ASEAN - Trung Quốc đạt tiến triển trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông
- Thứ năm - 08/09/2016 21:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Straitstimes, trong Tuyên bố chung sau hội nghị được tổ chức tại thủ đô Viêng Chăn (Lào), lãnh đạo của 10 quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc đã cam kết cùng nhau hợp tác chặt chẽ cũng như thực thi các biện pháp làm giảm căng thẳng trên Biển Đông, nơi xảy ra tranh chấp giữa nhiều nước trong khu vực. Các bên đã đạt được tiếng nói chung khi khẳng định việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông sẽ phục vụ cho lợi ích nền tảng không chỉ của các nước ASEAN và Trung Quốc mà còn cả cộng đồng quốc tế.
Theo đó, ngoài cam kết đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, các bên cũng nhất trí giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua các cơ chế đàm phán và thương lượng hữu nghị giữa những quốc gia có tuyên bố chủ quyền, theo những quy tắc được công nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Bản Tuyên bố chung cho thấy cả ASEAN và Trung Quốc đều tránh đề cập tới những căng thẳng trên Biển Đông trong thời gian qua cũng như không nêu lại phán quyết của tòa trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) hôm 12/7. Thay vào đó, các bên cam kết thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), đồng thời nhất trí hợp tác chặt chẽ để sớm hoàn tất việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử (COC) dựa trên sự đồng thuận.
Theo Tân Hoa Xã, trong khuôn khổ hội nghị, ASEAN và Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận về việc áp dụng Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) tại Biển Đông, đồng thời thống nhất lập đường dây nóng giữa quan chức cấp cao của các Bộ Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc nhằm ứng phó với các sự cố khẩn cấp trên biển.
Tuy nhiên, đó là không khí tích cực trong phòng họp tại thủ đô Viêng Chăn, còn ở ngoài thực địa, những diễn biến có vẻ “nóng” hơn khi chỉ vài giờ trước lúc hội nghị diễn ra, Bộ Quốc phòng Phiippines đã công bố những bức ảnh cho thấy tàu Trung Quốc xuất hiện gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh chiếm của Manila từ năm 2012. Không chỉ tại Scarborough, Trung Quốc còn ngang nhiên đòi hỏi chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, đồng thời có nhiều động thái bành trướng để theo đuổi yêu sách phi lý của Bắc Kinh ở khu vực này.
Thành Đạt
Tổng hợp