Nợ công, nợ Chính phủ có thể cao hơn dự kiến
- Thứ năm - 20/10/2016 21:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tình hình kinh tế , xã hội trước Quốc hội.
Dự báo tăng trưởng thấp hơn kế hoạch
Sáng 20/10, trình bày báo cáo tình hình kinh tế, xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 trong phiên khai mạc Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong thời gian qua, Chính phủ luôn đề cao phương châm lời nói đi đôi với hành động, rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm. Thực hiện các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời hơn các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Chính phủ cũng đã khẩn trương, chủ động chỉ đạo xử lý sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung; thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ sản xuất, đời sống, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngoài số gạo xuất cấp và tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, sau khi nhận được tiền bồi thường của Formosa, đã có phương án tổng thể và tạm ứng 3.000 tỷ đồng cho 4 tỉnh để chi trả cho người dân. Đồng thời chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong vụ việc này.
Về tăng trưởng GDP, theo báo cáo 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%). Dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể chỉ đạt 6,3- 6,5 % thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%).
Theo Thủ tướng, việc tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác, trong đó tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước; nợ công, nợ Chính phủ so với GDP có thể cao hơn dự kiến. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp; nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn.
Thực hiện khoán chi hành chính
Về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2017, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,7%; tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP không quá 3,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%.
Để thực hiện được mục tiêu trên, theo Thủ tướng sẽ thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính , ngân sách nhà nước. Tập trung chống thất thu, chuyển giá, mở rộng cơ sở thuế, giảm nợ đọng thuế. Triệt để tiết kiệm chi; gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ từng bước thực hiện khoán chi hành chính, đấu thầu, đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công. Cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư và giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi trả nợ. Phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước.
Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công; chú trọng kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, nhất là vay về cho vay lại, khắc phục tình trạng các khoản vay bị tăng chi phí do chậm tiến độ và hạn chế tối đa cấp bảo lãnh mới.
Hoàn thiện, đổi mới quy chế làm việc, phân công rõ nhiệm vụ, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tăng cường kỷ luật kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện chỉ đạo của cơ quan hành chính cấp trên và người đứng đầu cơ quan, đơn vị.