Ai sẽ là chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2016?
- Thứ sáu - 07/10/2016 11:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dự đoán ai sẽ chiến thắng là điều vô cùng khó, ít nhất là vì sự bí mật quanh giải thưởng này. Năm nay, số lượng ứng viên cho giải Nobel Hòa bình đạt con số kỷ lục: 376. Trong đó, 228 ứng viên là cá nhân và 148 là các tổ chức.
Giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố vào 4 giờ chiều ngày 7/10 giờ Việt Nam. Dân trí sẽ sớm cập nhật thông tin về giải thưởng này.
Danh tính của các ứng viên được giữ bí mật chính thức trong 50 năm, nhưng những người đủ điều kiện để đề xuất các ứng viên - trong đó có các nghị sĩ quốc hội, giáo sư đại học, cựu chủ nhân giải Nobel Hòa bình - thường tiết lộ người mà họ đề cử.
Năm ngoái, chủ nhân giải Nobel Hòa bình là Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia, một nhóm được khen ngợi vì đã giúp Tunisia chuyển sang nền dân chủ.
Năm nay, một số ứng viên sáng cho giải Nobel Hòa bình đã được các truyền thông quốc tế uy tín như BBC, USA Today, Time, NBC... nêu tên.
Nhà hoạt động nhân quyền Nga Svetlana Gannushkina
Bà Svetlana Gannushkina (Ảnh: AFP)
Nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng người Nga Svetlana Gannushkina được xem là một trong những ứng viên nặng ký của giải thưởng năm nay. Tổ chức mang tên Ủy ban Trợ giúp Công dân (CAC) của bà đã hỗ trợ pháp lý và giáo dục cho những người nhập cư, tị nạn hay bị mất nhà cửa. CAC cho biết dã trợ giúp được hơn 50.000 người kể từ năm 1990.
Gần đây, bà Gannushkina đã giành giải thưởng Right Livelihood Award, vốn được trao hàng năm để vinh danh những người “nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thực tế và mẫu mực cho những thách thức cấp bách nhất đối với thế giới ngày nay”. Giải thưởng này còn được ví là bản sao của giải Nobel.
Kristian Berg Harpviken, Giám đốc Viên nghiên cứu hòa bình Oslo, xem bà Gannushkina là ứng viên số 1 trong số những ứng viên nặng ký cho giải thưởng Nobel Hòa bình 2016.
Các nhà đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran
Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi (trái) và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz trên bàn đàm phán (Ảnh: AFP)
Các nhà ngoại giao tham gia đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran, đạt được vào tháng 7/2015, mà nổi bật nhất là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và những người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif và EU Federica Mogherini - đã được một số nhà quan sát đề cử cho giải Nobel Hòa bình từ năm ngoái.
Năm nay, do sự tiến triển ổn định của thỏa thuận, trong đó các lệnh cấm vận quốc tế đối với Iran được dỡ bỏ hồi tháng 1 để đáp lại các cam kết của Iran, Ủy ban Nobel có thể xem xét công nhận các kiến trúc sư của thỏa thuận này vì sự đóng góp của họ cho hòa bình thế giới.
Nhưng sự tham gia của Mỹ và Iran trong cuộc nội chiến tại Syria có thể khiến việc xem xét trao giải cho các các ngoại trưởng của các nước này gặp khó khăn.
Thỏa thuận hòa bình Colombia
Việc chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 52 năm tại Colombia thông qua một thỏa thuận đàm phán là nỗ lực mà nhiều người tin là Ủy ban Nobel không thể phớt lờ. Ủy ban Nobel từ lâu luôn thừa nhận các tiến trình hòa bình tại những nơi như Bắc Ireland, Israel/Palestine.
Nhưng hi vọng để Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và lãnh đạo phong trào vũ trang cách mạng Farc Rodrigo Londono đoạt giải đã vấp phải một vật cản lớn hôm 2/10, khi cử tri bỏ phiếu phản đối thỏa thuận trong cuộc trưng cầu dân ý.
Khả năng đoạt giải giờ đây nhiều khả năng không xảy ra. Tuy nhiên, vẫn có một khả năng Ủy ban Nobel đã đưa ra quyết định trước cuộc trưng cầu dân ý và có thể vẫn trao giải để khuyến khích các nhà kiến tạo hòa bình tiếp tục công việc của họ.
“Mũ bảo hiểm Trắng” tại Syria
Nhóm “Mũ bảo hiểm Trắng” đã cứu sống khoảng 60.000 người tại Syria (Ảnh: AFP)
Tổ chức Bảo vệ Dân sự Syria được ca ngợi vì đã sự trợ giúp của họ đối với các nạn nhân của cuộc nội chiến tại Syria. Các thành viên của tổ chức này, luôn đội những chiếc mũ bảo hiểm trắng đặc trưng, thường nhanh chóng có mặt tại hiện trường các địa điểm đánh bom để kéo các nạn nhân ra các đống đổ nát, sơ cứu những người bị thương và trợ giúp tái thiết nhà cửa. Họ cũng đối mặt với mối nguy hiểm to lớn luôn rình rập từ các cuộc không kích sau các vụ đánh bom.
Tổ chức Bảo vệ Dân sự Syria, với khoảng 3.000 thành viên là các sinh viên, giáo viên, nông dân và những người tình nguyện khác, đã cứu sống khoảng 60.000 người tại Syria kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra năm 2011. Họ làm việc dưới phương châm: “Cứu một mạng sống là cứu cả nhân loại”. Nhóm này đã được truyền thông thế giới ca ngợi trong nhiều bài viết gần đây.
Nhóm “Greek Islanders”
Một nhóm cư dân từ các đảo của Hy Lạp đã được đề cử để đại diện cho tất cả những người Hy Lạp đã trợ giúp người tị nạn. Vào năm 2015, đảo Lesbos đã tiếp nhận gần 800.000 người tị nạn chạy khỏi Trung Đông và các nơi khác do bạo lực, chiến tranh. Dù gặp khó khăn về kinh tế trong nước, những người Hy Lạp được đề cử đã được khen ngợi vì sự quan tâm và trợ giúp của họ đối với những người tị nạn.
Giáo hoàng Francis
Giáo hoàng Francis (Ảnh: Reuters)
Giáo hoàng Francis có thể là nhà lãnh đạo đầu tiên của Giáo hội Công giáo La Mã giành giải thưởng Nobel Hòa bình và cũng được xem là ứng viên triển vọng năm nay. Cam kết của Giáo hoàng đối với tình thương và hòa bình là mang tính toàn cầu, như việc ông đóng góp cho quá trình đàm phán thỏa thỏa thuận hòa bình tại Colombia và bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba hay giữ vai trò đi đầu trong việc chiến đấu với các cuộc chiến ma túy ở Mexico.
Giáo hoàng cũng kêu gọi thế giới hành động đói với cuộc khủng hoảng di cư. Trong chuyến thăm tới Hy Lạp hồi tháng 12 năm nay, 12 người tị nạn Hồi giáo đã được đưa về cùng ông để sinh sống tại Italy.
Thủ tướng Đức Angela Merkel
Thủ tướng Đức Angela Merkel chụp ảnh cùng một người di cư (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể là ứng viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình nhờ các nỗ lực của bà trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu. Dù chính sách “mở cửa” đối với người di cư của bà Merkel vấp phải sự phản đối ở trong nước và khiến tỷ lệ ủng hộ sụt giảm nhưng Thủ tướng Đức vẫn nhận được sự ủng hộ và ca ngợi của cộng đồng quốc tế, trong đó Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các thành viên khác trong Liên minh châu Âu hành động giống bà.
Edward Snowden
Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ và hiện đang sống tị nạn tại Nga, đã gây chấn động nước Mỹ và thế giới vào năm 2013 khi tiết lộ quy mô các hoạt động theo dõi của chính phủ Mỹ. Snowden được cho là đã có tên trong danh sách đề cử giải Nobel Hòa bình vào năm 2014.
Snowden dự kiến sẽ tới Na Uy nhận giải thưởng Tự do biểu đạt Ossietsky vào tháng 11 tới nhưng đang tìm kiếm sự đảm bảo rằng ông sẽ không bị dẫn độ về Mỹ.
Giải Nobel Hòa bình được lựa chọn thế nào?
Những người đề cử đủ tiêu chuẩn khắp thế giới (những người từng được nhận giải Nobel Hòa bình, các nghị sĩ, giáo sư đại học, các thẩm phán quốc tế, các cố vấn đặc biệt của Ủy ban Giải Nobel Na Uy) có thể đề cử các ứng viên tới ngày 1/2 của năm đó.
Tất cả các đề cử sẽ được Ủy ban Giải Nobel Na Uy - với 5 thành viên được quốc hội Na Uy lựa chọn - xem xét trước khi một danh sách rút gọn gồm từ 20-30 ứng viên được lọc ra.
Một nhóm cố vấn Na Uy và quốc tế viết đánh giá riêng về các ứng viên trong danh sách rút gọn. Thông qua các đánh giá này và các báo cáo khác, Ủy ban Giải Nobel Na Uy sẽ tiếp tục rút gọn danh sách ứng viên.
Quyết định về người chiến thắng sẽ được đưa ra trong cuộc họp cuối cùng của Ủy ban Giải Nobel Na Uy, thường vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, trước khi giải thưởng được công bố.
Giải Nobel Hòa bình được trao vào ngày 10/12 hàng năm, đúng ngày mất của Alfred Nobel.
An Bình
Tổng hợp