Nhập khẩu ồ ạt, hàng nội lao đao
- Chủ nhật - 26/03/2017 13:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mỗi năm, Việt Nam bỏ ra một số tiền khổng lồ để nhập khẩu những thứ trong nước dư thừa hoặc có thể tự sản xuất được. Hậu quả là các nhà sản xuất trong nước lâm vào cảnh khó khăn, nông dân mãi khổ vì không tiêu thụ được sản phẩm.
Nhập siêu quay lại
Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp (DN) trong nước nhập siêu khoảng 3,5 tỉ USD . Đáng lưu ý, nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu lại có mức tăng trưởng tương đối cao. Cụ thể, nhóm hàng tiêu dùng, rau quả tăng tới 67,1%, phế liệu sắt thép tăng 153,7% và ô tô dưới 9 chỗ tăng 96,6%.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất khi chiếm 29,3% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Phân tích từ bảng thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy đến nửa đầu tháng 3-2017, ngoài các mặt hàng là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, các DN trong nước cũng nhập về lượng rau quả các loại trị giá 133 triệu USD, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc 28,8 triệu USD, chế phẩm thực phẩm các loại gần 70 triệu USD, chất thơm và mỹ phẩm 65,5 triệu USD.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết Việt Nam hiện nhập khẩu rau quả chủ yếu từ Trung Quốc, nhiều nhất là các loại cam, quýt, táo, lê… và một lượng trái cây cao cấp từ Úc, New Zealand. Thuế nhập khẩu phần lớn các mặt hàng trái cây đã về 0% từ năm 2015 với thị trường Trung Quốc và sẽ về 0% từ năm 2018 với thị trường Úc, New Zealand. Việc cam kết xóa bỏ thuế về 0% sẽ càng làm gia tăng kim ngạch nhập khẩu hàng rau quả, nhất là rau quả chất lượng không cao từ Trung Quốc.
Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều thị trường nhằm đa dạng hóa, không quá lệ thuộc vào một thị trường nhập khẩu. Thế nhưng, bên cạnh cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, hội nhập quốc tế, các DN nội địa cũng đối mặt áp lực cạnh tranh gay gắt trên sân nhà. Bằng chứng là từ sau khi tham gia FTA với các thị trường như Hàn Quốc, Nhật, Úc, New Zealand, Trung Quốc, Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực, tỉ trọng nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường này đã tăng rất nhanh. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, do cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với các nước trong khu vực này khá tương đồng và sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước thấp hơn nên mức tăng trưởng nhập khẩu có những thời điểm tăng cao hơn xuất khẩu, tình trạng nhập siêu từ một số thị trường như Hàn Quốc, Thái Lan… cũng tăng mạnh.
Các loại táo Mỹ được nhập về bán giá rất cao trong siêu thịẢnh: HOÀNG TRIỀU
Có cầu nên có cung!
Liên quan đến bê bối thịt bẩn từ Brazil, đến thời điểm hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức tạm ngưng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm từ 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil bị điều tra do nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Qua vụ việc trên cho thấy số lượng thịt ngoại nhập về Việt Nam từ các thị trường là không nhỏ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2016, Việt Nam nhập thịt và phụ phẩm dạng thịt từ Brazil khoảng 21.000 tấn, trị giá gần 25 triệu USD. Không chỉ nhập khẩu thịt các loại từ Brazil, từ đầu năm đến nay, cả nước nhập khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt từ các thị trường khác với tổng trị giá đến 65 triệu USD.Trong đó, nhiều nhất là Mỹ với hơn 20 triệu USD, tiếp theo là Ấn Độ, Úc, Brazil.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Việt Nam bỏ ra số tiền khổng lồ để nhập hàng hóa trong khi hàng sản xuất trong nước thì ngày càng teo tóp, thậm chí bị bỏ bê? Hàng loạt vụ giải cứu nông sản, trái cây Việt được cộng đồng và cả các cơ quan chức năng vào cuộc thực hiện trong vòng 2-3 năm trở lại đây, gần đây nhất là cuộc giải cứu chuối ở Đồng Nai và Tây Ninh. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng, đặc biệt là ở những đô thị lớn, sẵn sàng chi 500.000 đồng để mua 1 kg bưởi Mỹ, dưa hấu Mỹ, chi tiền triệu để mua nho Mỹ… trong khi trái cây cùng loại của Việt Nam giá rẻ hơn nhiều lại ế ẩm.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, chua xót cho hay nhiều người Việt Nam đang “nói không” với sầu riêng, mít, chuối trong nước vì có quá nhiều thông tin bất lợi cho những loại trái cây này. Người giàu thì ăn trái cây Mỹ, New Zealand, Úc, Hàn Quốc; khá thì ăn trái cây Thái, Malaysia; bình thường thì ăn trái cây Trung Quốc, Campuchia. Trong khi đó, sầu riêng, thanh long, mít, xoài, khoai, chuối… Việt Nam mang đi xuất khẩu rất được các thị trường nước ngoài ưa chuộng nhưng người tiêu dùng trong nước lại thờ ơ. Tâm lý người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng nội, sính ngoại, dễ dãi trong tiêu dùng và thiếu thông tin đã dẫn đến nhiều hệ lụy và thiệt thòi lớn cho nông sản Việt.
Mặt hàng thịt nhập khẩu, lượng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu tăng mạnh qua từng năm vì giá rẻ, dễ tiêu thụ. Càng rẻ càng dễ tiêu thụ thì càng nhập nhiều, sản xuất trong nước càng lao đao. Vướng mắc chính không thuộc về nông dân, không phải do các DN sản xuất mà đến từ chính sách vĩ mô. Theo các DN, chỉ khi nào bài toán quy hoạch chiến lược phát triển từng ngành được giải quyết rốt ráo với sự tham gia thực hiện, kiểm soát đồng bộ của các cơ quan liên quan thì mới hy vọng có sự chuyển hướng tích cực hơn.
Nghiêm khắc với chuẩn chất lượng Ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu sản phẩm nông sản tự nhiên lớn trên thế giới, sản phẩm được đánh giá cao nhưng người tiêu dùng lại tin dùng sản phẩm ngoại nhập. Việc khôi phục niềm tin cho người tiêu dùng không dễ, kiểm soát chất lượng hàng hóa nông sản của Việt Nam tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng khó khăn nhưng có thể làm được. Trong quy trình kiểm soát này, nhà phân phối đóng vai trò quan trọng. Nếu các kênh phân phối quyết liệt trong việc lựa chọn hàng hóa bán ra thị trường, nói không với sản phẩm chất lượng kém, không thân thiện với sức khỏe người tiêu dùng và chỉ chấp nhận bán những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn theo quy định nhà nước thì nhà sản xuất buộc phải tự điều chỉnh, sản xuất đúng mặt hàng đạt chuẩn để được tiêu thụ. |
Nâng sức cạnh tranh hàng Việt Hậu quả của việc nhập khẩu ồ ạt đã khá rõ ràng nhưng vấn đề quan trọng là giải pháp nào cho vấn đề này hầu như chưa có. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng xu thế toàn cầu hóa là tất yếu và Việt Nam tham gia hàng loạt FTA nhằm tạo cơ hội cho nền kinh tế hội nhập, DN vươn ra biển lớn. Có điều, khi ký kết các FTA thường sẽ giúp những nước phát huy thế mạnh của mình và hạn chế yếu kém (bằng cách áp dụng có lộ trình đối với các mặt hàng trong nước không cạnh tranh được) nhưng với Việt Nam, nhiều mặt hàng chưa thể cạnh tranh được ngay cả trên sân nhà về giá cả, chất lượng… nên bị thua trước hàng ngoại là dễ hiểu. Giải quyết vấn đề này cần vai trò của cơ quan quản lý để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu nhằm hỗ trợ hàng nội địa. Đặc biệt, gốc của vấn đề là nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt bằng năng suất, chất lượng thì không thể chỉ hô hào mà phải xuất phát từ các giải pháp cụ thể, hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đặt vấn đề ở góc độ người tiêu dùng trên tiêu chí về giá cả, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Xét về 3 yếu tố này thì đến nay, nhiều mặt hàng trong nước sản xuất vẫn chưa đáp ứng được để cạnh tranh. Do đó, sau khi các FTA được ký kết, hàng ngoại tràn vào và chúng ta mở cửa thị trường là tốt cho người tiêu dùng. Với hàng Việt, từ các loạt thịt, rau quả, trái cây… có một yếu tố là nông dân sản xuất giá thấp nhưng đến tay người tiêu dùng thì giá quá cao do phân phối chưa tốt. Thuế GTGT đầu vào từ giống, phân bón, thuốc trừ sâu… đều không được khấu trừ nên sức cạnh tranh của hàng nông nghiệp với sản phẩm ngoại cũng kém hơn. Để cạnh tranh với hàng ngoại lúc này, giải pháp là tạo điều kiện để hàng trong nước có giá thành thấp, chất lượng cạnh tranh. Tự bản thân DN không thể làm được điều này mà cần sự hỗ trợ bằng những giải pháp cụ thể của nhà nước. Phương Nhân |