Tỉnh nào của TQ có nhiều tỉ phú thứ 2 trên thế giới ?
- Thứ tư - 28/09/2016 08:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hoa sen mọc ở Hồ Tây, Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc
Chiết Giang là “nơi sản xuất” 72 tỷ phú, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau California với 92 tỷ phú, theo dữ liệu độc quyền từ công ty Hurun Report.
Tại Chiết Giang, 32 tỷ phú sống ở thủ phủ Hàng Châu, nơi sự kiện G20 vừa được tổ chức. Con số này còn cao hơn thành phố Paris (30) và San Francisco (28).
Tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, sinh năm 1964 tại thành phố Hàng Châu
Jack Ma, doanh nhân giàu nhất sinh ra tại Hàng Châu chia sẻ với CNN: “Đó là do môi trường, văn hóa và lịch sử của Hàng Châu”, người sáng lập Alibaba nói tại trụ sở của công ty. Ông Ma thành lập Alibaba ở Hàng Châu vào năm 1999 và đến giờ vẫn đặt trụ sở tại đây.
Hàng Châu cách Thượng Hải 100 dặm về phía tây nam. Nơi đây là thủ đô của Trung Quốc trong triều đại Nam Tống, từ khoảng 1127-1276, và là một trung tâm phát triển kinh tế , chính trị và văn hóa lớn mạnh.
Nhờ có một địa danh thơ mộng được gọi là Hồ Tây, Hàng Châu thu hút rất nhiều học giả, nghệ sĩ, nhà thơ và nhà triết học. Do nằm ở đồng bằng sông Dương Tử, thành phố cũng trở thành một điểm giao thương thuận lợi trong nước và quốc tế.
"Thành phố đã đi đầu trong thời kỳ mở cửa ở Trung Quốc", tỉ phú Jack Ma, người sinh năm 1964 chia sẻ. "Vì Hàng Châu trở nên cởi mở, rất nhiều du khách nước ngoài đã đến đây, trong đó có rất nhiều người Mỹ. Tôi đặc biệt hưởng lợi từ điều đó”.
“Đó là do môi trường, văn hóa và lịch sử của Hàng Châu”, tỷ phú Jack Ma trả lời khi được hỏi tại sao Hàng Châu nhiều tỷ phú đến vậy
Hồi thiếu niên, ông Ma thường đi xe đạp đến Hồ Tây để luyện tập tiếng Anh. Điều này đã giúp ông phát triển những mối quan hệ lâu dài và học hỏi về văn hóa phương Tây từ rất sớm.
Khi cuộc cải cách kinh tế đầu tiên diễn ra ở Trung Quốc trong những năm 1980, Hàng Châu cũng như các thành phố của tỉnh Chiết Giang như Ninh Ba và Ôn Châu đã nhanh chóng “nhập cuộc” và xây dựng các công ty tư nhân, theo Chen Zongnian, Chủ tịch công ty Hikvision, một trong những nhà cung cấp camera giám sát lớn nhất thế giới có trụ sở tại Hàng Châu.
Thế hệ doanh nhân đầu tiên trong thời kỳ này xây dựng các doanh nghiệp dựa vào những người lao động không có tay nghề, sản xuất loại hàng hóa hàng ngày như giày dép và quần áo. Ông Chen nhận xét họ là những người "táo bạo" với quan điểm “sẽ thành công nếu luôn luôn cố gắng”, điều đã ảnh hưởng đến các thế hệ sau.
Nhóm doanh nghiệp thứ hai xuất hiện trong những năm cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, có nhiều kỹ năng công nghệ tốt hơn.
Jack Ma nói Hàng Châu đã giúp ông rất nhiều và ông sẽ luôn biết ơn thành phố này
Hiện đang có một làn sóng thứ ba với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dựa trên internet như nhà thông minh và trí tuệ nhân tạo.
"Họ có thể ở lại và xây dựng công ty ở đây vì Hàng Châu có nhiều mô hình kinh doanh trước đó để học hỏi, và tiếp cận nhiều nguồn vốn địa phương hơn", ông nói.
"Những người Chiết Giang luôn đi trước những doanh nhân khác ở Trung Quốc", Chủ tịch công ty Hurun Report, Rupert Hoogewerf nói với CNN. "Họ rất hợp tác và linh hoạt."
Mặc dù số người Chiết Giang chỉ chiếm khoảng 5% dân số Trung Quốc, nơi đây lại có khoảng 15% số người giàu nhất đất nước, theo Hoogewerf. Ông cũng tin rằng Chiết Giang sẽ tiếp tục có nhiều triệu phú và tỷ phú hơn, chủ yếu là nhờ Jack Ma.
"Ông Ma làm việc với rất nhiều đối tác ở Trung Quốc", Hoogewerf nói về các khoản đầu tư trên phạm vi rộng của tỷ phú. Trong sáu năm qua, Alibaba đã chi khoảng 30-40 tỉ USD trong hơn 100 thương vụ đầu tư và mua lại.
Tuy nhiên, Jack Ma lại khiêm tốn hơn rất nhiều.
"Tôi sẽ không nói Alibaba thành công đến mức đó", ông nói. "Hàng Châu đã giúp tôi rất nhiều. Tôi sẽ luôn biết ơn thành phố này."