Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


5 năm đầy thách thức với tân Chủ tịch Cuba hậu kỷ nguyên Castro

5 năm đầy thách thức với tân Chủ tịch Cuba hậu kỷ nguyên Castro
Dân trí Tân Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel có thể sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có việc thúc đẩy mối quan hệ vốn nhiều sóng gió với Mỹ, trong nhiệm kỳ 5 năm tới khi lãnh đạo quốc đảo Caribe này.

Chủ tịch Raul Castro nói chuyện với ông Diaz-Canel (trái) tại Havana, Cuba năm 2016 (Ảnh: Reuters)

Trong tuần này, ông Raul Castro đã thôi chức Chủ tịch Cuba sau 2 nhiệm kỳ 5 năm. Ông Miguel Diaz-Canel, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước Cuba, được Quốc hội lựa chọn kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro sau 6 thập niên nắm quyền của Lãnh tụ Fidel Castro và Chủ tịch Raul Castro.

Kể từ cuộc cách mạng năm 1959, hai anh em nhà Castro đã lần lượt lên nắm quyền tại Cuba - quốc gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Sau khi cố lãnh tụ Fidel nghỉ hưu từ năm 2008, em trai ông, Chủ tịch Raul Castro, đã thay anh lên nắm quyền điều hành đất nước và hiện chuyển giao quyền lực cho ông Diaz-Canel.

Ông Diaz-Canel sẽ phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế cũng như những thách thức để duy trì mối quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump - nhà lãnh đạo có nhiều động thái gây khó khăn cho tiến trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương vốn từng được kỳ vọng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Thay đổi về chính sách đối ngoại?

Cái bắt tay chuyển giao giữa hai nhà lãnh đạo Raul Castro và Diaz-Canel (Ảnh: Reuters)

Mặc dù thôi chức lãnh đạo Cuba, song ông Raul Castro chưa hoàn toàn rời khỏi chính trường. Ông sẽ vẫn giữ vị trí Tổng Bí thư đảng Cộng sản Cuba cho tới kỳ đại hội tới vào năm 2021 và có thể tham gia định hình chính sách của Cuba.

“Ông Raul Castro có thể trở thành Đặng Tiểu Bình của Cuba, có nghĩa là ông sẽ vẫn giữ vai trò lãnh đạo đảng và giữ cho tình hình luôn trong tầm kiểm soát”, Zbigniew Ivanovsky, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị tại Viện nghiên cứu Mỹ Latinh thuộc Viện Khoa học Nga, nói với RT.

Theo Giáo sư Salim Lamrani tại Đại học Paris IV-Sorbonne, nhà lãnh đạo mới của Cuba có thể sẽ không đưa đất nước rẽ sang một hướng hoàn toàn mới so với các giai đoạn trước đây.

“Sẽ không có bước ngoặt trong chính sách của Cuba vì người dân trên hòn đảo này vẫn muốn duy trì mô hình xã hội từ thời Castro. Người Cuba muốn duy trì nền độc lập và tất cả các phúc lợi xã hội như giáo dục, y tế miễn phí, văn hóa và an ninh mà cuộc Cách mạng Cuba đã mang lại”, Giáo sư Lamrani cho biết.

Hiện hệ thống chăm sóc sức khỏe của Cuba xếp thứ 23 trên bảng xếp hạng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đứng trên cả những quốc gia rất mạnh khác như New Zealand hay Hàn Quốc. Tỷ lệ biết chữ tại Cuba cũng cao thứ 3 thế giới.

Khởi động lại nền kinh tế?

Người dân Cuba theo dõi phiên họp Quốc hội bầu tân Chủ tịch hôm 18/4 (Ảnh: Reuters)

Mặc dù người dân Cuba đang được hưởng các dịch vụ giáo dục và y tế miễn phí, cũng như được trợ cấp về nhà ở và lương thực, song hàng hóa tiêu dùng tại nước này khá khan hiếm.

Mức lương nhà nước tại Cuba chỉ khoảng 20 USD/tháng và Cuba hiện chỉ có 173.000 xe ô tô trên tổng số 11 triệu dân. Tăng trưởng kinh tế tại quốc đảo Caribe có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây, sau bước đầu khởi sắc trong giai đoạn ông Raul Castro đưa ra một số cải cách về thị trường tự do hồi năm 2011. Theo đó, nhà lãnh đạo mới Diaz-Canel cần phải nỗ lực thêm để cải thiện nền kinh tế trì trệ của Cuba trong bối cảnh không có sự hỗ trợ từ Mỹ.

“Cuba cần cải thiện tình hình kinh tế, ngay cả khi trở ngại chính cho tiến trình phát triển của nước này là do các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Cuba cũng sẽ phải đối mặt với chính sách không thân thiện từ chính quyền Trump - người đã hủy bỏ nhiều tiến triển đã đạt được dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và quay trở lại chính sách đối đầu (với Cuba)”, Giáo sư Lamrani nói thêm.

Kể từ năm 1962, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận thương mại toàn diện với Cuba. Sau những nỗ lực của chính quyền Obama nhằm bình thường hóa quan hệ song phương, Tổng thống Trump thậm chí còn siết chặt hơn các lệnh trừng phạt với Cuba từ tháng 11 năm ngoái và cấm đa phần công dân Mỹ tới thăm quốc đảo này.

Khi không còn chính sách thương mại tự do với Mỹ, Cuba sẽ phải cải tiến hoạt động sản xuất nông nghiệp để có thể tự đảm bảo nguồn lương thực. Cuba hiện vẫn nhập khẩu tới 80% lương thực và ông Diaz-Canel chắc chắn sẽ phải tìm cách giải quyết bài toán này.

“Nền kinh tế Cuba có thể nói đang ở trong giai đoạn chuyển đổi, khi các doanh nghiệp nhỏ và các hoạt động thương mại quy mô nhỏ đang tích cực phát triển”, chuyên gia Zbigniew Ivanovsky nhận định.

Đồng quan điểm với Giáo sư Lamrani, ông Ivanovsky cho rằng vấn đề kinh tế là một trong những thách thức đối với nhà lãnh đạo Diaz-Canel sau khi ông lên nắm quyền.

“Nhìn chung, công chúng (Cuba) chia làm hai luồng quan điểm: Một bộ phận trong xã hội và trong ban lãnh đạo đảng tin rằng cần thúc đẩy cải cách, trong khi nhóm bảo thủ hơn cho rằng không cần phải vội vàng vì điều đó có thể làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa”, ông Ivanovsky nói thêm.

Quan hệ với Mỹ

Ông Raul Castro nắm tay cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo chung tại Havana năm 2016 (Ảnh: AP)

Theo ông Lamrani, mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba phụ thuộc phần lớn vào lập trường của Washington.

“Cuba luôn bày tỏ nguyện vọng rằng họ sẽ duy trì mối quan hệ bình thường và hòa bình mới Mỹ, miễn là mối quan hệ đó dựa trên sự bình đẳng về chủ quyền, tương trợ lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”, chuyên gia Lamrani nói.

Đối với Cuba, quan hệ với Mỹ xoay quanh hai vấn đề chính. Cuba muốn Mỹ trả lại căn cứ hải quân tại vịnh Guantanamo và dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại do Washington áp đặt. Trong khi đó, quan điểm của Mỹ là Cuba phải thực hiện tiến trình “dân chủ hóa” và tiến hành cải cách thị trường tự do sâu rộng. Theo chuyên gia Ivanovsky, sẽ không bên nào đạt được điều mình muốn.

“Nhiều khả năng, quan hệ giữa hai nước vẫn giữ nguyên như cũ vì các vấn đề quan trọng không được giải quyết”, ông Ivanovsky nói.

Chính quyền Mỹ từng nhiều lần công khai hoặc âm thầm tìm cách lật đổ chính quyền Castro kể từ sau cuộc cách mạng năm 1951. Năm 1961, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) được cho là đã tài trợ và đứng sau vụ Vịnh Con lợn nhằm xâm lược Cuba. Vụ việc này tập hợp những đối tượng đào tẩu khỏi Cuba với âm mưu lật đổ chính quyền với sự hậu thuẫn về quân sự của Mỹ.

Tuy nhiên, mưu đồ trên hoàn toàn thất bại. Theo giới chức Cuba, kể từ đó, cố lãnh tụ Fidel Castro đã trở thành mục tiêu của hàng trăm âm mưu ám sát. Chuyên gia Lamrani nhận định Mỹ có thể sẽ không tiến hành thêm hành động can thiệp liều lĩnh nào nhằm vào Cuba. Thay vào đó, Washington sẽ lựa chọn cách tiếp cận gián tiếp hơn.

“Chính quyền Trump có thể sẽ tìm cách chuyển đổi xã hội Cuba. Tuy vậy, kết quả cũng sẽ tương tự như các chính quyền tiền nhiệm trước đây, đó là thất bại hoàn toàn”, Giáo sư Lamrani cho biết.

Thành Đạt

Theo RT

Nguồn tin: eneoia.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây