Nợ phải trả của DNNN khoảng 1,5 triệu tỉ đồng
- Thứ hai - 24/10/2016 14:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vinalines dẫn đầu trong số DN lỗ vốn nhiều năm qua
Tổng tài sản của DNNN khoảng 3 triệu tỉ đồng
Theo báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015 của Chính phủ gửi các đại biểu quốc hội mới đây, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2015, cả nước có 652 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Trong đó, có 7 tập đoàn kinh tế , 76 tổng công ty nhà nước và 20 công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; 212 công ty TNHH MTV độc lập hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích; 337 công ty TNHH MTV độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại.
Báo cáo chỉ ra, tổng tài sản của các doanh nghiệp này rơi vào khoảng 3 triệu tỉ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2014. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 35% tổng tài sản. Trong đó khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có tổng tài sản trên 2,8 triệu tỉ đồng, chiếm 93% tổng tài sản; các công ty TNHH MTV độc lập còn lại chiếm 7% tổng tài sản.
Vốn chủ sở hữu khối doanh nghiệp này gần 1,4 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2014 (xét trong cùng số lượng 652 DNNN hiện có năm 2015). Trong đó, vốn nằm tại khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con trên 1,25 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2014, chiếm 91% tổng vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, dù được ưu đãi lớn nhưng hoạt động kinh doanh của các “ông lớn” này vẫn không mấy khởi sắc. Báo cáo chỉ ra, năm 2015, Vinalines vẫn giữ ngôi đầu bảng với lỗ lũy kế 3,3 nghìn tỉ đồng; Tổng công ty Lương thực miền Nam với hơn 1 nghìn tỉ đồng; Tổng công ty 15 - Bộ Quốc phòng lỗ 718,2 tỉ đồng; Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 399,3 tỉ đồng… Tổng cộng có 14 tập đoàn, tổng công ty lỗ lũy kế với số tiền là 6.165 tỉ đồng.
Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp đạt 161.431 tỉ đồng, giảm 11% so với thực hiện năm 2014. Khối 7 tập đoàn giảm mạnh 20% lợi nhuận trước thuế, đạt 101.435 tỉ đồng. Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của các DNNN chỉ còn 246.038 tỉ đồng, giảm 5% so với thực hiện 2014.
Huy động vốn quá mức khống chế
Báo cáo của Chính phủ cũng nhận định, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả lên đến 1,5 triệu tỉ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2014. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần.
Đồng thời, báo cáo chỉ rõ, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã huy động vốn lớn, vượt quá mức khống chế theo quy định (không quá 3 lần vốn chủ sở hữu) dễ dẫn đến mất khả năng thanh toán ảnh hưởng đến an toàn tài chính của doanh nghiệp.
Số nợ các DNNN vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng cũng là vấn đề nhức nhối được Chính phủ chỉ ra. Đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (134.014 tỉ đồng); Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (42.743 tỉ đồng); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (29.997 tỉ đồng); Tập đoàn Viettel (16.313 tỉ đồng); Vinalines (14.734 tỉ đồng)...
Nợ nước ngoài của các DNNN là 348.189 tỉ đồng. Trong đó chủ yếu là vay dài hạn với số tiền là gần 310.000 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vay vốn ODA của Chính phủ chiếm hơn 121.000 tỉ đồng; vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh (97.179 tỉ đồng); vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả là 62.035 tỉ đồng...
Báo cáo cũng chỉ ra, nợ khó đòi của các DNNN là 16.715 tỉ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2014, chiếm 4,9% tổng số nợ phải thu. Trong đó dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam với 6.787 tỉ đồng; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam 1.455 tỉ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội 972 tỉ đồng...
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm trừ trong kinh doanh, báo cáo của Chính phủ cũng đánh giá rằng, hầu hết các DNNN đã duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô thông qua hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và công tác chi nhằm thực hiện các chính sách an sinh xã hội của địa phương.