Vì sao thu hút đầu tư khó vượt đỉnh 68 tỷ USD?
- Thứ tư - 18/01/2017 11:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Về cơ cấu, vốn FDI đăng ký tiếp tục tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 63,8% tổng vốn đăng ký); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ chiếm 7,8%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 6,9%; các ngành còn lại chiếm 21,5%. Về giải ngân, vốn FDI thực hiện trong năm 2016 ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, đồng thời cũng là mức giải ngân cao nhất từ trước tới nay.
Bước sang năm 2017, việc thu hút vốn FDI của Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do triển vọng của Hiệp định TPP đã trở nên mờ mịt sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Trên thực tế, thu hút vốn FDI đã có phần chững lại trong nửa cuối năm 2016 khi nhà đầu tư tạm dừng lại để quan sát các tin tức liên quan đến TPP.
Mặc dù vậy, gần đây, Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đang được nhà đầu tư nhắc đến nhiều như một sự thay thế phần nào cho TPP. Hiện RCEP vẫn đang trong quá trình đàm phán và được kỳ vọng có thể sẽ sớm kết thúc trong năm 2017.
Nhìn chung RCEP được đánh giá sẽ giúp đồng bộ hóa và giảm thiểu những bất cập của các FTA giữa các nước tham gia đàm phán, qua đó giúp các thành viên thu hút dòng vốn FDI từ nước ngoài (từ cả các nước trong và ngoài khối) để có thể tận dụng những ưu đãi trong việc xâm nhập một thị trường rộng lớn (các nước tham gia đàm phán RCEP chiếm gần 50% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu).
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, thu hút vốn FDI có thể sẽ chững lại, vốn giải ngân thậm chí có thể giảm nhẹ trong năm 2017.
Theo Chuyên gia kinh tế , TS. Vũ Đình Ánh, ngày trước chúng ta chạy theo thành tích vốn FDI đăng ký năm sau cao hơn năm trước, nhưng “chẳng may” năm 2008 vốn FDI đăng ký tăng vọt lên 68 tỷ USD thì quay ra "ghét cái năm đó" vì khó đạt lại được con số như vậy. Tuy nhiên, trong FDI, điều quan trọng nhất vẫn là vốn thực hiện chứ không phải vốn đăng ký, mặc dù vốn đăng ký là tiền đề của vốn thực hiện. Chưa kể nhiều khoản vay tín dụng từ nước ngoài để đầu tư vào Việt Nam, chúng ta chưa bóc tách được cái này. Gánh nặng nợ nước ngoài của Việt Nam chưa bóc tách được nợ trong vốn đăng ký FDI.
“Trong cách tính nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam đều chưa nhắc đến nợ trong FDI. Hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD FDI vào Việt Nam là đi vay chứ thực chất không phải tiền của các nhà đầu tư. TPP đã không còn nữa, hãy quên TPP đi để có sự thay đổi về chiến lược thu hút FDI, để không chạy theo thành tích về quy mô, về số lượng, mà hãy quay về với chất lượng và hiệu quả. Những cái đó chúng ta hay tuyên bố nhưng thực ra chưa làm được bao nhiêu,” TS. Vũ Đình Ánh nói.