Steve Jobs đã hồi sinh Apple như thế nào?
- Thứ tư - 04/01/2017 06:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đã từng có một khoảng thời gian, Apple bị coi là thảm họa, công ty điêu đứng và thay hết CEO này tới CEO khác. Cuối năm 1996, Apple đã công bố kế hoạch đưa người đồng sáng lập Steve Jobs quay trở lại sau 11 năm rời công ty bằng cách mua lại NeXT (Công ty của Jobs sau khi ông bị sa thải) với giá 429 triệu USD. Hành động này vừa kịp thời gian để Jobs có thể đứng chung sân khấu với CEO Apple lúc bấy giờ, ông Gil Amelio, với vai trò là diễn giả chính, trong sự kiện dành cho những người yêu thích Mac có tên Macworld Expo vào tháng 1 năm 1997.
Thời điểm đó, NeXT của Steve Jobs đã có chỗ đứng trong thị trường bán máy tính đồ họa chuyên sâu với màn hình tiên tiến dành cho các trường đại học và ngân hàng . Apple hi vọng rằng, Jobs sẽ khôi phục việc sản xuất Mac, sau khi cổ phiếu của công ty đi xuống thấp nhất trong vòng 12 năm dưới sự lãnh đạo của Amelio và đang bị mất uy tín trầm trọng.
Steve Jobs thời điểm quay trở lại Apple
Tháng 4 năm 1997, Jobs đã thuyết phục được hội đồng quản trị của Apple sa thải Amelio và để ông làm CEO tạm thời. Tháng 8 năm 1997, Steve Jobs đứng trên bục phát biểu của sự kiện Macword Expo để thông báo rằng Apple đã nhận 150 triệu USD tiền đầu tư từ chính “đối thủ” Microsoft. Trong sự la ó của các khán giả, Jobs nói: “Chúng tôi cần và có thể nhận sự giúp đỡ từ mọi nguồn”.
Thực tế, năm 1997, tình hình tài chính của Apple rất tệ, tới mức CEO đồng thời là người sáng lập hãng Dell, ông Micheal Dell, một trong những đối tác lớn nhất của Microsoft, phải thốt lên, nếu ông là Jobs, ông đã “đóng cửa công ty và trả tiền lại cho các cổ đông”.
Jobs công bố đã nhận 150 triệu USD đầu tư từ Microsoft
Thế nhưng, đầu năm 1998, tại hội trợ triển lãm Macworld ở San Francisco, Jobs đã kết thúc bài phát biểu của mình với một thông báo “One More Thing” (còn một điều nữa): nhờ các sản phẩm của Jobs và sự trợ giúp của Microsoft, Apple cuối cùng cũng thu được lợi nhuận.
Cũng trong năm 1998, Jobs đã thuê Tim Cook để phụ trách việc mở rộng quy mô của Apple trên toàn thế giới. Cook đã trụ lại với công ty và hiện tại đã trở thành CEO Apple. Trong thời điểm đó, Jobs còn là CEO của Pixar Studio sau khi đầu tư vào hãng này 10 triệu USD năm 1986. Thậm chí, ông còn là giám đốc sản xuất bộ phim hoạt hình nổi tiếng “Toy Story” ra mắt năm 1995.
Tim Cook được thuê để để phụ trách việc mở rộng quy mô của Apple trên toàn thế giới.
Bên cạnh hướng đi đúng đắn, Jobs còn thay đổi rất nhiều thứ trong văn hóa công ty của Apple. Dưới sự lãnh đạo của ông, căng tin công ty luôn “đầy ắp” đồ ăn bổ dưỡng và ông cũng ra quy định không được mang thú cưng tới văn phòng. Jobs muốn nhân viên hướng mọi sự tập trung vào công việc.
Tháng 8 năm 1998, gần đúng 1 năm sau khi Microsoft đầu tư vào Apple, hãng này đã cho ra mắt iMac, một sản phẩm “all-in-one” có hiệu suất cao, được tạo ra bởi chính Steve Jobs và nhà thiết kế Jonathan Ive.
iMac với nhiều màu sắc nổi bật
iMac có màu sắc khá nổi bật, và đây cũng chính là lần đầu tiên cả thế giới được chiêm ngưỡng những thiết kế máy tính tinh tế của Ive. Những chiếc iMac đã thực sự tạo ra một bước đột phá cần thiết cho Apple khi chỉ trong tháng đầu tiên đã tiêu thụ được hơn 800.000 chiếc.
Jobs từng có ý định đặt tên cho chiếc máy tính mới này là MacMan. Tuy nhiên, Ken Segall, giám đốc Marketing của Apple thời điểm đó đã đề nghị đặt tên là iMac. Chữ “i” đứng đầu được hiểu là “internet” vì nó chỉ cần 2 bước để kết nối với các trang web, nhưng Apple còn cho biết nó có nghĩa là “individuality” (cá nhân) và “innovation” (đổi mới).
iBook
Kể từ iMac, Apple đã có truyền thống đặt chữ “i” trước tên các sản phẩm sau này. Năm 1999, Apple cho ra mắt iBook, một sản phẩm tái hiện lại thành công của iMac trong hình dạng máy tính xách tay.
Tuy nhiên, bước tiến thực sự ấn tượng của Apple là vào năm 2001, khi Mac OS X được ra đời. Khác với các phiên bản Mac OS 8 và 9 trước đó, Mac OS X đã có cải tiến vượt bậc về giao diện, sử dụng công nghệ Unix và BSD của máy tính NeXT.
Từ đây, Apple phát triển nhanh chóng mặt và liên tiếp gặt hái thành công. Năm 2001, Apple cũng mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Virginia và California.
iPod ra mắt
Tháng 10 cùng năm đó, Apple của Steve Jobs đã quyết định mở rộng sang các lĩnh vực khác ngoài Mac, đó chính là iPod, một máy nghe nhạc kĩ thuật số có thể chứa “1000 bài hát và nằm gọn trong túi của bạn”. iPod có một khởi đầu không mấy lạc quan bởi vì giá thành khá đắt, lên tới 399 USD/chiếc và cũng chỉ tương thích với máy tính Mac mà thôi.
iTunes Store Music
Năm 2003, Apple cho ra mắt iTunes Music Store, với mô hình mới, giá cả phải chăng, chỉ 0,99 USD/bài hát, với mục đích biến iPod thành trung tâm truyền thông kỹ thuật số đa phương tiện. Cùng thời điểm này, cả iTunes và iPod đều hỗ trợ người dùng Windows, tạo thành bước nhảy vọt trong lĩnh vực máy nghe nhạc của Apple.
Tuy nhiên, cũng trong năm 2003, Jobs nhận được hung tin khiến việc ăn mừng thành công của Apple không thể trọn vẹn: ông bị ung thư tuyến tụy. Ông đã giữ bí mật này cho tới năm 2004 mới chia sẻ với nhân viên trong công ty.
Steve Jobs phát hiện ra bệnh ung thư năm 2003
Dưới sự dẫn dắt của Jobs, chỉ trong 6 năm, từ một công ty bị cho là “trò cười trong làng công nghệ”, Apple đã có những bước tiến lớn, trở thành đối thủ đáng gờm của nhiều công ty khác. Từ năm 2003 đến năm 2006, giá mỗi cổ phiếu của Apple đã tăng từ 6 USD lên 80 USD. Apple vẫn thua Microsoft về thị phần nhưng số tiền kiếm được lại vượt trội. Apple cũng thường mời những người nổi tiếng như U2 và John Mayer đến các buổi quảng bá sản phẩm của mình để tăng hiệu quả truyền thông.
Các ngôi sao được mời đến trong sự kiện quảng bá sản phẩm mới của Apple
Qua nhiều năm, Apple luôn muốn mở rộng chuyên môn để tạo ra một sản phẩm với màn hình cảm ứng hoàn toàn khác biệt. Năm 2004, Jobs đã lập “Dự án Purple” dưới sự giám sát của mình và do Ive phụ trách để phát triển một thiết bị màn hình cảm ứng. Mới đầu, Jobs hình dung nó như một tấm bảng lớn nhưng sau này, nó lại trở thành một chiếc điện thoại di động.
Việc bán iPod bắt đầu chững lại. Đến năm 2005, đã có thêm iPod, iPod Mini, iPad Nano và iPod Shuffle nhằm giảm dần kích thước. Cùng năm đó, sản phẩm iPod mới có khả năng xem video, mua phim và bài hát trên iTunes cũng được Apple tung ra thị trường.
Năm 2005, Motorola đã ra mắt ROKR, chiếc điện thoai di động hợp tác sản xuất cùng Apple. Đây là dòng điện thoại đầu tiên trên thế giới có thể nghe và tải nhạc từ iTunes Music Store. Tuy nhiên, bộ nhớ của nó đã được giới hạn và chỉ có thể lưu được 100 bài hát.
Năm 2006, lần đầu tiên người dùng có thể cài Windows trên dòng máy Mac.
Năm 2006, Jobs đã ra có một bước đi đúng đắn để “cứu lấy” dòng máy Mac. Cựu CEO John Sculley đã để Apple dùng các bộ xử lý PowerPC đắt tiền, trong khi các nhà sản xuất PC lớn của Windows đều dùng chip Intel. Điều này có nghĩa là Mac vừa đắt vừa gặp khó khăn trong việc phát triển phần mềm. Tuy vậy, năm 2006, Jobs đã cho ra mắt MacBook Pro cùng một iMac mới, cả hai đều đi kèm với bộ xử lý Intel. Và đây là lần đầu tiên người dùng có thể cài Windows trên dòng máy Mac.
Tiếp nối sự phát triển mạnh mẽ, năm 2006 cũng là năm Apple mở thêm một cửa hàng bán lẻ ở Manhattan. Thiết kế như một chiếc hộp kính trong suốt độc đáo, nơi đây còn trở thành một điểm tham quan yêu thích của New York. Cùng lúc này, sức khỏe của Jobs có nhiều dấu hiệu giảm sút rõ rệt. Ông gầy đi trông thấy khi ra mắt công chúng trong sự kiện của Apple cuối năm đó.
Jobs gầy đi trông thấy
Năm 2006 cũng đánh dấu một chiến thắng cho cá nhân Steve Jobs, ông đã gửi một email cho từng nhân viên Apple, trong đó có nói: “Các bạn ạ, Michael Dell không giỏi dự đoán tương lai như ông ta tưởng. Dựa trên thị trường chứng khoán hiện nay, Apple có giá trị cao hơn cả Dell. Chứng khoán hay thay đổi thất thường, nay thế này, mai đã thành thế khác, nhưng tôi nghĩ rằng tại thời điểm này, nó đã phản ánh đúng thực lực của công ty chúng ta”.
Sự kiện ra mắt iPhone
Sau một thời gian dài ấp ủ, Jobs đã chính thức giới thiệu về iPhone trong sự kiện Macworld Expo diễn ra vào tháng 1 năm 2007. Nó kết hợp giữa các tính năng nghe nhạc của iPod với một màn hình cảm ứng nhanh nhạy, không cần tới sự trợ giúp của bút cảm ứng như các loại điện thoại khác thời bấy giờ. Và Safari là trình duyệt web đầu tiên có đầy đủ tình năng trên điện thoại.
Các phương tiện truyền thông thích thú gọi iPhone là “Chiếc điện thoại của Chúa Giê-su” còn các fan công nghệ thì xếp hàng dài, thậm chí cắm trại trước cửa Apple Store để mua những chiếc iPhone đầu tiên.
iPhone đã trở thành một siêu phẩm khi tiêu thụ được 1 triệu máy chỉ trong vòng 74 ngày kể từ khi ra mắt.
Trong năm 2008, Apple đã phát hành bản cập nhật đầu tiên của iPhone: iPhone 3GS. Phiên bản mới này không những có tốc độ truy cập mạng nhanh hơn mà còn cho phép người dùng cài đặt các phần mềm của những nhà phát triển khác thông qua App Store. Khi phát hành, App Store đã có sẵn 500 ứng dụng.
Nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng John Doer đã công bố lập quỹ 100 triệu USD cho các nhà phát triển ứng dụng, mở ra khởi đầu của một kỷ nguyên ứng dụng và đây chính là mốc đánh dấu Apple đã vượt xa Microsoft.
Tim Cook luôn đồng hành cùng Jobs
Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm sức khỏe của Jobs “xuống cấp” nghiêm trọng. Năm 2009, Tim Cook được đề cử làm CEO tạm thời của Apple trong lúc Jobs chữa bệnh. Ngay cả khi Jobs quay lại với công việc, Cook vẫn thường xuyên làm diễn giả trong các sự kiện của Apple.
Cho tới năm 2010, Jobs mới cho ra mắt chiếc máy tính bảng Apple iPad, thứ ông đã ấp ủ từ những năm 2000. iPhone và iPad khi đó vô tình đã khơi mào cho một cuộc tranh đấu về tiêu chuẩn Internet. Jobs cho rằng Adobe Flash, một tiêu chuẩn của nội dung web lúc bấy giờ, đã quá chậm chạm và không an toàn, vì thế, các thiết bị di động của Apple không hỗ trợ nó nữa. Nhận ra mối đe dọa cho doanh nghiệp, Adobe đã đăng tin quảng cáo lên các tạp chí nhằm mong Apple xem xét lại, tuy nhiên việc này không có kết quả gì.
Jobs trong buổi thuyết trình cuối cùng
Đầu năm 2011, trước khi bước vào điều trị lần cuối, Jobs vẫn có 2 bài thuyết trình về sản phẩm, một vào tháng 3 khi ra mắt iPad 2 và một vào tháng 6 khi ra mắt iCloud.
Jobs thôi chức CEO vào ngày 24/8/2011, “lui” về giữ chức Chủ tịch Apple sau khi căn bệnh trở nặng. Không lâu sau đó, ngày 5/11/2011, Jobs ra đi mãi mãi và ông đã cống hiến cho Apple tới những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.