Quản lý cho vay tiêu dùng kiểu Mỹ
- Chủ nhật - 14/08/2016 15:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngay cả những thị trường già cỗi như Mỹ, người tiêu dùng (NTD) vẫn không thoát khỏi hệ lụy của tài chính và vay tiêu dùng. Sắp tới đây, thị trường tại Việt Nam có thể cũng chịu những hệ lụy như vậy.
Bảo vệ người tiêu dùng chuyên về tài chính là cần thiết
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD TP.HCM, |
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD TP.HCM, cho biết vài năm trước từng có trường hợp dân cùng một xã kéo đến hội phản ánh việc cho vay tiêu dùng. Những người này đều vay tiêu dùng trả góp từ một công ty nước ngoài, sau đó mới biết lãi suất cắt cổ. Họ không trả nợ thì có nhiều người gọi điện thoại hăm he, nghe rất giang hồ. Những người dân này rất lo sợ, không dám kêu với ai, phản ánh với ai vì họ sợ bị nhóm người đòi nợ trả thù.
Bà Thu cũng khẳng định hai năm gần đây các vụ phản ánh về vay tiêu dùng đã giảm mạnh, không như lúc trước. Tuy nhiên, còn rất nhiều thứ liên quan đến tài chính như tài khoản ngân hàng, phí các loại liên quan đến tài khoản ngân hàng hay phát hành thẻ tín dụng, thẻ ATM trong ví mà tự dưng bị rút tiền; hoặc không mua sắm gì mà bỗng dưng bị tính tiền trong tài khoản tín dụng... “Nhưng các vụ việc về tài khoản ngân hàng, nhất là tiền trong tài khoản, cách thu phí, tính phí, hack tài khoản,... là vấn đề cần phải quan tâm và bảo vệ NTD hơn nữa vì ngày càng nhiều tranh chấp xảy ra trong lĩnh vực này, phức tạp, công nghệ cao, NTD không rành rẽ, ngân hàng nắm đằng cán, rất bất lợi cho NTD”.
“Cơ hội cuối cùng”
Cuối tháng 7, một bà mẹ đơn thân viết thư đến Cơ quan Bảo vệ tài chính cho NTD của Mỹ (Consumer Financial Protection Bureau - CFPB), kể rằng bà đã nghe quảng cáo bảo lãnh cho vay trên radio và quyết định mua một chiếc xe trả góp. Trả nợ được vài tháng thì công việc khó khăn, bị mất nhà trong cuộc khủng hoảng nhà đất, phải đi thuê nhà. Bà không thể trả kịp nợ hằng tháng cho chiếc xe. “Tôi biết rõ khoản nợ của mình nhưng không có khả năng trả nợ”.
Một người khác than phiền với CFPB hồi tháng 7 rằng phải trả lãi suất 30% cho khoản vay mua xe. Người này cho rằng đã trả đủ tiền, số tiền đó đã vượt cả giá trị xe luôn rồi và muốn ngừng trả tiền. “Lãi suất cắt cổ, thật không công bằng với khách hàng” - người này nêu ý kiến.
Rất nhiều khiếu nại liên quan đến hành vi thu hồi nợ trái pháp luật. Một người phản ánh với CFPB rằng đã bị gọi điện thoại đòi nợ với lời lẽ thô tục và đầy đe dọa. Ngạc nhiên và bức xúc là “người đòi nợ đã gọi đúng vào số điện thoại cá nhân hạn chế, số này chỉ có người thân trong gia đình và trường học của con gái mới biết được” - người này viết khiếu nại.
Các khiếu nại về thu hồi nợ ở Mỹ rất đa dạng. Các công ty cho vay đã dùng những cách trái pháp luật để đòi nợ, từ “dội bom” điện thoại hàng chục cuộc mỗi ngày, gọi vào ban đêm, lăng mạ, đe dọa để đòi nợ. Thậm chí các công ty này còn đe dọa bỏ tù người vay, đe dọa kiện ra tòa. Độc chiêu hơn là liên lạc với công ty hoặc sếp của người vay, gửi thông tin cho người thân, bạn bè, người quen nào đó của người vay để... báo nợ.
Cũng có thể thấy rằng NTD cũng đã quá quen với việc phản ánh, khiếu nại đến CFPB. Không dễ gì “bắt nạt” khách hàng. Đầu tháng 8, một người khiếu nại kể rằng có vay tiền mua xe và có trễ hạn nộp tiền. Công ty tài chính có gửi một thư nhắc nợ. Tuy nhiên, trong thư này có kèm một dòng viết tay bằng mực xanh “cơ hội cuối cùng”. Vị khách trên khiếu nại, cho rằng cụm từ này khiến anh ta cảm thấy bị đe dọa.
Người dân đợi làm thủ tục lãnh tiền vay tiêu dùng tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Những khoản nợ bất ngờ
Bị dọa giết không phải là hiếm. Có không ít ca khiếu nại gần đây với CFPB phản ánh rằng họ bị dọa giết nếu không kịp trả nợ. Thậm chí cuối tháng 7, một người khiếu nại rằng họ nhận nhiều cuộc điện thoại dọa giết nếu không trả 530 USD ngay lập tức. Đáng nói là người này cho rằng mình không nợ, chỉ là đã bị đánh cắp và nhầm lẫn thông tin. Sau giải quyết khiếu nại, vụ việc kết thúc và người này không phải trả một đồng nào.
Ở Mỹ, một phần lớn khiếu nại xảy ra vì không mắc nợ mà tự dưng bị đòi nợ. Nợ đã trả rồi mà vẫn bị đòi, nợ đã được xóa vì phá sản nhưng vẫn bị đòi miết, nợ không phải của mình mà cũng bị đòi và nạn đánh cắp thông tin tín dụng.
Người thì báo rằng có tài khoản ngân hàng được mở dưới tên mình, trùng số an sinh xã hội, mà mình không hề đăng ký. Người thì được xóa nợ từ vài năm trước do phá sản, nay vay khoản mới thì bị gộp nợ cũ lẫn nợ mới. Người thì bỗng dưng nhận thông báo đòi nợ cho một khoản tiền cách đây 3-4 năm. Người thì khóa tài khoản rồi, bỗng dưng tài khoản được khôi phục mà không được phép của mình...
Tranh chấp phát sinh từ thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam chưa nhiều và chưa đa dạng. Các khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh chủ yếu về việc đòi nợ dồn dập và mang tính đe dọa hoặc khiếu nại vì tư vấn chào mời lãi suất thấp nhưng thực tế tính tiền vay với lãi suất cao. Con số khiếu nại về tín dụng tiêu dùng chưa được Cục công bố cụ thể mặc dù Cục có khuyến cáo rằng “nhiều”. Các nội dung khiếu nại, tên công ty bị khiếu nại và cách thức xử lý cũng chưa được công khai để NTD theo dõi.
Trong khi đó, trong vòng 12 tháng gần đây, CFPB nhận gần 280.000 khiếu nại của NTD về vay tài chính. Một con số cực lớn. Cơ quan này thiết lập hệ thống phản ánh khiếu nại trực tuyến. Các nội dung cá nhân được mã hóa nhưng nội dung câu chuyện và tên công ty bị khiếu nại được nêu khá rõ ràng để người khác có thể tham khảo mà rút kinh nghiệm. Các công ty tài chính cũng phải trả lời đúng hạn, vì hệ thống này cũng đánh giá cả “thiện chí” giải quyết khiếu nại của các công ty tài chính, công ty đòi nợ thuê.
65% hợp đồng không đạt chuẩn! Rất đáng lo ngại khi mà hợp đồng mẫu do các công ty cho vay gửi đến Cục Quản lý cạnh tranh đã không được cục này chấp nhận vì không đạt chuẩn bảo vệ quyền lợi NTD. Theo thống kê của Cục, trong nửa năm 2016, có khoảng 590 hồ sơ về phát hành thẻ ghi nợ, vay tiêu dùng gửi đến Cục để đăng ký hợp đồng theo mẫu. Trong số đó, 380 hồ sơ không được chấp nhận, chiếm khoảng 65%. Cục chỉ mới chấp nhận khoảng 100 hồ sơ. Cục cũng đã đưa ra một số lưu ý về nội dung hợp đồng. Cụ thể, hợp đồng không thể ghi chung chung là “lãi suất sẽ được bên cho vay điều chỉnh và thông báo cho bên vay”. Cục lưu ý phải ghi kèm nguyên tắc điều chỉnh lãi suất, ví dụ “lãi suất được thay đổi định kỳ x tháng, theo công thức lãi suất cơ sở cộng biên độ y%...”, nếu muốn thay đổi lãi suất thì phải rơi vào trường hợp có thay đổi chính sách quản lý nhà nước... Tuy nhiên, trong khá nhiều hợp đồng mẫu của các công ty tài chính, các công ty này vẫn thỏa thuận “Các bên thống nhất rằng đến kỳ điều chỉnh lãi suất, bên ngân hàng sẽ tự động thực hiện việc điều chỉnh theo đúng các thỏa thuận nêu trên và không phải thông báo cho bên vay”. TS Phan Thế Công, khoa Kinh tế và Luật - ĐH Thương mại Hà Nội, cho rằng việc yêu cầu đăng ký hợp đồng mẫu là cần thiết. Tuy nhiên, chế tài chưa đủ mạnh để bắt buộc các công ty tài chính đăng ký hợp đồng mẫu. Chỉ phạt 100-200 triệu đồng nếu không đăng ký. Cho nên không đăng ký mà bị phạt thì vẫn lợi hơn, nên không sợ! Thực tế, trên website của Cục Quản lý cạnh tranh chỉ mới có 10 đơn vị có hợp đồng mẫu để NTD tra cứu, như Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đăng ký hợp đồng mẫu lại cũng có nhiều rắc rối. Ông Trần Dũng, Giám đốc pháp chế Ngân hàng TMCP Sài Gòn, phản ánh rằng đăng ký hợp đồng mẫu cho Cục nhưng bị trả lại mà không nêu rõ lý do hay cách khắc phục. “Chúng tôi yêu cầu Cục nói rõ tại sao không cho quy định như thế và phải sửa thì sửa thế nào?”. Đã thế, cứ bắt buộc rằng ngân hàng chỉ được cho khách vay để “tiêu dùng”. Chúng tôi cho khách hàng vay, người ta mua xe, mua nhà nhưng khách mua để tiêu dùng hay để đầu cơ thì làm sao chúng tôi khẳng định được! |