Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Thầy đìa ở U Minh Hạ

Thầy đìa ở U Minh Hạ
Những cơn mưa cuối mùa vừa dứt, gió chướng se lạnh, nước trên đồng rút, người dân U Minh Hạ vào mùa chụp đìa “ăn tết” rộn ràng làng trên xóm dưới. Cá đồng tươi roi rói chế biến các món ăn tươi, làm khô đậm đà hương vị đồng quê. Cá đồng làm ra hơn chục món mắm cá khô cá bổi U Minh Hạ thơm ngon nức tiếng.

Thu hoạch cá đồng tự nhiên ở U Minh.

Chụp đìa

Dạo quanh làng quê các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình rất dễ nhận ra không khí lao động tất bật xen lẫn hồi hộp mùa chụp đìa. Ðối với bà con, mùa chụp đìa là mùa thu hoạch thứ 2 trong năm sau cây lúa.

Về quê Bác Ba Phi (Nguyễn Long Phi), ở xã Khánh Hải (Trần Văn Thời, Cà Mau) còn truyền miệng cách bắt cá đồng sáng tạo, phóng khoáng, thông minh. Chuyện kể rằng, thấy mấy thanh niên trai tráng phải tát nước ao đìa nhiều ngày, cạn nước mới được bắt cá, bác Ba Phi thả cái mùng ngủ xuống đìa, ghim 4 góc, cá ngộp, ngoi lên thở, quên chỗ chui xuống, kéo mùng lên mà sợ rách vì cá kẹt đầy mùng

Cách thu hoạch cá đồng bằng lưới chụp đìa, nhanh gọn, cá không dính bùn đất rất độc đáo. Lão nông Hai Tây (Nguyễn Văn Ðã), 97 tuổi, ở xã Trần Hợi (Trần Văn Thời) tâm đắc: “Chụp đìa là cách bắt cá đồng sáng tạo, không vất vả như tát nước trước đây. Vùng nào cũng có người chuyên chụp đìa mướn hoặc chụp đìa ăn chia cá với chủ nên thành danh Hai Lưới, Ba Lưới…”.

Ông Trịnh Nhựt Thăng (Mười Thăng), 60 tuổi, ở ấp Sào Lưới B, xã Khánh Bình Tây Bắc (Trần Văn Thời) kể: “Tôi làm mướn chụp đìa lúc 16 tuổi, rồi lớn lên, mua sắm 5-6 giàn lưới để chụp đìa mướn. Giáp Tết, sắp vào mùa mưa, phải chụp đìa ngày lẫn đêm. Thợ chụp đìa cực nhọc, ngâm mình dưới nước nhưng được ăn cá lóc nướng trui, mùi khen khét, rượu đế đưa hơi cảm thấy ấm lòng vô cùng”.

Chủ dọn sạch ao đìa, người chụp đìa mướn kéo từ đầu đến cuối, tách viền ra bên bờ đìa, dùng sậy hoặc trúc gim thưa. Ðợi khoảng 2 giờ, thợ chụp đìa men viền lưới gim dày hơn vào bờ để cá không chui trở xuống. Khoảng 1 giờ sau, gim viền lưới lên bờ đìa, dùng sào tre dài hơn 10 m hoặc bằng xuồng vắt ngang để dồn cá lại, xúc lên, chuyển vô nhà.

Ông Mười Thăng nói: “Lưới chụp từng đìa xưa rồi, bây giờ lưới chụp cá kênh mương dài vài cây số. Dùng lưới chặn tường đoạn, thu hoạch cá liên tục. Ðàn ông con trai khỏe mạnh gánh cá, chở cá. Ðàn bà con gái lựa cá, phân loại để bán hoặc phơi khô, làm mắm vui như hội từ sáng đến tối mịt”.

Thầy đìa Mười Thăng bật mí nghề coi đìa nước.

Thầy đìa

Ở U Minh Hạ, chuyện thầy đìa mới nghe qua như thần thoại. Ông Trịnh Nhựt Thăng (Mười Thăng) không ngần ngại cho mình là chủ đìa, thầy đìa, chụp đìa và mua bán cá đồng khá giả có tiếng. Ông Mười Thăng nói: “Ở đây, nhiều người mua đìa nước, phải nhờ người coi cá. Còn tôi, tự coi cá, tính toán, đấu thầu, thu hoạch luôn luôn có lời”.

Nhưng làm sao đón trúng sản lượng từng loại cá để tính giá cả mua đìa nước? Ông Mười Thăng bật mí: “Chẳng thần thánh, tài giỏi gì với “chim trời cá nước”. Chẳng qua, tôi học hỏi từ ông nội, cha tôi và kinh nghiệm từ nhỏ với đặc tính con cá đồng. Nhìn khẩu đìa, tôi nhận ra ngay đìa tức hay đìa êm với từng loại cá. Ví dụ như đìa cạn thường có nhiều loại cá đen là cá lóc, cá trê… Còn đìa sâu, có nhiều cá rô, cá bổi, cá thác lác…”

Bà Phạm Thị Bùi- vợ ông Mười Thăng chen vào câu chuyện làm ăn cá đồng của gia đình: “Làm nghề mua đìa nước, đấu thầu diện tích hàng trăm héc- ta của Nhà nước không phải dễ đâu. Anh Mười Thăng phải đi thâu đêm suốt sáng để rình cá”.

Sống ngay rốn cá đồng U Minh Hạ, ông Mười Thăng để ý nguồn cá con đầu mùa mưa, rồi khai thác tự nhiên suốt mùa mưa, mùa mưa dài sẽ có cá đồng nhiều hơn. “Vào ban đêm, tôi chọn chỗ êm, ngồi vài tiếng đồng hồ, lắng nghe tiếng cá ngớp, đớp mồi để biết từng loại cá. Rồi ban ngày, cũng chọn chỗ êm quan sát cá ngóp để ước lượng từng loại cá, tính toán giá cả, cộng lại mới quyết định mua đìa nước giá bao nhiêu”- ông Mười Thăng nói.

Ông Mười Thăng cho biết, mỗi năm, gia đình ông thu hoạch cá trong ao đìa gia đình, của bà con xung quanh và đấu thầu cá đồng Nông trường hàng trăm tấn. “Tôi dám đấu thầu, trúng thầu 350 triệu đồng để thu hoạch cá kinh xáng dài 5 km của Nông trường 402, luôn có lời là nhờ biết coi cá dưới nước, đưa ra giá đã thủ chắc phần lời”- ông Mười Thăng nói.

Nhấp nháp với món mắm sống của vợ ông Mười Thăng tự tay làm từ con cá đồng U Minh Hạ gần 1 năm với rượu đế, ông Mười Thăng ngâm nga mấy câu dân gian:

Người ta bắt cá trong đìa/Còn tui muốn bắt em dìa làm dâu/Em cười cái đó còn lâu/Chưa tròn mười sáu làm dâu nỗi gì…

Bà Phạm Thị Bùi- vợ ông Mười Thăng bưng ra món mắm lóc tiếp thêm mồi khoái khẩu cho chồng, đỏ mặt, cười rõ tươi: “Nông dân chớ giỏi lắm, lãng mạn lắm nên mới 19 tuổi đã lội đồng sang coi mắt tui mới 18 tuổi, chưa biết gì, về làm vợ thầy đìa”.

Ông Lê Thanh Triều, GÐ Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, theo quy hoạch phát triển cá đồng, đến năm 2020, đạt sản lượng ít nhất 40.000 tấn trở lên. Chúng tôi khuyến khích bà con vùng ngọt hóa U Minh Hạ gồm các huyện U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình duy trì nghề nuôi cá đồng.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây