"Thách thức lớn nhất là chịu thay đổi hay không"
- Thứ sáu - 13/01/2017 10:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
GS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, cho rằng năm 2016 kinh tế đã đạt được một số thành tựu chủ yếu nhờ vào nỗ lực của người dân và doanh nghiệp (DN). Nhưng ông Thái cho rằng cần phải có một cuộc đổi mới từ bên trong như yêu cầu của Thủ tướng là phải thay đổi tư duy phát triển. “Nếu không thay đổi tư duy thì khái niệm chính phủ kiến tạo không có nhiều ý nghĩa” - GS Thái nói.
Chuyên gia Võ Trí Thành nói rằng nói đến chính phủ kiến tạo là phải nói đến năng lực minh bạch, trách nhiệm giải trình của chính phủ ấy. “Thông điệp về cải cách và nỗ lực cải cách khiến Chính phủ bắt đầu xắn tay áo làm việc” - ông Thành nói và mong Chính phủ phải có tầm nhìn.
TS Trần Đình Cung: “Chủ động thay đổi hay phải chờ một sức ép đến tận cùng rồi mới thay đổi”. Ảnh: CHÂN LUẬN
Tiếp lời, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng chúng ta không ngại những thách thức đối với Việt Nam mà điều đáng lo ngại hơn là Việt Nam có dám và có muốn thay đổi không. “Thách thức nhất là chúng ta có muốn thay đổi hay không và chủ động thay đổi hay phải chờ một sức ép đến tận cùng rồi mới thay đổi” - ông Cung nói.
Ông Cung còn cho rằng các chuyên gia của Việt Nam vẫn cổ hủ, không thay đổi. “Khi tăng trưởng không đạt mục tiêu thì lý giải do nông nghiệp, khai khoáng không đạt. Năm nay khai khoáng đạt thì tăng trưởng cũng không đạt 6,7% như đề ra. Nhưng không ai lý giải rằng cách thức tăng trưởng của ta đã tới hạn phải thay đổi” - ông Cung phân tích.
Nói về chính phủ kiến tạo, ông Cung đề nghị Nhà nước phải như một DN, tất cả dịch vụ của Nhà nước phải là hàng hóa, người dân và DN phải là khách hàng. “Nhà nước phải cung cấp dịch vụ tốt nhất với giá rẻ nhất. Quản lý nhà nước phải đáp ứng nhu cầu phát triển. Nếu quan niệm như vậy thì sẽ tháo gỡ được rất nhiều thứ. Và những thách thức sẽ lại thành cơ hội” - ông Cung khẳng định.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng động lực và lực cản đối với kinh tế đều có. Nhưng ông Tuyển nhấn mạnh đến những lực cản: “Nguy cơ bất ổn vĩ mô mà rõ nhất là nợ công tăng lên, bội chi ngân sách lớn và nợ xấu chưa được giải quyết, đặc biệt nợ xấu ngân hàng”.
Ông Tuyển cũng nhấn mạnh đến nguy cơ xuất khẩu vẫn dựa vào đầu tư chứ không dựa vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và đặt ra yêu cầu đối mặt với tăng trưởng thấp trong ngắn hạn do tái cơ cấu.
Nói về quan hệ với Mỹ khi TTP có thể trục trặc, ông Tuyển cho rằng trong tương lai không xa Việt Nam sẽ là nước mà Mỹ quan tâm hơn. Điều đó đòi hỏi Việt Nam có thể tìm hiểu để thúc đẩy một hiệp định tự do thương mại song phương với Mỹ.