Những câu hỏi về vụ mất 26 tỷ trong tài khoản VPBank
- Thứ sáu - 26/08/2016 18:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sự việc bà Trần Thị Thanh Xuân - Giám đốc Công ty Quang Huân tố nhân viên Ngân hàng VPBank cùng kế toán công ty bà cấu kết rút tiền trong tài khoản công ty đang bị đan xéo giữa các luồng thông tin.
Sự mâu thuẫn giữa thông tin của các bên đang đặt rà nhiều câu hỏi nghi vấn.
Ai là người mở tài khoản?
Phủ nhận hoàn toàn những thông tin mà thông cáo báo chí của VPBank phát ra liên quan đến số tiền hơn 26 tỷ đồng bị “bốc hơi”, chủ tài khoản Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân - bà Trần Thị Thanh Xuân vẫn cho rằng, phải có sự “móc nối, câu kết” giữa ông Phạm Văn Trinh và một số nhân viên VPBank thì tài khoản của công ty mới “bốc hơi” được…
Có nhiều nghi vấn về tính hợp lệ của việc mở tài khoản thanh toán của công ty Quang Huân.Ảnh:Khánh Huyền. |
Tuy nhiên cả ba bên (bà Xuân, ông Trinh và ngân hàng) vẫn chưa có buổi đối chất trực tiếp nào mặc dù vấn đề này đã được đề cập đến.
Lý do được ngân hàng đưa ra là do bà Xuân không chịu hợp tác. Đây là câu hỏi đầu tiên mà nhiều người theo dõi vụ việc thắc mắc, bà Xuân cần thông tin rõ ràng nhưng lại tránh đối chất.
Không còn tranh cãi về chữ ký trên bộ hồ sơ mở tài khoản, theo biên bản làm việc giữa ông Trinh và ngân hàng từ tháng 11/2015, nay đã được gửi lên cơ quan điều tra PC 64, ông Trinh thừa nhận chữ ký trên bộ hồ sơ mở tài khoản cho Công ty Quang Huân tại VPBank là của mình.
Kể cả những lần rút tiền sau đó chữ ký cũng là của ông nhưng ông đoan chắc "không thể tùy tiện làm việc này mà chính bà Xuân nhờ ký thay".
Chia sẻ với Zing.vn, ông Trinh cho biết: “Tất cả các lần rút tiền đều do chỉ đạo của bà Xuân, dù tôi ký nhưng con dấu là do bà Xuân đóng vào chứng từ và tiền rút được giao lại cho bà Xuân. Mỗi lần đi rút tiền đều có nhân viên công ty Quang Huân cùng con bà Xuân.”
Tuy nhiên thông tin từ bà Xuân lại khẳng định không hề ủy quyền cho ông Phạm Văn Trinh mở tài khoản. Theo bà Xuân, nhân viên VPBank đã đưa giấy tờ đến tận công ty để làm thủ tục mở tài khoản. Nhân viên ngân hàng lấy lý do để quên con dấu nên mang hồ sơ của bà về nhà băng đóng dấu và hứa sau đó sẽ trả lại một bản. Cuối cùng, vị này chỉ thông báo cho bà số tài khoản mà không trả lại chứng từ.
Một thông tin ông Trinh tiết lộ khiến mọi chuyện trở nên phức tạp và đáng ngờ vực hơn. Trong lần thay đổi chữ ký vào tháng 7/2015 (sau khi đã có nghi ngờ việc mất tiền), ông Trinh là người ký vào phần "chữ ký cũ", trong khi bà Xuân trực tiếp ký vào phần "chữ ký mẫu đăng ký thay đổi" tại tờ khai của ngân hàng. Đây là hai thông tin mâu thuẫn trong việc hình thành nên tài khoản thanh toán của công ty Quang Huân.
Trong khi đó, ngân hàng VPBank khẳng định hàng loạt giao dịch rút-chuyển tiền từ tài khoản này các chứng từ chuyển khoản, rút tiền, mua séc… đều được thực hiện ký, đóng dấu bởi đại diện theo pháp luật của công ty Quang Huân với chữ ký, con dấu khớp với mẫu chữ ký, con dấu đã đăng ký khi mở tài khoản.
Tuy nhiên khi bà Xuân đòi hỏi được xem hồ sơ gốc thì ngân hàng không cung cấp vì cho rằng đó là nguyên tắc “bảo mật”. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về tính xác thực của tài khoản thanh toán này. Hồ sơ, chứng từ giao dịch liên quan việc mở tài khoản công ty Quang Huân với chủ tài khoản là bà Xuân có hợp lệ hay không? Và ai là người chính thức mở tài khoản thanh toán này?
Ai là người nhận tiền sau khi rút séc?
Tiền trong tài khoản của công ty Quang Huân bị bốc hơi thông qua việc mua séc. Trong đó, Đoàn Thị Thuý Hằng - nhân viên ngân hàng VPBank là người trực tiếp mở tài khoản cho công ty Quang Huân ký tên trên giấy đề nghị mua séc. Nhân viên này cũng là người ký nhận 2 quyển séc và giao lại cho đại diện công ty. Đây là lý do bà Xuân cho rằng Hằng cùng ông Trinh cấu kết giả mạo giấy tờ và rút tiền.
Chữ ký và chữ viết thật của Phạm Văn Trinh tại phòng công chứng trùng với chữ ký mang tên Giám đốc Trần Thị Thanh Xuân trong tờ séc. Ảnh:SGGP |
Ông Trinh giải thích: “Tôi có việc bận nên nhờ Hằng lấy séc và nhờ Hằng điền thông tin còn tôi chỉ đóng dấu và ký tên. Sau khi nhận séc, bà Xuân nhờ tôi ký trước chữ ký của chủ tài khoản vào tất cả 2 quyển séc”.
Việc để nhân viên ký nhận hộ quyển, Ngân hàng VPBank thừa nhận sai nhưng vấn đề tiền rút séc đó ai là người nhận? Bởi lẽ bà Hằng đã giao lại đầy đủ cho khách, cô cũng ký tên mình trên giấy nhận quyển séc. Bên cạnh đó, quyển séc chỉ có giá trị rút tiền khi có chữ ký của chủ tài khoản và con dấu đã đăng ký với ngân hàng.
Nhiều điểm "lạ"
Ngoài những thông tin xoay quanh việc xác định người mở tài khoản người rút tiền thì trong vụ việc này vẫn còn nhiều “điểm lạ”, như con số tiền bốc hơi thực sự là 11,3 tỷ hay 26 tỷ đồng? Dịch vụ SMS Banking có thực sự hoạt đông hay không khi ngân hàng cho rằng đã gửi tin nhắn thông báo biến động số dư và có lưu trên hệ thống thì bà Xuân lại cho rằng không nhận được các tin nhắn này.
Từ đây, đặt ra nghi vấn ngay từ đầu đã có chủ đích gian lận hồ sơ mở tài khoản công ty Quang Huân theo kiểu đăng kí “tên người một đằng, chữ ký một nẻo” (ở đây là chữ ký của kế toán Phạm Văn Trinh). Vậy VPBank đã thực hiện kiểm tra, xác minh ra sao để khẳng định hồ sơ mở tài khoản này là “đúng quy định pháp luật và ngân hàng”?
Với hình thức giao dịch chi séc được thực hiện tại ngân hàng, vậy bà Xuân có trực tiếp đến giao dịch, ký các lệnh chi rút – chuyển tiền hay không?
Những thông tin xung đột như vậy thì ai là nạn nhân trong ba chủ thể chủ tài khoản, ngân hàng, ông Trinh cùng những người liên quan? Nếu khách hàng cố tình dựng chuyện để trục lợi tiền của ngân hàng, thì hành vi ấy càng cần phải được làm rõ, và xử lý thích đáng. Đằng này ngân hàng lại im lặng, chờ cho khách hàng tự lên tiếng. Chỉ xét về thái độ phục vụ, quá khó để nói VPBank vô tư, khách quan, vô can trong vụ việc này, dù là với khách hàng, hay với chính ngân hàng này.
Những câu hỏi trên cũng phải chờ cơ quan công an vào cuộc và có kết luận cuối cùng.