Người Nhật đổ xô đi mua vàng và gửi ra nước ngoài
- Thứ năm - 11/08/2016 17:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Bullion Vault Ltd - một công ty lưu trữ và giao dịch trực tuyến, Nhật Bản là quốc gia có nợ công nặng nhất trong các nước phát triển.
Số người mua vàng tăng 62% trong 6 tháng đầu năm, Atsuko Sato Whitehouse, người đứng đầu thị trường nhật bản tại dịch vụ đầu tư có trụ trở tại London, nói trong tuần này. Tuy nhiên, bà không cung cấp chi tiết.
Theo Bloomberg, ngân hàng Nhật Bản đã mua trái phiếu nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Đồng yen có thể mất giá nếu các nỗ lực kích thích nền kinh tế thất bại.
“Nhiều khách hàng người Nhật của chúng tôi nghĩ rằng giữ vàng ở nhà là quá nguy hiểm và họ muốn cất chúng tại Thụy Sĩ. Họ đang lo lắng về tương lai của đất nước”, Whitehouse trả lời phỏng vấn.
Các nhà đầu tư Nhật đổ xô đi mua vàng và cất tại Thụy Sĩ vì quan ngại về lãi suất và đồng yen giảm. Ảnh: Reuters |
Tăng trưởng của đất nước mặt trời mọc đã đình trệ trong một thập kỷ, bất chấp các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ - thứ đẩy nợ công tăng gấp đôi giá trị đầu ra kinh tế hàng năm.
Năm 2016, vàng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư khiến họ đổ xô đi mua vàng bởi những bất ổn thị trường và lãi suất tiêu cực hoặc thấp. Giá vàng tăng khoảng 30%, lên mức cao nhất trong hơn 2 năm qua khi các quỹ giao dịch tăng 37%, lên mức hơn 2.000 tấn.
Tình trạng mua vàng tăng lên sau khi Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào hôm 23/6. Theo UBS Group AG, đây mới chỉ là sự khởi đầu. Giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao.
Kích cầu thất bại
Thay vì yếu đi, giá đồng yen tăng lên trong những năm qua do các nhà đầu tư coi nó là sự lựa chọn tốt bên cạnh trái phiếu chính phủ, bạc và vàng.
Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn được một số bình luận dự đoán về một sự sụp đổ.
Yukio Noguchi, một giáo sư đại học kiêm cựu quan chức của Bộ Tài chính, dự đoán một kịch bản, trong đó sự thất bại trong gói kích thích kinh tế của Nhật Bản có thể đẩy đồng yen xuống mức 300 yen đổi 1 USD. Trong khi đó, tỷ giá hôm 8/7 là 101 yen đổi 1 USD.
Các nhà đầu tư của xứ sở hoa anh đào bị thu hút bởi Bullion Vault, từ các doanh nhân lớn tuổi, giàu có – những người có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài và muốn bảo vệ tài sản của họ - đến người trẻ tuổi và phụ nữ bởi những rủi ro về kinh tế và chính trị toàn cầu tăng, đặc biệt sau quyết định của Anh, theo Whitehouse.
BullionVault tìm thấy điểm tương đồng giữa các nhà đầu tư Nhật và những đồng nghiệp ở nước ngoài, Whitehouse chia sẻ.
Hầu hết các khách hàng Mỹ của họ cất vàng ở nước ngoài vì quan ngại về khả năng bị tịch thu, điều từng xảy ra trong thời kỳ Đại Suy thoái trong những năm 1930.
Một nửa số khách hàng Anh của họ lưu trữ vàng ở nước ngoài. Công ty cho biết trên trang web chính thức của họ rằng đó là dịch vụ đầu tư vàng lớn nhất trên thế giới.