Tự quyết giá xăng dầu, doanh nghiệp thao túng giá?
- Thứ sáu - 23/02/2018 16:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nghị định số 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, trong đó có sửa đổi các quy định trong lĩnh vực xăng dầu theo hướng bãi bỏ nhiều điều kiện đối với thương nhân kinh doanh. Song, lại bỏ ngỏ nhiều quy định được cho là bất cập và bất lợi với người tiêu dùng.
Người tiêu dùng vẫn bất lợi
Điểm đáng lưu ý là Bộ Công Thương cho phép doanh nghiệp (DN) được tăng giá trong giới hạn cho phép. Theo đó, DN được tự tăng giá bán lẻ trong phạm vi 3% so với giá cơ sở liền kề và chỉ cần gửi văn bản thông báo đền cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh.
Trường hợp giá tăng vượt 3%-7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, DN phải gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định. Còn nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, liên bộ Công Thương - Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Theo lãnh đạo một DN đầu mối, dù được tăng giá xăng dầu trong biên độ cho phép song khả năng DN sử dụng quyền của mình trong điều hành thực tế là gần như không có. "Lâu nay, nhà nước điều hành giá theo phương thức công bố giá cơ sở và đưa ra mức trần tăng giá cũng như mức sàn giảm giá, chúng tôi điều hành trong khung cho phép đó nên dù có hàng chục đầu mối nhưng cũng chỉ có một giá xăng dầu . Chúng tôi không thể và không dám tự tăng giá dù cho chi phí thực tế của DN khiến giá tăng cao hơn 3% bởi như vậy sẽ không bán được hàng nhưng cũng không tự nguyện giảm giá nếu không có chỉ đạo điều hành" - lãnh đạo DN này giãi bày.
Việc doanh nghiệp được quyền tăng giá xăng dầu trong giới hạn 3% được cho là không mang lại lợi ích gì cho người tiêu dùng Ảnh: Hoàng Triều
Một chuyên gia phân tích: Thị trường xăng dầu tuy tồn tại hàng chục đầu mối nhưng chỉ có một DN thường xuyên chi phối trên dưới một nửa thị trường nên không có tính cạnh tranh. Khi trao quyền cho DN được tự quyết giá trong phạm vi 3%, dễ có hiện tượng thương nhân nhỏ nhìn và làm theo "ông lớn", từ đó vô tình hoặc cố ý dẫn đến việc nhóm DN bắt tay với nhau để điều chỉnh giá. Trong tình huống nhà nước tiếp tục nắm quyền điều hành giá thì lại càng thể hiện tính độc quyền. Như thế, dù kịch bản điều hành thực tế như thế nào thì người tiêu dùng vẫn bị bất lợi.
Cần tiếp tục "đại phẫu"
Dù được "tiếng" là cắt giảm, sửa đổi nhiều nội dung trong Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu nhưng theo các chuyên gia, thực tế các quy định được cắt bỏ lại không thật sự thiết thực với người tiêu dùng. Chẳng hạn, bãi bỏ điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải có địa điểm phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bãi bỏ một số điều về điều kiện sản xuất xăng dầu và nhiều quy định khác. Như thế, cũng có thể hiểu thị trường xăng dầu có thể có sự tham gia của nhiều thương nhân hơn, từ đó tăng tính cạnh tranh và người tiêu dùng được hưởng lợi. Tuy nhiên, những tác động này không đến nhanh và không trực tiếp.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, vẫn cần phải tiếp tục xem xét những điều kiện về cầu cảng, dung tích kho chứa, hệ thống phân phối, quy hoạch cây xăng… để bảo đảm sự bình đẳng, cạnh tranh. "Với những điều kiện không bắt buộc phải có cũng như không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng hay trái quy định pháp luật thì không cần thiết phải quy định mà nên để DN tự quyết định. Như thế, mới có thể khuyến khích DN tham gia thị trường và người tiêu dùng có lợi" - ông Doanh nói.
Trong khi đó, những yếu tố ảnh hưởng trực diện đến giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như lợi nhuận định mức, chi phí định mức, quỹ bình ổn giá… thì vẫn tồn tại "trơ trơ", mặc cho nhiều ý kiến góp ý nên cắt bỏ vì lợi ích người tiêu dùng. Chưa kể, quy định thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp vẫn được giữ nguyên tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá và tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long góp ý nên thu hẹp chu kỳ điều hành giá lại, đồng thời cân nhắc bỏ quỹ bình ổn giá để đưa xăng dầu lại gần hơn với diễn biến thị trường.
Sẽ sửa toàn diện Nghị định 83 Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết sau đợt cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh xăng dầu này, bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi toàn diện Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, lấy ý kiến góp ý của DN về việc giữ hay bỏ quỹ bình ổn giá, rút ngắn chu kỳ điều hành giá. |