Ngân hàng vào cuộc đua tăng lãi suất huy động
- Thứ hai - 19/03/2018 12:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mặt bằng lãi suất chênh lệch lớn
Có một khoản tiền dư lại sau Tết, chị Hoàng Thanh Hà (trú tại P. Ô Chợ Dừa, Q.Đống Đa, Hà Nội) quyết định đi “khảo giá” tiền gửi. Tại một phòng giao dịch của VIB, chị Hà được nhân viên ngân hàng tư vấn, nếu mở sổ ngay thì có thể kịp tham gia chương trình “Xuân tài lộc” của ngân hàng với lãi suất cao, lại kèm thêm khuyến mãi, phần thưởng.
“Nhân viên nói với tôi nếu không cần dùng tiền ngay có thể gửi các gói lãi suất 6 tháng đến 1 năm hoặc dài hơn để nhận lãi suất cao đến 8,7%/năm. Còn nếu gửi 1 tháng, lãi suất cũng tới 5,5%/năm mà trước đây chỉ trên 4%”, chị Hà nói và cho biết thêm, nhân viên giao dịch này còn tự tin khuyên chị cứ qua các ngân hàng khác tham khảo, nếu không có nơi nào hấp dẫn hơn thì quay lại để nhân viên này mở sổ cũng được.
Theo một nhân viên BIDV, ngân hàng này đang rất dồi dào vốn. Sau đợt huy động ngay trước và sau Tết, đến nay lãi suất huy động của BIDV thậm chí còn giảm nhẹ 0,2% ở hầu hết các kỳ hạn. Hiện, BIDV áp dụng mức cao hơn với lãi suất cao nhất là 6,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và từ 18 tháng trở lên. |
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, ngoài VIB, còn nhiều ngân hàng khác đang áp dụng lãi suất cao để hút vốn. Nếu gửi tiết kiệm tại VPBank, các khoản tiền dưới 100 triệu đồng cũng được hưởng lãi suất 4,9%-7,1%/năm cho kỳ hạn từ 1 tháng tới 36 tháng, còn mức lãi suất cao nhất 7,5%/năm được áp dụng cho khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên. Tại Sacombank, lãi suất một số kỳ hạn cũng tăng từ ngày 10/2: Kỳ hạn 1 tháng lên 4,8%/năm; kỳ hạn từ 2-5 tháng lên 5,4-5,5%/năm; 6-12 tháng lên 6,2-6,9%/năm. Với các kỳ hạn dài lãi suất 7,05-7,4%/năm. Mức lãi suất cao nhất hiện nay 7,6%/năm được Sacombank áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng...
Tuy nhiên, hiện mặt bằng lãi suất có sự chênh lệch khá cao, nhất là giữa nhóm ngân hàng nhỏ và lớn. Thậm chí, trong nhóm các ngân hàng lớn cũng tạo sự chênh lệch khá rõ ràng. Đơn cử như Vietcombank áp dụng lãi suất khá thấp, từ 4,1%/năm tới 6,5%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tới 60 tháng. Trong khi đó, VietinBank “chơi trội” hơn cả với lãi suất 4,3%-7%/năm cho kỳ hạn từ dài tới 36 tháng.
Thị trường ngân hàng đang bước vào cuộc đua hút vốn, nhất là kỳ hạn trung và dài - Ảnh: Tạ Tôn
“Khát” vốn kỳ hạn dài
Đến đầu tháng 4 tới, khoản tiền mấy chục triệu đồng chị Nguyễn Thị Hoa (trú tại P. Thịnh Quang, Q.Đống Đa, Hà Nội) gửi tại một ngân hàng TMCP quốc doanh ở khu vực Hoàng Cầu được tròn ba năm. Song hồi đó, do chưa biết khi nào cần dùng đến tiền, trong khi lãi suất kỳ hạn ngắn cũng khá cao, nên chị Hoa mở sổ gửi kỳ hạn 3 tháng, lãi nhập gốc. Sau đó, vì không dùng tới món tiền này, chị Hoa cũng không rút ra. Bẵng đi, đến nay chị được một nhân viên ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh chào mời gửi tiền với lãi suất cao hơn hẳn mức chị đang được hưởng. Biết vậy, nhân viên ngân hàng lập tức khuyên chị chuyển kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao hơn hẳn, đồng thời hứa hẹn cộng thêm ưu đãi do chị là khách quen!
Không chỉ chị Hoa, nhiều khách hàng khác như bác Trịnh Văn Tính (trú tại P. Lĩnh Nam, Q. Hoàng Mai) cho biết đang được các con khuyên rút hơn 500 triệu đồng tiền dành dụm nhiều năm từ một ngân hàng TMCP quốc doanh sang gửi kỳ hạn dài tại một số ngân hàng ngoài quốc doanh để hưởng lãi suất cao. Tuy nhiên, bác chưa đồng ý vì bác cho rằng, “gửi tiền ở Ngân hàng Nhà nước an toàn hơn”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc trường Đào tạo & phát triển nguồn nhân lực VietinBank cho rằng, một số ngân hàng tăng lãi suất nhưng chủ yếu là tăng ở kỳ hạn trung, từ 3 - 13 tháng. Bà Mùi phân tích, hiện nay, nhiều ngân hàng phải “chạy” tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn khi tỷ lệ này đã kịch và vượt quy định của Ngân hàng Nhà nước, thậm chí có nhiều ngân hàng đã bị Ngân hàng Nhà nước gia hạn 2 - 3 lần vẫn chưa khắc phục được. Do đó, các ngân hàng phải nhanh chóng huy động vốn trung và dài hạn, qua đó kéo giảm tỷ lệ cho vay kỳ hạn này xuống đúng quy định. Tuy nhiên, sau đợt huy động này, các ngân hàng có thể lại hạ lãi suất về như trước. Ngoài nguyên nhân chính này ra, bà Mùi cũng không loại trừ một số ít ngân hàng nhỏ không vay được vốn trên thị trường liên ngân hàng nên đành phải tăng lãi suất huy động từ dân cư.