Truy xuất nguồn gốc thịt gặp khó ở chợ
- Thứ sáu - 17/03/2017 09:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP HCM chính thức được công bố từ ngày 16-12-2016. Sau 3 tháng triển khai, nhiều vướng mắc đã phát sinh, trong đó có những vấn đề ngoài thẩm quyền giải quyết của TP.
Nơi xông xáo, nơi thờ ơ
Chiều 16-3, trả lời câu hỏi của một số đại biểu đoàn giám sát HĐND TP HCM về việc thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương, cho biết tính đến nay, đã có 713 trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Thuận… đăng ký tham gia.
Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP HCM sau 3 tháng triển khai đã nảy sinh nhiều vướng mắc, nhất là tại các kênh phân phối truyền thống Ảnh: TẤN THẠNH
Cụ thể, 56 trang trại đã thực hiện kích hoạt khai báo thông tin về truy xuất nguồn gốc với khoảng hơn 5.300 con heo có thông tin truy xuất nguồn gốc tại trang trại, chiếm khoảng 50% lượng heo tiêu thụ trên toàn địa bàn. Có 24 cơ sở giết mổ ở TP HCM và các tỉnh đã đăng ký tham gia đề án. 349 cơ sở kinh doanh thuộc hệ thống phân phối tại TP đã tham gia chương trình, vận hành hệ thống khá tốt. Ngoài ra, 150 gian hàng kinh doanh thịt heo Vissan tại 24 chợ truyền thống cũng đã đăng ký tham gia.
Tuy nhiên, việc triển khai đề án tại các chợ còn gặp rất nhiều khó khăn do số lượng đối tượng tham gia hoạt động chăn nuôi, thu mua, giết mổ, phân phối thịt heo rất đông đảo, đa số là hộ gia đình, tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ hoặc thương lái không đăng ký kinh doanh và có thói quen mua bán tự phát… Tại chợ đầu mối, ban quản lý đề án trước mắt phải áp dụng giải pháp thông qua thương lái thực hiện đeo vòng nhận diện để làm cầu nối hướng dẫn các hộ chăn nuôi đăng ký tham gia đề án. Tại chợ lẻ, lực lượng của Công ty Vissan được sử dụng làm nòng cốt để tiểu thương và người tiêu dùng làm quen với quy trình truy xuất nguồn gốc.
Lý giải những khó khăn này, Sở Công Thương cho rằng tại hệ thống phân phối truyền thống, số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các tỉnh, thành lân cận cung cấp thịt heo cho thị trường TP rất lớn. Đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đăng ký tham gia đề án và chưa có thói quen sử dụng, tiếp cận thiết bị công nghệ thông tin hiện đại nên việc thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn. Một số trang trại khu vực vùng sâu, vùng xa không có sóng điện thoại di động nên khó kết nối WiFi, 3G, không thực hiện kích hoạt truy xuất nguồn gốc được.
Bên cạnh đó, đề án cần có sự phối hợp, hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, chi cục thú y các tỉnh. Hiện các đơn vị này vẫn chưa tích cực phối hợp triển khai, dẫn đến tình trạng thông tin từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến vận chuyển về TP HCM không được kết nối, việc truy xuất nguồn gốc bị gián đoạn, gây hiểu lầm là việc thực hiện chỉ mang tính hình thức, lãng phí, không thiết thực. Cuối cùng, đề án chưa có quy định về xử phạt nên chưa có cơ sở xử lý vi phạm.
Để bảo đảm tiến độ thực hiện đề án, Sở Công Thương đã kiến nghị UBND TP một số giải pháp hỗ trợ. Theo đó, kiến nghị Bộ Công Thương có văn bản gửi UBND các tỉnh phối hợp với Sở Công Thương TP thí điểm đề án. Song song đó, nghiên cứu, nhân rộng mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, làm cơ sở để tái cơ cấu hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ.
Thiếu giải pháp căn cơ cho chợ tự phát
Liên quan đến thực trạng chợ tự phát đang hoạt động mạnh tại nhiều địa phương, bao vây chợ truyền thống, ảnh hưởng đến an toàn trật tự đô thị, khó kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm…, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết UBND TP đã quan tâm chỉ đạo thực hiện dứt điểm việc giải tỏa chợ tự phát từ nhiều năm trước. UBND các quận - huyện được giao trách nhiệm theo dõi, giải quyết nhưng thực trạng chung là khi địa phương ra quân, tổ chức lực lượng đóng chốt, giải quyết ráo riết thì tạm dẹp được nhưng khi họ rút đi, chợ lại nhóm họp bình thường. Nguyên nhân một phần do người dân còn thói quen mua sắm ở lề đường thay vì gửi xe, đi bộ vào chợ để mua mớ rau, trái chanh…
“Chúng tôi đang tính tới phương án sẽ cho người dân chạy xe vào chợ mua hàng trong một số khung giờ nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Tôi nghĩ rằng với chợ tự phát, phải xử lý rốt ráo gốc rễ vấn đề chứ chỉ giải quyết phần ngọn sẽ lặp đi lặp lại tình trạng bắt cóc bỏ dĩa. Đa số người bán hàng ở chợ tự phát là phụ nữ lớn tuổi, ở nhà thuê và buôn bán kiếm sống, nếu không có phương án giải quyết việc làm cho họ thì rất khó giải quyết” - ông Phương nhìn nhận.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, ông Trần Vinh Nhung, cho rằng trong quản lý về an toàn thực phẩm, quan trọng nhất là phải thay đổi được tập quán kinh doanh và giải quyết vấn đề gian lận thương mại. Nếu không giải quyết được 2 khâu này thì mọi nỗ lực quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cần quảng bá nhiều hơn Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM, yêu cầu trước mắt Sở Công Thương cần phối hợp với các sở, ngành liên quan tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn nữa về các chương trình an toàn thực phẩm của TP như chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo, chuỗi thực phẩm an toàn… cho người dân biết. Hoạt động truy xuất nguồn gốc thịt heo còn nhiều khiếm khuyết, cần phải tiếp tục khắc phục và triển khai đến các mặt hàng thực phẩm khác. |