Abu Sayyaf - nhóm thánh chiến tàn bạo nhất Philippines
- Thứ bảy - 12/11/2016 16:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Abu Sayyaf có gốc rễ từ một phong trào nổi dậy ly khai tại miền nam Philippines, một khu vực nghèo đói với phần lớn dân số theo đạo Hồi, tách biệt với phần còn lại của đất nước nơi người dân chủ yếu theo Công giáo La Mã.
Abu Sayyaf tách ra từ Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro vào năm 1991 vì bất đồng với chính sách của mặt trận này trong việc theo đuổi quyền tự trị và lập ra một nhà nước Hồi giáo độc lập. Người khai sinh ra Abu Sayyaf là Abdurajak Abubakar Janjalani, một nhà truyền giáo theo đạo Hồi từng gặp gỡ trùm khủng bố khét tiếng Osama Bin Laden và bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của tên này. Tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã tài trợ tiền và chịu trách nhiệm huấn luyện cho Abu Sayyaf trong những ngày đầu.
Sau khi Abdurajak Abubakar Janjalani chết, nhóm này chia thành hai nhóm chính mà các thủ lĩnh của chúng đều đã thiệt mạng trong khoảng thời gian từ năm 2006-2007. Từ đó trở đi, Abu Sayyaf chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn và duy trì hoạt động dựa trên các mối quan hệ họ hàng hoặc cá nhân.
Ước tính Abu Sayyaf có khoảng 400 thành viên và kể từ năm 2014, một số nhánh của nhóm này đã tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Hầu hết các hoạt động của Abu Sayyaf là khủng bố, giết hại, bắt cóc và tống tiền. Mỹ đã liệt Abu Sayyaf vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.
Abu Sayyaf thường chỉ thả các con tin nếu số tiền chuộc do chúng đưa ra được trả đầy đủ. Trong trường hợp yêu cầu tiền chuộc không được đáp ứng, chúng sẵn sàng giết các con tin. Trung tâm phòng choogns cướp biển có trụ sở tại Kuala Lumpur đã cảnh báo các tàu thuyền tránh xa những thuyền nhỏ khả nghi trong khu vực, trong khi đó, Indonesia và Malaysia đã đề xuất tuần tra hàng hải chung để ngăn chặn các vụ bắt cóc, tống tiền và tấn công của Abu Sayyaf.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng Abu Sayyaf có thể góp phần hỗ trợ cho các hoạt động khủng bố do các nhóm khác có dính líu đến IS thực hiện trong khu vực. Ngoài ra, còn có những bằng chứng cho thấy Abu Sayyaf có mối liên hệ với các nhóm thánh chiến ở Trung Đông. Mới đây, thi thể của một chuyên gia về bom mìn người Maroc đã được phát hiện trong một cuộc giao tranh giữa Abu Sayyaf và quân đội Philippines.
Trong vài tháng qua, Abu Sayyaf bị cáo buộc là nhóm thực hiện hàng loạt vụ bắt cóc tống tiền các thủy thủ trên các tàu nước ngoài hoạt động ở miền nam Philippines. Hồi tuần trước, Abu Sayyaf đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ bắt cóc một thủy thủ quốc tịch Đức và giết vợ ông này. Trước đó, Abu Sayyaf đã chặt đầu 2 con tin người Canada sau khi yêu cầu tiền chuộc do chúng đưa ra không được đáp ứng.
Quân đội và cảnh sát Philippines đã tốn nhiều công sức để săn lùng và tiêu diệt nhóm này nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Từ sau khi lên nắm quyền hồi cuối tháng 6, Tổng thống Rodrigo Duterte đã cam kết mạnh tay với khủng bố để bảo đảm an ninh quốc gia. Nhà lãnh đạo này đã từng phát động một chiến dịch quân sự để tiêu diệt Abu Sayyaf. Nhân chuyến thăm tới Malaysia hôm qua 10/11, Tổng thống Duterte đã thống nhất với Thủ tướng Malaysia Najib Razak rằng hai nước sẽ cùng phối hợp với Indonesia truy lùng nhóm khủng bố này ở vùng biển ngoài khơi Sulu, một tỉnh tự trị ở miền nam Philippines, cũng là khu vực được coi là địa bàn hoạt động tích cực của các nhóm khủng bố có vũ trang.
Thành Đạt
Theo BBC