Tái cơ cấu và số phận
- Thứ tư - 04/01/2017 21:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 4/1, trong buổi họp báo về kết quả điều hành ngành ngân hàng năm 2016, có nhà báo hỏi Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng: Năm qua, dường như câu chuyện tái cơ cấu ngân hàng im ắng quá? Số phận 3 ngân hàng 0 đồng hiện ra sao, ngân hàng yếu kém với tin đồn về nợ xấu, sở hữu chéo thế nào?
Không nhiều người bên ngoài biết rằng, xây dựng Đề án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2 từ 2016-2020 là một trong những phần việc nặng nề mà NHNN, trong đó có nhiều cục, vụ và lãnh đạo NHNN phải trải qua.
Từ bên trong, đến giờ này, những người trực tiếp làm về tái cơ cấu ngân hàng phải nói là quá hiểu (thậm chí thuộc lòng) thực trạng từng ngân hàng 0 đồng hay vài ba ngân hàng yếu kém vẫn bị đồn về nợ xấu lớn khoản này, sở hữu chéo chỗ kia, tài sản hiện tốt hay xấu, còn hay mất.
Lần đầu đăng đàn trước công luận, Phó Chánh thanh tra phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, ông Nguyễn Hưng, thông tin ngắn gọn: Tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2 từ 2016- 2020 sẽ bắt đầu từ năm nay với việc xử lý rốt ráo những ngân hàng yếu kém. Ngoài 3 ngân hàng 0 đồng, sẽ có thêm hai ngân hàng cổ phần phía Nam vào tâm điểm.
Số phận những ngân hàng tái cơ cấu tới đây sẽ ra sao? Theo vị lãnh đạo cơ quan thanh tra này, đến nay, trên cơ sở tổng kết Đề án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011- 2015, NHNN nhận thấy, về cơ bản, mọi thứ đang đi đúng hướng và hợp lý; mô hình tổ chức tổ chức tín dụng đã được thu hẹp dần thông qua tổ chức sắp xếp tự nguyện; năng lực của các tổ chức tín dụng đặc biệt, những ngân hàng thương mại Nhà nước, đã được nâng lên một bước; các tổ chức tín dụng yếu kém đã được nhận diện cơ bản đã được xử lý.
“Với 3 ngân hàng 0 đồng và ngân hàng yếu kém, NHNN đã xây dựng đủ các phương án tái cơ cấu xử lý đi kèm phân tích ưu nhược điểm rất chi tiết và cụ thể trình lên Bộ Chính trị và Thường trực Chính phủ. Phương án nào khả thi tốt nhất sẽ được lựa chọn”, một lãnh đạo NHNN chia sẻ với Tiền Phong.
Ông khẳng định, Chính phủ và NHNN luôn ưu tiên đảm bảo quyền lợi của người dân, người gửi tiền và điều quan trọng nữa, sẽ tính sao tốt cho cả chính ngân hàng và hệ thống.
“Đánh chuột nhưng không để vỡ bình”, tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn tới dẫu muốn hay không sẽ cam go, và thử thách chẳng kém gì giai đoạn 1.
Cần tiền hay cần cơ chế, cho đổ vỡ hay tiếp tục bơm máu sống để cơ thể xấu xí, yếu ớt dần hồi phục? Bài toán hơn lúc nào hết đòi hỏi sự tỉnh táo và trách nhiệm cùng nỗ lực không chỉ của hệ thống ngân hàng mà cần rất nhiều cấp, ngành cùng vào cuộc.