Nỗi lo ngành tơ tằm phụ thuộc nước ngoài
- Thứ hai - 12/02/2018 15:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bảo Lộc từng là “thủ phủ” DTT của Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng rong ruổi khắp các xã, phường như Đam Bri, Đại Lào, Lộc Phát, Lộc Châu..., ai nấy đều hẫng hụt bởi nhiều vườn dâu đã biến mất. Cách đây hơn hai thập niên, ngang qua những vùng này, không khỏi choáng ngợp trước cảnh nương dâu bạt ngàn phủ xanh các sườn đồi và tràn ra đến tận đường cái. Còn bây giờ, ruộng dân chỉ còn những mảng miếng nhỏ, xen giữa các cây trồng khác.
“Thời hoàng kim, vào khoảng những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cả nước có tới 38.000 ha dâu, trong đó Lâm Đồng trồng nhiều nhất với 17.850 ha. Đến những năm cuối của thập niên này và đầu những năm 2000, tơ lụa trên thị trường thế giới rớt giá thê thảm, chỉ còn một nửa. Ngành DTT Việt Nam bước vào thời kỳ khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng, chỉ còn chưa đến chục ngàn héc ta”, ông Nguyễn Tiến Dũng, người gắn bó với DTT Bảo Lộc 26 năm qua nói.
Liên tục đảm nhiệm các chức vụ giám đốc hoặc phó tổng giám đốc ở một số công ty DTT tại Bảo Lộc, am hiểu về ngành DTT đến tận “chân tơ kẽ tóc”, ông Dũng phân tích: Thời hoàng kim, “thủ phủ” DTT có trên 3.000 ha dâu. Đến khi suy thoái, người người quay lưng với cây dâu con tằm thì diện tích dâu có lúc chỉ còn khoảng 100ha. Cả chục doanh nghiệp Nhà nước rơi vào tình trạng phá sản, ngừng hoạt động hoặc giải thể. Nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng phải thu hẹp quy mô, sản xuất cầm chừng hoặc chuyển sang các ngành nghề khác. Hàng vạn lao động phải khăn gói về quê ở các tỉnh phía Bắc hoặc tha phương kiếm sống.
Ngành dâu tằm tơ đang dần hồi phục trở lại.
Hụt hơi với giá kén
“Đầu năm 2006, giá kén tăng trở lại. Nhiều người muốn quay về với cây dâu, con tằm nhưng lực bất tòng tâm. Do đó, hơn mười năm qua chỉ phục hồi gần 240ha dâu, nâng tổng diện tích dâu của thành phố lên khoảng 340 ha, bằng 1/9 so với thời hoàng kim”, ông Dũng cho biết. Về nguyên nhân của tình trạng trên, nhiều chuyên gia DTT cho rằng các vườn dâu nhanh chóng bị thay thế bởi trà và cà phê, những loại cây có vòng đời mấy chục năm nên rất khó đảo ngược tình thế. Tại Bảo Lộc, dâu tằm không bị xóa sổ bởi trà và cà phê là may lắm rồi!
“Láng giềng chuyên trồng trà, cà phê và thường xuyên bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu khiến vườn dâu của gia đình tôi bị ngấm thuốc. Ăn phải loại lá dâu này thì tằm lăn ra chết hàng loạt. Bởi thế dẫu quá nửa cuộc đời nặng nợ với dâu tằm nhưng tôi nào dám đánh cược tất cả với cây dâu. Cứ phải trồng nhiều loại cây và chọn khoảnh vườn cách xa thửa đất của hàng xóm để trồng dâu”, cụ Nguyễn Văn Năm (thôn 7, xã Đạm Ri) tâm tư.
Chủ tịch Hiệp hội DTT Việt Nam Đặng Vĩnh Thọ nói, Lâm Đồng có tới 40 dãy ươm tơ tự động trong số 41 dãy của cả nước và đang lắp thêm 10 dãy nữa nhưng chỉ có 5.000 ha dâu (cả nước 8.000 ha). Nếu nông dân đầu tư thâm canh cây dâu tốt, năng suất đạt 30 tấn/ha và nuôi tằm không bị hỏng thì lượng kén thu về cũng không đủ đáp ứng công suất máy ươm tơ. Do đó xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp làm thị trường không ổn định và đã có một số doanh nghiệp rơi vào khó khăn, phá sản. Mặt khác, mỗi năm chúng ta phải nhập khẩu hàng ngàn tấn tơ từ Trung Quốc, Brazil để làm gia công cho Công ty Matsumura xuất khẩu qua các nước Pháp, Ý, Ấn Độ, Nhật Bản…
Ông Phạm Phú Bình, Giám đốc Công ty tơ tằm Phú Cường (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) trăn trở: Thương nhân Trung Quốc núp bóng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhà máy ươm tơ rồi tranh mua nguyên liệu với giá cao chót vót: giá trị thực chỉ khoảng 140.000-150.000 đồng/kg kén nhưng họ nâng lên đến 170.000-180.000 đồng/kg. Ông kiến nghị khi cấp giấy phép cho các doanh nghiệp đầu tư máy móc thì phải xem xét phương án phát triển vùng nguyên liệu của họ để tạo sự cân đối giữa trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa.
Hai năm nay, năng lực chế biến tơ tằm tăng gấp ba lần, trong khi đó, sản lượng kén chỉ đáp ứng chưa tới 50% công suất của các nhà máy ở Lâm Đồng. Việc tranh mua tranh bán có lúc đã đẩy giá kén lên mức kỷ lục: hơn 190.000 đồng/kg. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội DTT Việt Nam Nguyễn Văn không khỏi băn khoăn: Nếu kéo dài tình trạng này thì sẽ… “đứt” hơi và không biết ngành DTT sẽ đi về đâu? “Ngay từ bây giờ nếu không có chiến lược phát triển bài bản thì trong 10 - 15 năm tới, chúng ta sẽ không có nguyên liệu để sản xuất”, ông Đặng Vĩnh Thọ bày tỏ nỗi lo lắng.
Đa số trứng giống tằm đều nhập lậu
Theo ông Thọ, khâu quan trọng bậc nhất trong chuỗi sản xuất tằm tơ là cung ứng trứng giống cho các hộ nuôi tằm. Chất lượng trứng không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả lứa tằm, làm giảm năng suất cũng như chất lượng kén. Thế nhưng khâu này đang bị bỏ ngỏ. Hiện Lâm Đồng và một số tỉnh miền Bắc đều nuôi tằm lai lưỡng hệ nhưng lại không có nơi sản xuất giống tằm, gần như phải nhập toàn bộ từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, không kiểm dịch động-thực vật nên độ rủi ro cao.
Một chủ một cơ sở nuôi tằm con khác là ông Đỗ Văn Hùng cho hay từ nhiều năm nay không còn mua trứng tằm từ các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam nữa vì chất lượng không ổn định, nguy cơ rủi ro cao. Công nghệ tạo giống của Trung Quốc đã có từ lâu, Việt Nam chưa thể theo kịp. Từ việc tạo giống chưa tốt, dẫn tới chất lượng tơ cũng bị kém hơn hẳn so với tơ Trung Quốc.
“Trứng giống tằm đang là thách thức lớn, là vấn đề nan giải đối với ngành DTT nước ta. Vấn đề cấp thiết đặt ra là phải nhập cho được trứng giống tằm theo đường chính ngạch”, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc Lê Hoàng Phụng nói.
“Nút thắt quan trọng nhất hiện nay là trứng giống tằm. Nếu tháo gỡ được nút thắt này thì ngành DTT Việt Nam sẽ phát triển. Trước mắt, Hiệp hội đề nghị Bộ NN&PTNT và tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ việc nhập giống tằm cấp 2 từ Trung Quốc theo đường chính ngạch rồi tổ chức nuôi tằm con tập trung và cung cấp tằm giống cho nông dân. Về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách đẩy mạnh áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại trong khâu nuôi, tạo giống để giảm dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc, từ đó hạn chế những rủi ro” - ông Thọ kiến nghị.