Vì sao nhiều doanh nghiệp “trốn” không về SCIC?
- Thứ tư - 22/02/2017 10:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều năm nay, hơn 200 doanh nghiệp (DN) buộc phải chuyển giao vốn Nhà nước về cho TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý nhưng vẫn chưa thực hiện dù bị thúc ép. SCIC đổ lỗi cho DN và các bộ, ngành, địa phương chậm thực hiện trong khi nhiều ý kiến nghi ngại năng lực của đơn vị này.
SCIC đổ lỗi cho DN, bộ, ngành
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Phan Đức Hiếu cho biết, tại Hội thảo Chuyển giao DN Nhà nước về SCIC ngày 21/2, tính đến thời điểm này, còn 234 DN thuộc diện phải chuyển giao vốn Nhà nước về SCIC nhưng chưa thực hiện.
50% doanh thu của SCIC có được là nhờ “gom” cổ tức từ các doanh nghiệp quản lý, trong đó Vinamilk được coi là “con bò sữa” - Ảnh: Brands Vietnam
Theo ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó tổng giám đốc SCIC, từ khi thành lập tới nay, SCIC mới nhận chuyển giao được hơn 1.000 DN, mà chủ yếu là các đơn vị nhỏ, nhiều trường hợp làm ăn kém hiệu quả. Phân tích nguyên nhân vì sao các DN này kiên quyết không chịu chuyển giao vốn Nhà nước về SCIC, ông Hiển cho rằng, do các DN và các bộ, ngành, địa phương chậm trễ thực hiện vì muốn giữ lại lợi ích cục bộ.
Phản ứng lại, đại diện Vụ Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, cơ quan này đã chuyển giao 4 đơn vị và đang họp bàn sẽ giao tiếp Vinatex, TCT Thép, TCT Xuất nhập khẩu tổng hợp, Công ty CP Đầu tư xây lắp và vật liệu xây dựng, Công ty CP giao nhận. Bộ này cũng đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty bàn giao vốn theo quy định, hoàn thiện hồ sơ bàn giao toàn bộ chủ sở hữu trước 10/3.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương cho hay, ngay cả khi cơ quan này và DN muốn thực hiện cũng rất khó khăn. Đơn cử như TCT Thép đã cổ phần hóa từ năm 2008 nhưng tới nay gần 10 năm vẫn chưa được quyết toán cổ phần hóa. “Bộ có gửi văn bản lên Chính phủ để quyết toán cổ phần hóa của TCT Thép nhưng 6 tháng nay chưa nhận được ý kiến của Chính phủ. Hay vấn đề xử lý điều chỉnh giá một số tổng công ty đến nay cũng chưa được xử lý. Bộ Công thương ủng hộ nhưng nhưng Chính phủ chưa quyết”, đại diện Bộ Công thương nêu ý kiến.
Nhiều bộ và địa phương có mặt tại Hội thảo cũng đề xuất các cơ chế để xin “gỡ” vướng như sửa đổi Nghị định 51, Nghị định 91 và các văn bản liên quan tới sắp xếp, thoái vốn, chuyển giao vốn Nhà nước tại các DN Nhà nước để họ sớm thực hiện.
Còn 234 doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao vốn nhà nước nhưng chưa thực hiện
Nghi ngờ năng lực của SCIC
Theo số liệu từ SCIC, trong 2 năm sau khi thành lập, lượng DN chuyển giao vốn về cho cơ quan này khá lớn: Năm 2006 có 222 DN, năm 2007 lên tới 622 DN, đến 2008 đột ngột giảm còn 45 DN và từ 2009 tới 2015 mỗi năm chỉ có hơn 10 DN. “Diễn biến bất thường” này khiến nhiều người đặt câu hỏi về năng lực của SCIC dẫn đến các DN không tin tưởng vào việc bàn giao vốn sẽ mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ phân tích, “vấn đề của SCIC” đang là khúc mắc khiến các địa phương và DN dè dặt. “Dư luận mấy năm qua nói không biết SCIC đem vốn đã chuyển về làm gì, đầu tư vào đâu hay chỉ gửi ngân hàng lấy được ít lãi”, ông Lưu Bích Hồ nói.
Dù ông Hiển nêu bật thành tích qua hơn 10 năm hoạt động, đa số các DN do SCIC tiếp nhận bàn giao đã liên tục phát triển và kinh doanh tốt như tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân chung của các DN khoảng 15-17%; năm 2015, ROE bình quân của 50 DN lớn (chiếm khoảng 90% giá trị danh mục đầu tư của SCIC, chủ yếu là DN niêm yết) khoảng 20,5%. Đặc biệt, có một số DN ROE bình quân rất cao trên 30% như Công ty CP Sữa Việt Nam (37%), Công ty TNHH MTV khai thác và chế biến đá An Giang (56%), Công ty TNHH 2TV Đầu tư và Thương mại Tràng Tiền (35%), Công ty CP Viễn thông FPT (32%), Công ty CP Nhựa Bình Minh (26%), Công ty CP Dược Hậu Giang (26%)… Tuy nhiên, đây đều là các DN làm ăn tốt trên thị trường, lãnh đạo có năng lực tốt còn đóng góp của SCIC vào hiệu quả kinh doanh của các DN này vẫn chưa chứng minh được, thậm chí một số trường hợp SCIC còn bị “kêu” về việc đóng góp chưa rõ lại có dấu hiệu kéo lùi hoạt động của DN như lùm xùm tại Traphaco, Nhựa Tiền Phong...
Theo báo cáo của SCIC, kết quả hoạt động kinh doanh năm 2015, tổng doanh thu của SCIC đạt 10.595 tỷ đồng, vượt 36% so với kế hoạch và tăng 52% so với năm 2014. Trong đó, doanh thu từ cổ tức chiếm tới một nửa là 5.062 tỷ đồng, doanh thu bán vốn chiếm gần một nửa còn lại là 4.491 tỷ đồng và doanh thu tài chính chỉ đạt 1.025 tỷ đồng với “ghi chú” là “trong điều kiện mặt bằng lãi suất giảm, Tổng công ty đã chủ động cơ cấu hợp lý kỳ hạn các khoản tiền gửi”. Với lợi nhuận sau thuế 7.677 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2014, SCIC tự nhận “tiếp tục đủ điều kiện xếp loại doanh nghiệp A năm 2015”.
“Mấy năm nay SCIC đầu tư vào mấy DN sản xuất nhưng không quan trọng. Tôi nhớ khi trao đổi với anh Cung (Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung – PV) có nói ý quan trọng là phải chuyển vốn Nhà nước sang đầu tư kết cấu hạ tầng nhưng tôi thấy SCIC chưa góp vào hạ tầng bao nhiêu. Tại những hội thảo mấy năm nay về cải cách DN Nhà nước, một số địa phương nêu ý kiến cho rằng, quản lý của SCIC không phải là hạn chế mà không minh bạch hoặc là có tiêu cực, vậy có không?”, chuyên gia Lưu Bích Hồ đặt câu hỏi. Từ chối trả trực tiếp vào câu hỏi với lý do không phải nội dung bàn tại hội thảo, Phó tổng giám đốc SCIC Nguyễn Hồng Hiển chỉ thông tin nhiệm vụ SCIC là bảo toàn vốn nhà nước tại DN, đảm bảo vốn này không thất thoát, chỉ tăng lên, lợi nhuận có được nộp lại cho Nhà nước để đầu tư lại cho các ngành Nhà nước quan tâm.
Ông Lưu Bích Hồ kiến nghị cần sớm có một mô hình hoàn thiện, chuyên nghiệp và có năng lực hơn SCIC quản lý vốn Nhà nước “để thay đổi cách làm, thay đổi thể chế, cơ chế làm việc theo hướng tích cực hơn chứ không phải như vừa qua vì với quyền hạn, vị thế của SCIC tôi không nghĩ có thể làm được hơn”.