Ba Lan có sẵn bảo bối đấu Iskander-M ở Kaliningrad
- Thứ tư - 12/10/2016 03:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã có phản ứng đầu tiên về việc Nga triển khai hệ thống Iskander-M đến Kaliningrad và gọi đây là quyết định đầy "nguy hiểm".
Phát biểu trước truyền thông quốc tế, Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski nói rằng việc Nga đưa loại tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M tới Kaliningrad là hành động không phù hợp với những hoạt động của cả NATO và Nga trong khu vực này.
Đáp lại phản ứng của Ba Lan, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hành động triển khai tên lửa Iskander-M đến Kaliningrad nằm trong kế hoạch tập luyện quân sự, cũng như để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Cùng với phản ứng yếu ớt trước quyết định của Nga, Ba Lan đã thủ sẵn kịch bản khi quyết định mua hệ thống Patriot từ Mỹ để sẵn sàng đối phó với loại vũ khí cực nguy hiểm - tên lửa Iskander-M trong trường hợp xảy ra xung đột.
Tuyên bố trên được tạp chí Business Insider dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz cho biết hôm 6/9. "Chúng tôi cần phải có biện pháp thích hợp. Tên lửa Iskander-M của Nga không những có thể bắn tới Ba Lan mà còn đe dọa Đức".
Người đứng đầu quân đội Ba Lan còn nói thêm rằng, Warszawa sẽ mua các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot của Mỹ với tổng chi phí có thể lên đến 5,6 tỉ USD.
Chương trình mua sắm Patriot của Ba Lan đã có kế hoạch từ lâu và nước này đã hội đàm với nhiều tập đoàn quốc phòng trên thế giới về việc xây dựng một hệ thống tên lửa phòng không, song Ba Lan chỉ mới bắt đầu đẩy mạnh tiến trình này khi Nga đưa tên lửa Iskander-M đến Kaliningrad.
Mỗi tên lửa Iskander-M có tầm bắn lên đến gần 500km, và Nga đã hai lần đưa tên lửa này đến Kaliningrad nhưng đều rút chúng về nước sau đó. Vì vậy, việc Ba lan mua Patriot là biện pháp cần thiết để đề phòng tên lửa đạn chiến thuật của Nga, ông Antoni Macierewicz cho biết.
Hệ thống Patriot Ba Lan đặt mua thuộc phiên bản mới nhất PAC 3. Phiên bản này được trang bị radar điều khiển hỏa lực AN/MPQ-53/65 với các bộ phận khuếch đại tín hiệu bằng đèn chân không TWT giúp tăng cường khả năng phát hiện, phân biệt mục tiêu trong môi trường lộn xộn.
Hệ thống này có tầm hoạt động 100 km, với khả năng phát hiện và theo dõi cùng lúc từ 90-125 mục tiêu, cung cấp dữ liệu hướng dẫn tên lửa tấn công đồng thời 6 mục tiêu cùng một lúc và có thể nhận dạng mục tiêu từ khoảng cách 35-50km.
Hệ thống PAC-3 được trang bị đầu tự dẫn radar chủ động băng tần Ka cho việc khóa mục tiêu ở giai đoạn cuối. Việc bổ sung đầu tự dẫn này mang lại khả năng phản ứng nhanh với các mục tiêu là tên lửa đạn đạo chiến thuật thay vì phải phụ thuộc vào việc khóa mục tiêu từ đài radar mặt đất. PAC-3 mang lại khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật gấp 5 lần so với PAC-2.
Với khả năng của PAC 3 thì việc Bộ trưởng Antoni Macierewicz tự tin rằng vũ khí này có thể đối phó được tên lửa Iskander-M tại Kaliningrad không phải không có lý.
Clip hệ thống PAC 3 diệt mục tiêu:
Theo Thùy Dung
Đất Việt