Tôi bất lực với cô cháu ruột sống bừa bãi
- Thứ sáu - 09/12/2016 10:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cháu là con gái của chị ruột tôi, 20 tuổi và nhỏ hơn tôi 8 tuổi. Tôi vừa lấy chồng được hơn 3 tháng, hiện tôi và cháu đang ở nhà chồng tôi. Nhà một trệt (bếp + khách), 2 tầng (4 phòng ngủ)+ sân thượng chỉ có 3 chúng tôi ở. Vợ chồng tôi ở tầng một, cháu ở tầng hai. Trước lúc lấy chồng, cháu ở trọ chung với tôi được nửa năm. Tôi biết tính cháu rất lười trong chuyện nhà cửa, đặc biệt ăn xong không bao giờ rửa chén liền mà dồn lại cả thau. Tôi rất ghét chuyện đó nên không ít lần nhắc nhở, đầu tiên thì nhẹ nhàng lịch sự nhưng mỗi lần nhắc là thái độ cháu làm tôi rất bực. Tôi đi làm từ sáng, rồi tối còn đi làm thêm, có khi về tới nhà là 22h, nhìn chén bát bày bừa, nhà cửa luộm thuộm tôi rất bực mình.
Đỉnh điểm là có lần tôi đã đập hết mớ chén đó và tuyên bố nếu còn lần sau tôi sẽ đánh cháu. Từ đó về sau, hễ khi tôi vừa bước vào cửa phòng thì cháu chạy ra ngoài rửa chén. Khi nói chuyện với mọi người trong nhà, mẹ lại nói tôi khó tính, đồng thời cháu ở cũng trả tiền chứ không phải ở không nên tôi đừng hoạnh họe với cháu. Tổng tiền phòng, điện nước, internet là 2,8 triệu, tôi chỉ lấy của cháu một triệu, chưa kể tôi vẫn hay mua đồ ăn để trong tủ lạnh cho cả hai cùng ăn mà không tính toán so đo. Do đó lúc sắp lấy chồng, tôi có nói cháu kiếm bạn mà ở. Thế nhưng chị tôi (mẹ cháu) nói cho cháu ở chung để chị yên tâm, rồi chị cũng nói biết con mình không ngoan nhưng không dạy được.
Một phần tôi thương chị, một phần nghĩ nhà chồng dư phòng, cháu mình đi ở trọ ọp ẹp tôi cũng thấy tội nên cuối cùng vẫn để cháu ở chung. Tôi cũng không muốn phía nhà chồng nói tôi lạm dụng nên mỗi tháng cháu sẽ gửi 800 nghìn đồng tiền nhà cho chồng tôi (tiền đó tôi dự định nói chồng mua sữa biếu ông bà nội ở quê, vì từ lúc dọn qua tới giờ là hơn 3 tháng, nhưng đúng cuối học kỳ nên cháu lên thi mấy bữa lại về, chúng tôi chưa lấy của cháu đồng nào), còn điện nước chia đều.
Qua đây tôi cố tình để mình cháu ở tầng 2 để ít va chạm nhưng không biết tôi quá khó tính hay cháu quá vô ý mà mỗi ngày tôi lại bực mình. Tôi giao cho cháu lau tầng sân thượng và tầng cháu ở. Thế mà mỗi lần cháu quét lau ở trên thì bụi và rác đều xuống tầng dưới. Rác thì người ta chỉ gom buổi sáng, mà cháu đến trưa chiều mang xuống rồi để ngay cửa ra vào, nói thì cháu bảo để đó mai cháu mang ra. Mà mai của cháu là tận trưa mai. Cà phê cháu pha rồi để tủ lạnh 2-3 ngày, bảo đổ đi thì cháu nói cháu còn uống, hôm sau thấy cái ly được dẹp nhưng vết cà phê đổ trong tủ lạnh cháu không chùi. Tôi cố tình để xem 2-3 bữa sau thế nào, cái tủ lạnh vẫn y nguyên, hỏi cháu lại nói có thấy vết đó nhưng không nghĩ là cà phê của cháu.
Rồi chuyện cửa nẻo, xe cộ; có lần cháu khóa cửa mà không chú ý nên cửa chưa được chốt. Tôi có nhắc nhở, phân tích rằng mất của đã đành, nhiều khi mình không cẩn thận thì mất luôn cả mạng. Cháu nghe rồi để đó, tình trạng vẫn lặp lại, bữa có bữa không. Có hôm cháu mượn xe chồng tôi nói đi ăn sáng với bạn mà đi từ 10h sáng đến 5h chiều, về chúng tôi góp ý nói cháu làm như vậy thì mọi người lo, thà nói trễ mà về sớm hơn lại tốt, mà cứ nhắc thì cháu khó chịu. Chồng kỹ tính nhưng cũng hiền và tế nhị, chưa bao giờ nói nặng gì tới cháu.
Hôm qua, chồng tôi cũng bực mình vì cháu tự tiện lấy xe anh đi mà không xin phép. Tôi được biết cháu nói với người khác rằng cháu ở đây cũng phải trả tiền, cũng như ở trọ chứ không phải ở chùa, nên việc chúng tôi góp ý cháu như vậy là không được. Trong khi ở thì ăn chung, 2 vợ chồng tôi đi chợ để đồ ăn sẵn trong tủ lạnh. Cả tôi và chồng chưa bao giờ so đo về tiền bạc, nhưng nghe cháu nói kiểu đó tôi quá bực mình. Thật sự 800 nghìn đồng của cháu không bằng tôi làm thêm 2 buổi, và đem tiền đó cháu đi ở trọ thì liệu có được tiện nghi như vậy không (nhà có sẵn nước nóng lạnh, máy giặt, tủ lạnh).
Nhiều khi nóng quá, tôi muốn bảo cháu ra ngoài mà ở. Nhưng nghĩ lại thương chị gái tôi, mỗi lần góp ý chị lại khóc, nói không dạy được con, để nó ở ngoài chị không yên tâm. Tôi cảm thấy cháu làm gì cũng chẳng ý tứ, không để tâm vào kết quả, cứ làm cho có, giống đối phó. Từng việc tôi nhắc cháu lại tỏ thái độ và nói tôi khó tính, nhưng không nhắc chẳng lẽ tôi cứ phải chịu đựng? Mong nhận được ý kiến khách quan của mọi người, cũng như lời khuyên chân thành. Tôi xin cảm ơn.