẽ đặc biệt bất ổn trong quý 4 do bất ổn chính trị tại Italy có nguy cơ làm dấy lên tâm lý đề phòng trước những ngân hàng đang gặp khó khăn trên toàn bộ khu vực đồng Euro.
Điều này không có nghĩa là Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ phải xử lý làn sóng hoang mang trong giới ngân hàng thế giới, song phải thừa nhận thực tế là dù cho ai giành chiến thắng vào tháng 11 tới, thì người đó cũng sẽ phải trải qua một thời kỳ chật vật để gây dựng sự đồng thuận chính trị cần thiết để có thể kiểm soát sự chuyển đổi cơ cấu rắc rối và kéo dài trong nền kinh tế thế giới.
Theo Thu Hiền/Stratfor
Thế giới và Việt Nam