Vì sao ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động?
- Thứ tư - 28/12/2016 13:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lãi suất huy động lại chạy đua
Nhân viên một ngân hàng thương mại quốc doanh, phòng giao dịch khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, những ngày qua, nhiều khách hàng của chị đã rút sổ tiết kiệm khi đáo hạn. Chị gặng hỏi thì được biết, những khách hàng này rút tiền sang gửi ở một ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ có lãi suất cao hơn, ngoài ra còn kèm theo các hình tức quà tặng, rút thăm trúng thưởng… “Một số ngân hàng tăng lãi suất huy động đã hút mất khách hàng của tôi”, chị than thở và lo lắng có thể bị ảnh hưởng tới chỉ tiêu kinh doanh.
Khảo sát của Báo Giao thông cho thấy, từ đầu tháng 12 tới nay, mặt bằng lãi suất huy động đang nhích lên. Gần nhất, ngày 23/12, người gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được hưởng thêm từ 0,1-0,3%/năm. Đơn cử như ở kỳ hạn 2 tháng, lãi suất tiền gửi tăng từ 4,9% lên 5%/năm; Kỳ hạn 6-11 tháng cũng tăng từ 5,9% lên 6%/năm. Với các tài khoản mở trực tuyến được hưởng lãi suất từ 4,9-5,95 với kỳ hạn 1-11 tháng. Lãi suất cao nhất tại đây là 7,1%/năm cho tài khoản mở trực tuyến với kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.
Nhiều ngân hàng đã tham gia cuộc ”chạy đua” huy động vốn cuối năm - Ảnh: Lã Anh
Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng tăng lãi suất huy động thêm 0,3-0,4%/năm cho các kỳ hạn từ 1-13 tháng: Kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,9% lên 5,2%; Kỳ hạn 12 và 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,9%/năm. Khách hàng gửi tiền từ 100 triệu đồng trở lên còn được cộng thêm 0,1%/năm, mở tài khoản trực tuyến cũng được cộng thêm khoảng 0,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất tại đây là 8%/năm áp dụng cho khách hàng gửi trực tuyến với kỳ hạn 36 tháng và gửi trên 5 tỷ đồng. Hàng loạt ngân hàng khác như: TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), TMCP Kỹ Thương (Techcombank), TMCP Tiền Phong (TPBank)… trung tuần tháng này cũng tăng thêm 0,1–0,4%/năm cho các khoản tiền gửi ở một số kỳ hạn…
Các ngân hàng đang cạn tiền?
Theo báo cáo tài chính quý III/2016, một số ngân hàng trong quý này và 9 tháng đầu năm đã mạnh tay cho vay để tăng thu lợi nhuận. Điển hình như Vietinbank, theo báo cáo tài chính quý III/2016 hợp nhất, ngân hàng huy động đến ngày 30/9 là 625.486 tỷ đồng thì cho vay 625.406 tỷ đồng. Như vậy, Vietinbank huy động một đồng thì cho vay một đồng. Mạnh tay hơn, VPBank đến ngày 30/9 huy động 126.527 tỷ đồng nhưng cho vay tới 129.946 tỷ đồng.
Số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội cũng thể hiện, trong tháng 12, các ngân hàng trên địa bàn đã huy động được 1.689 tỷ đồng thì cho vay 1.463 tỷ đồng. Và tính chung cả năm, các ngân hàng trên địa bàn đã cho vay tới 16.113 nghìn tỷ đồng trong tổng số 18.333 nghìn tỷ đồng huy động được. Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 11/2016 đạt 15,8% trong khi tăng trưởng huy động chỉ 15,2%. Như vậy, hiện “túi tiền” các ngân hàng không còn dư dả.
Lãi suất “vay nóng” giữa các ngân hàng tăng mạnh Theo thống kê, từ đầu tháng 12 tới nay, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm đã tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong vòng 3 quý. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,81% lên 3,85%/năm; Kỳ hạn 1 tuần tăng 0,76% lên 3,94%/năm; Kỳ hạn 2 tuần tăng 0,7% lên 4,12%/năm. |
Ở khía cạnh khác, có một điểm rất đáng chú ý là sau 7 tháng thị trường mở đã hoạt động trở lại. Kể từ đầu tháng 12 tới nay, NHNN đã phải liên tục “bơm” tiền qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) trong ba tuần liên tiếp. Lần cuối cùng NHNN phát hành thành công tín phiếu để hút tiền về là cuối tháng 11, song cơ quan này chỉ bán được duy nhất tín phiếu kỳ hạn 14 ngày với giá trị 100 tỷ đồng. Đây là mức thấp kỷ lục trong năm nay. Trong khi đó, lượng tín phiếu đáo hạn là 1.150 tỷ đồng. Như vậy, NHNN đã bơm ròng 1.050 tỷ đồng ra thị trường qua kênh này.
Đến ngày 9/12, NHNN tiếp tục “bơm” ra thị trường 2.489,8 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày và 3.000 tỷ đồng loại kỳ hạn 14 ngày cùng với lượng vốn tín phiếu đáo hạn 15.299,8 tỷ đồng. Đến giữa tháng, thêm một lượng vốn 35.078 tỷ đồng tiếp tục được “bơm” ra thị trường qua OMO. Theo nhận định của khối phân tích, tư vấn và đầu tư, Công ty Chứng khoán Bảo Việt, “diễn biến trên cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong thời điểm hiện tại đã không còn dư thừa nhiều như trong quý III vừa qua”.
“Một số ngân hàng tăng lãi suất những ngày qua để đáp ứng yếu tố mùa vụ khi cuối năm nhu cầu vốn tăng cao”, TS. Cấn Văn Lực cho biết, khi trao đổi với PV Báo Giao thông. Bên cạnh đó, theo ông Lực, các ngân hàng tăng huy động vốn để từ ngày 1/1/2017 đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về 50% từ mức 60% hiện nay.