Bắt dẫn độ quan tham từ Pháp về Trung Quốc
- Thứ ba - 27/09/2016 14:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tuyên bố kể trên được đưa ra sau khi lần đầu tiên, tổ công tác "Chiến dịch Săn cáo" của Bộ Công an Trung Quốc áp giải nghi phạm Trần Văn Hoa bị Công an tỉnh Chiết Giang truy nã từ Pháp về nước. Đây còn là trường hợp dẫn độ thành công điển hình đối với tội phạm người Trung Quốc lẩn trốn tại các nước châu Âu, sau Italia và Tây Ban Nha.
Bộ Công an Trung Quốc cũng khẳng định, sẽ thực hiện triệt để phương châm “nếu lẩn trốn sẽ bị truy bắt, nếu truy bắt sẽ thực hiện đến cùng”, nhằm truy bắt tội phạm đào tẩu ra nước ngoài và thu hồi tài sản phi pháp.
Tân Hoa xã cho biết, tổ công tác "Chiến dịch Săn cáo" kể trên đã áp giải thành công nghi phạm tham nhũng Trần Văn Hoa từ Pháp về nước và đây là chiến dịch có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ cảnh sát Pháp và Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp.
Việc này diễn ra sau khi hiệp định dẫn độ giữa Pháp và Trung Quốc chính thức có hiệu lực hơn 1 năm trước (17-7-2015).
Theo lệnh truy nã của Công an tỉnh Chiết Giang, Trần Văn Hoa đã tham ô 20 triệu nhân dân tệ (từ tháng 2-2009 đến tháng 5-2012). Sau khi tham ô số tiền trên, Trần Văn Hoa đã đào tẩu sang Pháp hồi tháng 3-2013. Đến tháng 9-2014, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thụy An, tỉnh Chiết Giang đã phê chuẩn lệnh bắt giữ đối với Trần Văn Hoa.
Và gần 2 năm trước (tháng 11-2014), Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol) đã đưa Trần Văn Hoa vào danh sách truy nã. Sau khi nhận được lệnh truy nã của Interpol đối với Trần Văn Hoa, cảnh sát Pháp đã bắt giữ quan tham này ngày 28-10-2015 và thông báo với Bộ Công an Trung Quốc.
Nhưng sau khi bắt được Trần Văn Hoa, cơ quan chức năng Pháp và Trung Quốc phải căn cứ vào hiệp định dẫn độ Trung - Pháp để làm các thủ tục cần thiết mới dẫn độ quan tham này về Bắc Kinh.
Và ngày 14-9, cảnh sát Pháp đã bàn giao Trần Văn Hoa cho tổ công tác "Chiến dịch Săn cáo" của Trung Quốc tại thủ đô Paris. Sáng 15-9, tổ công tác "Chiến dịch Săn cáo" dẫn độ an toàn Trần Văn Hoa về Bắc Kinh.
Sau khi Trần Văn Hoa được dẫn độ về Bắc Kinh, đại diện Bộ Công an Trung Quốc coi đây là thành công điển hình, đánh dấu bước đột phá trong hoạt động truy bắt nghi phạm người Trung Quốc lẩn trốn tại Pháp nói riêng và các nước châu Âu nói chung. Bởi lâu nay việc hợp tác truy bắt và dẫn độ nghi phạm của Trung Quốc với nhiều nước phương Tây thường gặp khó khăn.
Và khó khăn này đến từ 2 phía - Trung Quốc ít cung cấp thông tin, hoặc cung cấp không đầy đủ về hồ sơ tội phạm của đối tượng, trong khi đó chính quyền các nước phương Tây luôn yêu cầu “phải tuân thủ luật sở tại về nhân quyền”.
Ngày 6-9, Ủy ban Kiểm tra và kỷ luật trung ương Trung Quốc thông báo, kể từ khi phát động “Chiến dịch Săn cáo” để truy bắt quan tham lẩn trốn ở nước ngoài, Trung Quốc đã đưa về nước 1.915 đối tượng từ hơn 70 quốc gia và thu hồi 1,12 tỉ USD.
“Chiến dịch Săn cáo” được tiến hành từ năm 2014 và Bắc Kinh đã chuyển cho Interpol danh sách 100 quan tham cấp cao bị truy nã gắt gao nhất và đã bắt được 33 người trong số này.
Bởi sau khi Trung Quốc thông báo danh sách quan tham, Interpol đã phát đi “cảnh báo đỏ”, tương đương với lệnh truy nã quốc tế đối với các đối tượng này. Theo đó, 40 đối tượng bị tình nghi ẩn náu tại Mỹ, 26 người tại Canada, 10 người tại Australia...
Theo thống kê, sau khi phạm tội, quan tham Trung Quốc thường đưa cả gia đình ra nước ngoài, và tập trung chủ yếu ở Mỹ, Canada, Australia, Hà Lan. Tuy đã có 38 quốc gia ký hiệp định dẫn độ với Trung Quốc, nhưng 4 quốc gia này lại không nằm trong danh sách kể trên.
Theo giới truyền thông, Bộ Công an Trung Quốc đã thành lập một đơn vị chuyên trách, bí mật truy lùng các đối tượng tham nhũng tại nhiều nước trên thế giới. Bởi có hàng ngàn quan tham Trung Quốc đã “hạ cánh an toàn” ở nước ngoài, và mang theo khối tài sản tham nhũng trị giá hàng trăm tỉ USD.
5 năm trước (2011-2016), một bản báo cáo mật dài 67 trang của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bị rò rỉ và lập tức gây chấn động dư luận bởi chỉ ra các địa điểm “hạ cánh” ưa thích của quan tham Trung Quốc và cách thức họ chuyển tiền ra nước ngoài.
Theo đó, gần 18.000 quan tham trốn ra nước ngoài và “mất tích” từ giữa những năm 1990 của thế kỷ trước và mang theo khoảng 123 tỉ USD, tương đương gần 2% GDP của Trung Quốc trong năm 2010. Trong khi đó, Tổ chức minh bạch tài chính toàn cầu cho rằng, đã có 2,83 ngàn tỉ USD bị chuyển ra khỏi Trung Quốc trong giai đoạn 2005-2011.
Theo Lư Tuấn Nghĩa
Cảnh sát toàn cầu