Sương muối "giáng họa", người dân mất tiền tỷ từ cam bù
- Thứ năm - 16/02/2017 08:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tôi là người có sở thích ăn cam bù từ lúc thiếu thời, biết tính tôi nên gần Tết vợ tôi đã gọi điện về cho cậu em nhờ mua một yến cam bù và gửi theo xe ô tô xuống.
Gần Tết cũng là thời điểm cam bù bắt đầu chín, loại cam bù mà cậu em mua tại chợ Đình thuộc xã Sơn Thủy (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) vừa mới hái từ vườn ra, cuống lá còn tươi nguyên, quả còn mọng nước. Quả cam bù năm nay khác lạ hơn năm ngoái, quả nào cũng to, mỗi quả từ 0,3-0,7kg. Bình thường chỉ 2-3 quả/1kg, loại nhỏ nhất khoảng 5 quả/1kg. Những ngày mới vào vụ, giá cam bù dao động từ 50 - 60 nghìn đồng/kg.
Năm nay, nhìn vườn cam nhà nhà đều chi chít quả nên tôi cứ đinh ninh năm nay cam bù được mùa, chắc chắn dân Hương Sơn sẽ thu tiền tỷ từ cam.
Trang trại cam bù lớn nhất ở "thủ phủ cam bù" thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Tuy nhiên, mấy hôm nay có dịp về Hương Sơn để thăm cô bác, họ hàng ở quê. Vừa về tới đầu làng đã nghe bà con than phiền nhiều vì năm nay phải đổ đi hàng tấn cam bù chỉ vì… sương muối.
Tìm hiểu tôi được biết, năm nay khi cam bù đang vào độ chín, không may gặp phải đợt sương muối kéo dài cả tuần lễ, nên cây cam bù nào cũng bị sương muối "tận diệt". Đau nhất là các ông chủ trang trại ở các xã Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Hồng, Sơn Tây, Sơn Lĩnh... doanh thu từ cam bù ước mất khoảng từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng.
Nhiều gia đình trồng cam may mắn đã kịp bán tháo cho khách ở chợ với giá "bọt bèo" khi quả bắt đầu chính, nhưng có những gia đình, cả vườn cam quả xanh còn nằm lủng lẳng trên cành chưa kịp bán, chỉ sau một đêm đã đồng loạt rụng xuống tơi tả đầy vườn.
Khảo sát tại khu cư dân ở Đập Kẹm (xã Sơn Thủy) để tham khảo tình hình lại càng đau xót hơn cho bà con.
Khác với mọi năm, năm nay vườn cam bù của nhà ông Đoàn Văn Thưởng bị thất thu lớn nên sắc mặt ông Thưởng kém vui. Khi dẫn tôi ra thăm trang trại cam bù, ông Thưởng kể: “Trang trại cam của gia đình tôi trồng gần 1000 gốc, trong đó 2/3 số cam trồng trên diện tích 2ha đã thu hoạch, trong đó có những cây đã thu hoach được 5 vụ, có cây mới 3 vụ. Cam nhà tôi có thương hiệu nhất chợ Đình, bởi quả vừa to, vừa ngon, ngọt”.
Được biết, ông Thưởng là người biết quy hoạch vườn cam rất khoa học. Mặt khác đất khu đồi của gia đình ông lại rất thích ứng cho việc sinh trưởng của cây. Qua 5 năm lập trang trại trồng cam bù, sau khi trừ chi phí, gia đình ông mỗi năm thu lãi từ 150 triệu - 200 triệu đồng. Riêng năm 2013, là năm gia đình ông Thưởng thắng đậm nhất, thu được từ cam bù hơn 400 triệu đồng.
Cam bù bán đầy chợ Phố Châu nhưng vắng khách mua
“Năm nay, thấy cam bù đậu quả chi chít và vẫn tròn vẫn đẹp như mọi năm, tôi đang khấp khởi mừng thầm. Nào ngờ, từ tháng 11 đến tháng 12/2016, trang trại cam bù liên tiếp bị hai đợt sương muối giáng xuống. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm triệu đồng đã đội nói ra đi”, ông Thưởng chua xót nói.
Cũng theo lời ông Thưởng thì, sương muối thường gây độc hại cho cây, nếu cây lá bị ngấm sương muối nhiều đều bị khô héo. “Tôi không ngờ cam bù nhà tôi đổ mất gần một 1 tấn quả, thiệt hại đến hàng trăm triệu. Cứ mỗi sáng ra thăm vườn nhìn cam bù rụng lăn lốc từ gốc này sang gốc khác, ai mà không sốt ruột", ông Thưởng than thở.
Không tin vào mắt mình, tôi đã vặt 1 quả bóc ăn thử, ai ngờ vừa bóc ra đã có bốn múi cam bị hỏng. Nếu để sang ngày hôm sau thì quả cam bị thối rữa hơn nửa quả.
Thảo nào ở nhà tôi, một yến cam bù mua về gần như hỏng hết. Tôi nhìn 10 quả, thì cả 10 quả đều bị "thâm vỏ", bóc ra đều hỏng cả mười. Trong số đó có những quả đã bị mốc xanh.
Rời vườn ông Thưởng, tôi tiếp tục tới khu vườn cam của gia đình anh Trần Đình Cẩm, cách nhà ông Thưởng 2 ngọn đồi. Khu vườn anh Cẩm có diện tích trồng cam bù gần 1,2 ha, hiện tại anh Cẩm đã trồng được hơn 500 gốc cam bù, trong đó 125 cây đã cho thu hoạch. Năm 2014, gia đình anh Cẩm "bán sỉ" cam bù tại gốc cho khách ở Thành phố Vinh (Nghệ An) đến mua, anh lãi được 23 triệu đồng. Năm 2015, vườn cam anh Cẩm mang về cho gia đình anh khoảng 35 triệu đồng.
“Năm nay khách mua cam bù vắng bóng hẳn, vợ tôi mang ra chợ Đình bán nhưng bị "ế nhăn", anh Cẩm cho biết.
Qua tìm hiểu tôi được biết, không riêng gì những chủ hộ trồng cam bù ở Sơn Thủy bị tai họa do sương muối, mà ở xã Sơn Mai, nơi được gọi là "thủ phủ cam bù" lớn nhất huyện Hương Sơn, vì ở đây có nhiều chủ trang trại nhờ trồng cam bù nên thu được tiền tỷ mỗi năm rất nổi danh.
Như trang trại Tâm Linh quy hoạch trồng cam bù hơn 7 ha, doanh thu từ cam bù của ông chủ trạng trại này mỗi năm từ 2 - 3 tỷ đồng, năm cao nhất doanh thu lên tới 4 tỷ đồng.
Thế nhưng năm nay, theo như người dân địa phương Sơn Mai cho biết, ở xã Sơn Mai, người nào trồng nhiều cam đều gần như mất trắng. Hầu như cây cam nào cũng bị sương muối phá hỏng mặc dù dân đã cố gắng đủ mọi cách, thậm chí đưa ra chợ bán “bán non” nhưng cũng rất ít khách mua.
Cuối chiều rằm tháng Giêng mới đây, tôi đã phóng xe máy dạo tới 4 khu chợ: chợ Đình, chợ ngã ba Nầm, chợ Rạp, chợ Phố Châu, đều thấy cam bù được bày bán kín đường, ở tất cả các quán. Mặc dù người bán hết sức chiều khách, nhưng giá cam bù đã rớt xuống thê thảm.
Chị Nguyễn Thị Bình, một người bán cam tại chợ ngã ba Nầm cho biết: "Tôi mua 3 yến cam tại một gia đình có trang trại ở Sơn Mai với giá 20 nghìn đồng/kg để bán phục vụ khách về thăm quê và ngày rằm này. Mặc dù tôi bán cho khách với giá rất mền, khoảng 25000 đồng/kg, nhưng có rất ít người mua".
Tôi nhẩm tính, toàn huyện Hương Sơn có khoảng 750 ha diện tích trồng cam bù, với hàng ngàn hộ dân trồng cam bù từ miền Hạ tới miền Thượng, thì con số thất thu do "đại họa sương muối" phải lên tới hàng chục tỷ đồng.