Taxi truyền thống “tố” Uber, Grab
- Thứ sáu - 24/02/2017 17:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tăng nhiều xe mới hơn cả taxi
Đây là các vấn đề được nêu ra tại Hội thảo “Đổi mới quản lý, hoạt động taxi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi của hành khách đi xe taxi” do Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tổ chức ngày 23/2.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM cho hay, khoảng 2 năm trở lại đây, Grab và Uber làm “dậy sóng” thị trường vận tải. Tại TPHCM, số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ (loại xe thường dùng để hoạt động Uber và Grab) tăng thêm 20.000 xe. Trong khi đó, số lượng xe taxi vẫn giữ nguyên khoảng 11.000 xe.
Theo ông Hỷ, điều này không diễn ra đúng với những thông điệp giảm ùn tắc giao thông nhờ tận dụng thời gian rỗi của xe hiện có mà Uber và Grab đưa ra mà còn gia tăng lượng xe mới rất lớn. Vị đại diện cho ngành taxi truyền thống này cho rằng: “Chính sự áp đảo này đã và đang nhanh chóng thu hẹp thị phần của taxi truyền thống, đẩy taxi truyền thống vào thế thua ngay trên sân nhà” – ông Hỷ nói.
“Uber đã phát triển tại 500 thành phố, 70 quốc gia mang lại nhiều tiện ích, giá rẻ. Chính vì thế, chúng ta cũng nên tạo điều kiện cho họ hoạt động, không tiếp cận theo hướng không quản được thì cấm. Chúng ta cần quản lý làm sao để người tiêu dùng được hưởng lợi. Taxi truyền thống hiện nay giá thành đắt vì phải chịu quá nhiều chi phí, cần có cách cải tiến để giảm giá thành”. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam |
Cũng theo ông Hỷ, các hãng taxi truyền thống đang phải chịu nhiều loại thuế, trong đó có 2 loại thuế cao là thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ áp thuế cho Uber và Grab theo thuế suất VAT 3% trên doanh thu được hưởng của các doanh nghiệp này, tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh.
Tại Hà Nội, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nhận định, điều kiện về kinh doanh đối với taxi ngặt nghèo, bao gồm: Bãi đỗ, giấy phép tần số, logo, bảng giá, đồng phục, đăng ký giá, hay vấn đề cấm đi vào một số tuyến vào giờ cao điểm… Trong khi, Grab và Uber ít chịu ràng buộc, đặc biệt là được tùy ý tăng số lượng xe. Các chủ hãng xe taxi truyền thống khác (như Mai Linh, Vinasun…) cho rằng, khi hoạt động dưới hình thức taxi họ phải tốn nhiều khoản chi phí như: Đăng kiểm với phí cao hơn, mua bảo hiểm hành khách, bảo hiểm thân vỏ xe cao hơn, chi tiền mua sảnh đón khách… còn Uber và Grab không chịu các khoản phí trên.
Nhiều tuyến đường tại Hà Nội cấm xe taxi nhưng Uber và Grab không bị cấm. Ảnh: Bảo An
“Vô hình chung, chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước lại nhằm hạn chế hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp taxi truyền thống trong khi buông lỏng quản lý với Grab và Uber”, ông Đỗ Quốc Bình nhận định.
Đề nghị khởi tố hình sự nếu trốn thuế
Ông Trương Đình Quý, Phó GĐ Cty cổ phần Anh Dương Việt Nam (thương hiệu taxi Vinasun), cho rằng, các chính sách quản lý hiện nay không những ưu ái cho Uber và Grab mà còn lỏng lẻo trong thu thuế.
Chẳng hạn, theo thông báo của Tổng cục thuế, số thuế phải thu của Uber trong hai năm 2014 và 2015 là 19 tỷ đồng. Trong khi, Vinasun chỉ với hơn 6.000 xe, từ năm 2014 đến 2016 đã phải nộp 692 tỷ đồng. “Thử hỏi, taxi truyền thống có thể giảm giá để cạnh tranh trên con số thất thu thuế khổng lồ như vậy hay không…”- ông Quý nói.
“Cần xem xét những hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà các đại diện taxi truyền thống đưa ra để có những chế tài điều chỉnh. Việc không quản được Uber và Grab chứng tỏ các chính sách đang bị thiếu, đi chậm”. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long |
Bà Cao Thị Thanh Lan, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài Chính) cho rằng, số thuế được nộp của Uber và Grab chỉ được tính trên phần doanh thu họ được hưởng (20% số tiền chi trả cho chuyến đi) nên so sánh như vậy là khập khiễng.
Tuy nhiên, vấn đề các đại biểu tại hội thảo quan tâm là liệu ngành Thuế đã thu được thuế của toàn bộ các xe Uber và Grab đang hoạt động hay chưa? Đại diện Tổng cục Thuế có mặt tại hội thảo lại cho biết đang nhờ các hiệp hội taxi Hà Nội và TPHCM cung cấp số lượng xe Uber và Grab hiện có.
Giám đốc hãng Taxi Thành Lợi (Hà Nội), ông Nguyễn Tuấn Anh . “Việc ngành thuế không biết có bao nhiêu xe chứng tỏ cơ quan nhận đăng ký kinh doanh cho xe Uber, Grab khi đăng ký đã quên không báo sang cho ngành Thuế. Chúng tôi không ngại thay đổi để cạnh tranh nhưng đề nghị các ngành thu đúng, thu đủ thuế của Uber và Grab” – ông Tuấn Anh nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam. Ông kiến nghị ngành Thuế cần tiến hành kiểm tra thuế Uber và Grab. “Nếu có dấu hiệu trốn thuế chúng tôi sẽ đề nghị xử lý hành chính, truy thu, thậm chí đề nghị xử lý hình sự” - ông Thanh nói.
Về quản lý Uber và Grab trên đường, dù các đại diện của Bộ GTVT cho rằng đang quản lý đúng theo quy định (cấp phép dưới dạng xe hợp đồng cỡ nhỏ) nhưng nhiều ý kiến cho rằng, dịch vụ này không khác gì taxi (cũng dùng xe cỡ nhỏ, thu tiền theo km) nên cần có nhứng biện pháp quản lý tương đồng.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ phù hiệu của Uber và Grab; dùng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình (đã gắn trên các xe này) để kiểm soát không cho đi vào các tuyến phố gây ùn tắc, bình đẳng như taxi truyền thống. Ông Nguyễn Văn Thanh đề nghị dù chưa tính đến việc đeo mào, đèn như taxi cho Uber và Grab vẫn phải có dấu hiệu nhận biết như phải dán lô gô ngoài thành xe để quản lý.